Bầu cử Pháp: Lý do dẫn đến thất bại của phe cực hữu
Chưa đầy một tuần trước, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) được dự báo thắng bầu cử quốc hội và sẽ lần đầu tiên lên nắm quyền trong lịch sử cộng hòa hiện đại Pháp. Tối 7/7, bà Marine Le Pen, người dẫn dắt phong trào cực hữu Pháp, cùng đám đông ủng hộ tập trung tại trụ sở RN phía đông Paris. Champagne được rót sẵn và họ sẵn sàng nâng ly ăn mừng kết quả vòng hai cuộc bầu cử.
Nhưng hy vọng của phe cực hữu nhanh chóng sụp đổ, khi kết quả kiểm phiếu cho thấy sự đảo chiều bất ngờ. Mặt trận Bình dân Mới (NFP) theo xu hướng cánh tả về nhất, tiếp đó là liên minh trung dung Ensemble cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron. RN về thứ ba chung cuộc, dù dẫn trước cả hai đối thủ với khoảng cách lớn trong vòng một ngày 30/6.
NFP giành 182 trên 577 ghế quốc hội. Ensemble nhận 163 ghế, còn RN nhận 143 ghế. Với kết quả này, RN thậm chí có thể không phải phe đối lập chính. "Chúng ta luôn mắc sai lầm. Tôi đã mắc sai lầm và xin nhận phần trách nhiệm của mình về kết quả", Chủ tịch RN Jordan Bardella phát biểu ngày 8/7.
Một số đảng viên RN kỳ cựu chỉ trích đội ngũ lãnh đạo dưới thời ông Bardella, 28 tuổi. Họ cho rằng "những nguyên nhân về mặt cấu trúc" đã khiến đảng cực hữu thất bại trong vòng hai.
"RN cần tự trách mình", nghị sĩ Bruno Bilde nói.
Bà Marine Le Pen (trái) và Chủ tịch RN Jordan Bardella tại một cuộc họp ở Paris, Pháp ngày 2/6. Ảnh: AP
Năm 2017, sau khi bà Le Pen có màn thể hiện gây thất vọng trước đối thủ Macron trong cuộc đua vào Điện Elysee, phó lãnh đạo RN Florian Philippot đã bị gạt sang một bên, dẫn đến việc ông rời đảng. Sự trừng phạt nội bộ RN lần này cũng đã bắt đầu.
Tối 8/7, ông Gilles Pennelle đã rời ghế phụ trách vấn đề chung của RN. Pennelle chịu trách nhiệm vạch chiến lược để RN lên nắm quyền, gọi là "kế hoạch Matignon". Chiến lược được cho là "không thể thất bại" và Pennelle chỉ cần "ấn nút" để thực hiện.
Trọng tâm của "kế hoạch Matignon" là lựa chọn ứng viên có thể ra tranh cử ghế nghị sĩ ngay lập tức. Nhưng đây lại là lý do khiến mọi thứ đi chệch hướng. Nhiều ứng viên nghị sĩ được chọn theo kế hoạch này cuối cùng lại không phù hợp để tranh cử vì thiếu chuyên nghiệp, hoặc một số trường hợp có phát biểu phân biệt chủng tộc, bài ngoại.
Bầu cử quốc hội Pháp là tổng hợp 577 cuộc đua vào ghế nghị sĩ ở từng địa phương. Ở một số khu vực, đặc biệt là những nơi ít cơ hội thắng, các đảng thường chọn nhà hoạt động địa phương không có nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị để ra tranh cử.
Tạp chí điều tra Pháp Mediapart thông kê 106 ứng viên RN từng có "phát biểu gây thù hận hoặc thuyết âm mưu". Một ứng viên của đảng ở Normandy bị phát hiện từng chụp ảnh với biểu tượng của Đức Quốc xã, buộc RN phải tuyên bố rút lại sự ủng hộ với người này.
Trong các video được lan truyền mạnh, một ứng viên RN nói mình không thể bị cáo buộc phân biệt chủng tộc vì "có bác sĩ nhãn khoa là người Do Thái và bác sĩ nha khoa là người Hồi giáo".
Bà Marine Le Pen sau khi có kết quả bầu cử vòng hai quốc hội Pháp hôm 7/7. Ảnh: Reuters
Số khác tỏ ra quá lo lắng hoặc không thể trả lời các câu hỏi chính trị cơ bản khi tranh luận với đối thủ trên truyền hình địa phương. Truyền thông Pháp còn phát hiện một nữ ứng viên của RN từng bắt công chức thị trấn làm con tin, một ứng viên khác đang chịu giám hộ theo lệnh từ tòa án.
Những trường hợp này cho thấy hai lỗ hổng đã tồn tại suốt nhiều năm qua, khiến cử tri Pháp không muốn trao quyền lực cho phe cực hữu. Đó là sự thù hận và yếu kém về năng lực của các ứng viên được đảng này lựa chọn.
"Chúng tôi thừa nhận có sai sót", nghị sĩ RN Bruno Clavet, người thắng áp đảo và được bầu thẳng vào quốc hội ngay trong vòng một, nói. "Chúng tôi đã không chọn được ứng viên phù hợp. Các quan chức đảng tại địa phương đã không làm đúng chức trách".
Với những điểm yếu trên, RN càng gặp bất lợi khi phe cánh tả và trung dung cùng phối hợp để chặn đà tiến của chủ nghĩa cực hữu. Hơn 200 ứng viên của NFP và Ensemble đã chọn rút lui trước vòng hai. Họ làm vậy khi thấy cơ hội chiến thắng của mình không cao, muốn ứng viên khác thu hút thêm cử tri thay vì phân tán phiếu bầu, với hy vọng người đó đánh bại được ứng viên RN.
Chiến thuật này đã giáng đòn nặng nề vào RN. Đảng cực hữu này giờ đây phải tập hợp lại lực lượng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2027.
"Jordan Bardella cần tái tổ chức toàn bộ đảng", nghị sĩ RN Philippe Olivier nói với Le Monde. "Việc này cần thực hiện, bất kể thế nào".
Chủ tịch RN Jordan Bardella phát biểu tại trụ sở đảng ở Paris, Pháp, ngày 7/7. Ảnh: AP
RN đã vạch ra các điểm tích cực nhằm giảm thiểu tác động từ thất bại ngày 7/7. Dù thua, RN vẫn nhận được tổng phiếu nhiều nhất, theo sau lần lượt là NFP và Ensemble. Số ghế RN tại quốc hội cũng tăng thêm đáng kể từ mức 88.
Chiến thắng của RN chỉ đang "bị trì hoãn", bà Le Pen tuyên bố. Bà cho rằng RN thất bại vì "liên minh khác thường" giữa phe cực tả và trung dung.
Tuy nhiên, RN có thể còn gặp rắc rối trong quốc hội khóa mới, bởi vẫn có một số ứng viên gây tranh cãi vẫn đắc cử nghị sĩ. Bà Le Pen, lãnh đạo RN tại quốc hội, là người sẽ phải quyết định xử trí thế nào với những nghị sĩ này.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/sai-lam-khien-phe-cuc-huu-that-bai-trong-bau-cu-phap-4768588.html