Bánh mảy nhừng xứ Lạng: Ăn một miếng, nhớ cả đời

02:28' 15-09-2021
Nếu như thành phố Lạng Sơn nổi tiếng với món bánh gấc; huyện Bình Gia có bánh ngải và xôi ngũ sắc; Tràng Định có bánh phồng, khẩu sli… thì huyện Lộc Bình lại có mảy nhừng - món ăn đặc trưng vào những ngày đầu xuân năm mới.

Mảy nhừng là món bánh được làm từ gạo tẻ và rau. Khác với các loại bánh ở vùng biên cương xứ Lạng đa số được làm từ gạo nếp như: bánh gấc, bánh ngải, bánh rợm, bánh dày, thì mảy nhừng lại được làm từ gạo tẻ hòa quyện với thịt, một số loại rau thơm và gói trong bẹ củ măng hoặc lá bắp cải. Món ăn này được người dân Lộc Bình chế biến, sử dụng nhiều trong những ngày đầu xuân năm mới.

Bà Dương Thị Man, trên 70 tuổi, khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình cho biết: Mảy nhừng là món ăn không thể thiếu vào những ngày xuân, nhất là vào ngày tết Nguyên đán và ngày hội Háng Đắp ở thị trấn Lộc Bình diễn ra vào ngày 30, tháng Giêng hằng năm.

Để làm món mảy nhừng, người làm phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu, bởi bánh là sự kết hợp giữa gạo, thịt và một số loại cây. Nguyên liệu làm bánh gồm 3 thứ chính là: bột gạo tẻ, nhân bánh, bẹ củ măng tre hoặc lá bắp cải. Mỗi khâu làm bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ để bánh ngon, thơm, say lòng người thưởng thức. Trước hết gạo làm bánh là gạo bao thai loại ngon để dành từ vụ mùa năm trước, ngâm từ 2 - 5 giờ, rồi mang xát thành bột với tỷ lệ: 1,5 kg gạo hòa với 20 lít nước. Bột này cho lên bếp đun vừa lửa. Khi đun phải đảo đều tay, nếu không bột bị vón cục hoặc dính vào đáy nồi dẫn đến cháy khét. Bột phải có độ sánh vừa, không đặc hoặc loãng quá. Bột đặc quá làm bánh bị cứng, bột loãng thì bánh mềm khó gói và khó ăn. Nhân bánh được làm từ thịt xào với mộc nhĩ, nấm hương và các loại rau thơm như: rau răm, mùi tàu, răng cưa, hành khô, hành lá. Để nhân bánh thơm cần cho mỡ vào chảo phi thơm hành khô và củ hành lá, sau đó cho thịt và các loại rau thơm, gia vị vào đảo đều. Khi bột được đun với độ sánh trên bếp thì cho nhân bánh vào đảo cùng.

Bột và nhân bánh sau khi được làm xong mới là kết thúc một công đoạn. Để mảy nhừng trở thành món ăn hoàn thiện, cần chuẩn bị vỏ bánh để gói. Cách đây 20 năm, vỏ bánh mảy nhừng chủ yếu là từ bẹ củ măng tre, măng vầu hoặc măng mai. Ngày nay, các loại măng này khá hiếm nên người dân Lộc Bình làm vỏ bánh bằng lá bắp cải. Để lá bắp cải gói được bánh thì phải đun nước sôi có hòa một chút muối trắng, rồi nhúng cả cây cải bắp vào nồi nước sôi cho bẹ lá mềm ra và ngấm một chút vị mặn của muối thì vớt ra. Khi lá bắp cải nguội có thể đem gói phần bột bánh đã trộn cùng nhân được chuẩn bị từ trước. Mỗi chiếc bánh chỉ gói với kích thước vừa ăn, không to, không nhỏ quá. Sau đó cho bánh đã gói xong vào chõ hấp cách thủy. Trong quá trình hấp bánh nên kiểm tra để bánh vừa độ chín, không nhừ quá hoặc bị sống.

Người dân huyện Lộc Bình gói bánh mảy nhừng

Mảy nhừng có thể ăn thay cơm và chấm nước thịt xay với cà chua, hành hoặc nước mắm pha với chanh, mì chính tùy theo khẩu vị của từng người. Chị Tô Hồng Nga, khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình chia sẻ: Mảy nhừng là món ăn rất thơm, ngon, dễ ăn. Những ngày xuân, nhà tôi hay làm món này để biếu người thân và ăn thay cơm.

Ở Lộc Bình, mảy nhừng được nhiều gia đình tự làm vào các ngày lễ, tết, hội xuân nhưng cũng có nhiều cơ quan, gia đình đặt làm bánh ở các cơ sở, nhà hàng trong thị trấn Lộc Bình. Bà Mai Thị Nhuần, khu Bờ Sông, thị trấn Lộc Bình cho biết: Mấy năm gần đây, gia đình tôi được nhiều khách hàng đặt làm mảy nhừng vào ngày hội Háng Đắp. Trung bình mỗi năm diễn ra hội, nhà tôi làm trên 1.000 chiếc cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, gia đình trong thị trấn. Ngày thường cũng làm khoảng 200 chiếc bán cho người dân thưởng thức.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Catholic Regional College Sydenham Vùng: Sydenham. Phone: 9361 0000
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3261091