Bánh cuốn Cao Bằng: Món ăn sáng bình dị mà nổi tiếng khắp Việt Nam
Món bánh cuốn khiến nhiều người Cao Bằng xa quê luôn nhớ đến.
Mỗi vùng miền sẽ có một thức ăn sáng riêng biệt và dần trở thành thói quen mỗi khi thức dậy. Còn đối với người Cao Bằng khi hỏi những bậc cao niên về bánh cuốn đều không ai biết có từ khi nào, hay ai sáng tạo ra món ăn này nữa. Bởi lẽ nó xuất hiện trong đời sống dân gian của địa phương từ rất lâu. Bởi lẽ là bữa sáng cho nên mọi người thường ăn từ sớm để có năng lượng cho một ngày làm việc mới vậy nên thợ làm bánh cũng đã phải chuẩn bị từ rất sớm.
Khâu chuẩn bị cũng rất cẩn thận ngay từ hôm trước, như chuẩn bị nguyên liệu làm bánh, rửa sạch sẽ khuôn bánh, bề mặt khuôn làm bánh là một loại vải, khi nấu bánh sẽ có một lớp mỡ mỏng phủ lên để bánh không bị dính, bên dưới nồi là nước khi sôi sẽ tạo nhiệt để làm chín bánh. Còn gạo để làm bánh phải là loại gạo bao thái lùn, gạo tẻ được trồng tại Cao Bằng được rửa sạch và ngâm nước cho hạt gạo nở nên rồi mới đem đi nghiền thành bột.
Ngày xưa, không có máy móc mọi thứ đều phải làm thủ công bằng sức người đó là dùng cối xay bằng đá để nghiền rất vất vả. Còn nước canh được làm bằng cách ninh xương ống của lợn cho thật dừ để canh có vị ngọt mà không cần cho gì thêm, chính yếu tố này khiến cho người dân rất tin tưởng và cảm thấy ngon miệng hơn. Nhân bánh được làm từ thịt lợn băm nhỏ tẩm ướp gia vị truyền thống như là lạc, mộc nhĩ, hành...
Mỗi người sẽ có một sở thích ăn bánh nhân khác nhau. Nếu người nào chỉ thích bánh nhân lạc sẽ yêu cầu chủ quán chỉ cho nhân lạc, hoặc chỉ có nhân thịt. Những em bé nhỏ tuổi thường ăn bánh cuốn trộn trứng hòa tan trong màu trắng của bột gạo vì như vậy dễ ăn mà bổ dưỡng. Mỗi quán sẽ có hương vị riêng, nhưng nhiều thực khách gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh vì có nhiều canh, nhưng đó cũng là cách phân biệt với bánh cuốn nơi khác, một số nơi họ chỉ dùng nước mắm hoặc dấm để chấm.
Xem Video: BÁNH CUỐN CAO BẰNG | Vietnam streetfood | TastingVietNam
Bánh cuốn có thể làm quanh năm, như ng có lẽ mùa đông lạnh mà được ngồi bên bếp lửa nấu bánh và thưởng thức bát bánh cuốn nóng hổi mới là tuyệt nhất. Người đến ăn bánh cuốn cũng có thể tự mang theo trứng gà từ nhà đi nếu muốn ăn bánh cuốn trứng.
Trứng gà sẽ được đặt giữa lớp bột gạo khi chín tới sẽ được vớt lớp bột bọc vào giữa kèm theo chút nhân thịt.
Sự hòa quyện của các thành phần trong bánh và trong nước chấm bánh tạo một hương vị đậm đà riêng biệt. Ban đầu ăn sẽ thấy chưa quen và lạ miệng. Ăn thêm vài miếng nữa là cảm thấy nghiền món bánh cuốn này từ lúc nào. Bánh cuốn thường đợi khách gọi rồi mới cuốn. Không chỉ bởi để bánh được nóng hổi mà còn vì khẩu vị của mỗi người lại khác nhau. Có người thích bánh trứng, có người thích cho nhiều thịt, có người lại thích ăn bánh không có nhân thịt bên trong.
Những món đi kèm với bánh cuốn Cao Bằng cũng góp phần làm lên nét đặc biệt. Bánh cuốn thường được ăn kèm với chả lụa, giò. Giò để ăn cùng bánh cuốn được gói trong những lớp lá chuối. Khi khách muốn ăn giò, chủ quán sẽ bóc lớp lá chuối cho vào nồi canh xương đang ninh rồi thả trong bát nước hầm xương nóng hổi. Để cho hương vị độc đáo, bánh cuốn Cao Bằng thường được ăn chung với quả mắc mật vàng đã được muối chua.
Tất cả các hương vị ngọt, béo, thơm, cay, chua... hòa quyện lại với nhau, tạo thành một vị ngon đậm đà, độc đáo, khó có thể quên.
Bạn Nguyễn Văn Tiệp ở Hòa An - Cao Bằng chia sẻ “Hồi còn học ở Thái Nguyên hay đi nhiều nơi khác mình thấy người ta treo biển bánh cuốn Cao Bằng rất nhiều, nhưng khi đến ăn thử thì không thể ngon như ở quê mình. Lúc đó mới phát hiện ra là người ta lợi dụng danh tiếng đặc sản bánh cuốn Cao Bằng để Kinh doanh nhưng làm không ngon nên có thể ảnh hưởng đến uy tín của bánh cuốn Cao Bằng”.
Món bánh cuốn bình dị, nhưng mang trong đó là hương vị ẩm thực của quê hương, của người dân Cao Bằng. Mỗi khi thực khách nơi khác nên ăn thử bánh cuốn chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên. Điều đó làm cũng góp phần quảng bá hình ảnh Cao Bằng trong lòng du khách
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2690437