Bà Theresa May: Hành trình ba năm đầy giông bão

14:25' 31-05-2019
Không biết với bà Theresa May mọi sự có phải là định mệnh không khi mà quyết định rời bỏ ngôi nhà số 10 phố Downing mới đây của bà rơi vào tháng 5 - tháng trùng khớp với ý nghĩa cái tên của bà - May: Tháng 5.


Nụ cười của bà Theresa May ngày nhậm chức Thủ tướng Anh.

Từ lời hứa ngày nhậm chức

Gần 3 năm về trước, ngày 13/7/2016, sau khi người tiền nhiệm David Cameron từ chức, bà Theresa May đã chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh, trở thành chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 phố Downing. Trong lời tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ tạo dựng một vị thế mới vững chắc cho nước Anh khi rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (tức tiến trình Brexit- PV) và đấu tranh chống lại mọi bất công trong xã hội. Cũng trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, bà Theresa May cam kết sẽ thực hiện quy trình để Anh rời EU theo đúng kết quả trưng cầu dân ý, nhưng bà nói rõ “chúng ta cần thời gian để chuẩn bị cho cuộc đàm phán, và mong muốn thực hiện quá trình này trên tinh thần xây dựng và tích cực”. “Sau cuộc trưng cầu dân ý, chúng ta đối mặt với sự thay đổi lớn nhất. Khi chúng ta rời EU, chúng ta sẽ tự xây dựng vai trò tích cực mới trên thế giới. Chúng ta sẽ khiến nước Anh trở thành quốc gia không chỉ dành cho một nhóm đặc quyền, mà cho tất cả chúng ta”, bà Theresa May nhấn mạnh.

Cũng còn nhớ ngay buổi chiều ngày nhậm chức 13/7 ấy, trong cuộc điện đàm với các người đồng cấp từ châu Âu - Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ireland Enda Kenny - lời cam kết đầu tiên của tân Thủ tướng Anh chính là việc thúc đẩy Brexit nhưng cho rằng Anh cần thời gian để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, trở thành nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước này.

Điều đáng chú ý là trước đó, trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Anh, Theresa May là một trong những người ủng hộ Anh ở lại EU. Nhưng sau khi tuyên thệ nhậm chức, với trách nhiệm dẫn dắt nước Anh trong tiến trình Brexit, bà tự nhận sẽ làm cây cầu kết nối giữa phe hoài nghi châu Âu (Euroskeptics) và phe tiến bộ của đảng khi lãnh đạo nước Anh hậu Brexit.

Hành trình 3 năm đầy giông bão

Tuy nhiên, hành trình Brexit suốt gần 3 năm qua đã thực sự không hề dễ dàng với ngay cả một người nổi tiếng cứng rắn có đến gần 6 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ như bà Theresa May. Những khó khăn trong nội bộ Vương quốc Anh, cộng thêm sự phức tạp không thể lường trước của hồ sơ Brexit, đặc biệt trong vấn đề biên giới Bắc Ireland và hậu quả của việc ra đi không thỏa thuận đã buộc bà May phải liên tiếp đưa ra rất nhiều nhượng bộ với phía châu Âu. Cuối tháng 11/2018, sau 17 tháng đàm phán cam go, chính phủ của bà Theresa May đã đạt được một thỏa thuận Brexit với EU. Tuy nhiên, thỏa thuận này bị chỉ trích kịch liệt trong nội bộ nước Anh và đã 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ. Thế bế tắc toàn diện của Brexit khiến bà Theresa May đ.ánh mất tất cả sự ủng hộ của nội bộ đảng Bảo thủ cũng như thất bại trong việc tìm kiếm thoả hiệp với Công đảng đối lập.

Bà Theresa May với hình ảnh đơn độc bên bàn họp sau cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tháng 10/2017- cuộc gặp mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại về Brexit.

Không chịu từ bỏ, trong những nỗ lực cuối cùng, bà Theresa May đã đề nghị EU kéo dài thời hạn Brexit tới ngày 30/6 để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập nhằm tìm ra một kế hoạch Brexit mới. Tuy nhiên, đề nghị này đã không nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ Anh. Các phe phái trong nội bộ đảng Bảo thủ đã cương quyết gây sức ép buộc bà Theresa May từ chức.

Giọt nước mắt nghẹn ngào ngày chia xa

Và những giọt nước mắt nghẹn ngào khó giấu trong bài phát biểu ngày 25/5 vừa qua đã cho thấy, dù mọi sự còn dang dở, dù thật lòng chẳng mong muốn, “người đàn bà thép” của nước Anh đã buộc phải cất lên lời giã từ trọng trách đứng đầu chính phủ, giã biệt với hành trình Brexit đầy giông bão của nước Anh. “Tôi đã làm mọi thứ để có thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận. Thật đáng buồn, tôi chưa đạt được thành công. Tôi đã cố gắng ba lần.Tôi tin mình đã đúng khi kiên trì, ngay cả khi những yếu tố dẫn tới thành công không nhiều. Nhưng giờ đây, tôi cho rằng để một Thủ tướng mới dẫn dắt nỗ lực này sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho quốc gia”, bà tuyên bố. “Tôi đã làm việc với lòng biết ơn to lớn và bền bỉ vì được có cơ hội phụng sự đất nước tôi yêu”, bà Theresa May nghẹn ngào.

Thủ tướng Theresa May.

Bà Theresa May sẽ giữ chức Thủ tướng Anh cho đến khi đảng Bảo thủ chọn ra người kế nhiệm vào tháng 7. Đảng Bảo thủ cho biết họ sẽ bắt đầu quá trình tìm kiếm lãnh đạo mới ngay từ ngày 10/6, các thành viên trong đảng sẽ bàn bạc để chọn ra một danh sách ứng viên rút gọn, dự kiến được công bố vào cuối tháng 6.

Tuy nhiên, dù ai là người kế nhiệm bà Theresa May thì trách nhiệm nặng nề nhất của họ vẫn là câu chuyện dẫn dắt nước Anh như thế nào trong tiến trình Brexit. Nước Anh có thời hạn đến ngày 31/10 để đạt một thỏa thuận với 27 nước thành viên EU. Nếu không, nước này sẽ rời khỏi EU trong hỗn loạn mà không có thỏa thuận nào để làm bệ đỡ cho nền kinh tế.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2547671