Arab Saudi tiếp tục ủng hộ vai trò Nga trong nhóm OPEC+
Riyadh đang cho thấy khả năng sẵn sàng ủng hộ Nga tiếp tục là thành viên nhóm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác (OPEC+), trong bối cảnh phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva, cũng như khả năng Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm dầu Nga.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, bộ trưởng dầu mỏ Arab Saudi, cho biết Riyadh hy vọng "đạt được thỏa thuận với OPEC+, trong đó có Nga", nhấn mạnh thế giới nên tôn trọng giá trị của liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ này.
OPEC+ là nhóm gồm 13 quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng 10 nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga. Liên minh OPEC+ được xây dựng năm 2016, khi giá dầu thế giới xuống mức thấp kỷ lục.
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khi bắt đầu cuộc họp OPEC và OPEC+ tại Vienna, Áo, ngày 6/12/2019. Ảnh: TASS.
OPEC+ đang xem xét một thỏa thuận sản xuất mới, khi định mức sản lượng được khối áp dụng từ tháng 4/2020 dự kiến hết hạn trong ba tháng tới. Đây cũng là thời điểm thế giới đang chật vật ứng phó với giá dầu cao nhất trong một thập kỷ.
Bình luận của Hoàng tử Abdulaziz được cho là dấu hiệu quan trọng cho thấy sự ủng hộ của Arab Saudi đối với Nga, trong bối cảnh phương Tây nỗ lực cô lập Moskva và sản lượng khai thác dầu của Nga sụt giảm, làm dấy lên hoài nghi về vị thế của nước này trong OPEC+.
Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là những thành viên OPEC duy nhất có khả năng tăng nguồn cung cho châu Âu, song đã từ chối đề nghị bơm thêm dầu ra thị trường hồi cuối tháng 3, với lý do không thiếu nguồn cung. Một số quốc gia thành viên OPEC+ cũng không đáp ứng được định mức sản xuất đề ra.
Ông Abdulaziz cho biết còn quá sớm để mô tả chi tiết về thỏa thuận mới khi thị trường dầu mỏ đang bất ổn, song khẳng định OPEC+ sẽ tăng sản lượng "nếu có nhu cầu". "Thị trường hiện biến động, song chúng tôi có thể nói OPEC+ đã thành công, đủ khiến mọi người ghi nhận giá trị của khối, giá trị của việc hợp tác cùng nhau", ông khẳng định.
OPEC+ tháng 4/2020 ra quyết định cắt giảm gần 10 triệu thùng mỗi ngày trong nỗ lực tăng giá dầu mỏ. Kể từ đó, liên minh này dần tăng lại sản lượng với mức khiêm tốn 430.000 thùng/ngày, đồng thời nhóm họp hàng tháng để thảo luận về chính sách sản xuất tiếp theo. Tuy nhiên, kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, sản lượng dầu khai thác của Nga bắt đầu suy giảm, còn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4, so với 11 triệu thùng/ngày hồi tháng 3, theo dữ liệu từ OilX.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo con số này có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày nếu phương Tây áp lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Moskva.
Hoàng tử Abdulaziz cho rằng giá xăng thế giới tăng là do công suất lọc dầu toàn cầu không đáp ứng nhu cầu, cũng như do chính sách thuế. "Yếu tố quyết định thị trường là công suất của các nhà máy lọc dầu và cách vận hành chúng", ông nói. "Trong ba năm qua, công suất lọc dầu thế giới đã giảm ít nhất 4 triệu thùng/ngày".
Ông Abdulaziz cho rằng không nên để chính trị ảnh hưởng tới OPEC+, đồng thời kêu gọi liên minh này triển khai những "điều chỉnh có trật tự" trong tương lai, khi tăng trưởng toàn cầu và chuỗi cung ứng trở nên bất ổn.
Arab Saudi, nước đóng vai trò dẫn dắt OPEC và cũng là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã tăng cường phối hợp với Nga trong định mức sản lượng dầu kể từ năm 2016 thông qua cơ chế OPEC+.
Ngoài Arab Saudi, Ấn Độ và Trung Quốc cũng được cho là đàm phán với Nga để mua dầu giá rẻ, trong bối cảnh châu Âu tìm cách cấm nhập dầu Moskva.
Ấn Độ đã từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và tăng nhập khẩu dầu từ nước này với mức giá ưu đãi. Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm nay đã nhập dầu từ Nga gần tương đương tổng lượng cả năm 2021, theo Reuters.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng được cho là đàm phán mua dầu giá rẻ từ Moskva để bổ sung cho kho dự trữ dầu thô chiến lược. Đây được coi là dấu hiệu Trung Quốc đang tăng cường quan hệ hợp tác năng lượng với Nga.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/arab-saudi-co-the-ung-ho-hop-tac-dau-mo-voi-nga-4467006.html