An ninh nước Mỹ sau ngày Biden nhậm chức
|
Hàng rào được dựng lên và binh sĩ được triển khai xung quanh Điện Capitol, giữa lo ngại rằng vụ bạo loạn ngày 6/1 có thể châm ngòi cho bạo lực trong những ngày trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng mối đe dọa thực sự có thể là những gì vụ tấn công này có thể gây ra trong dài hạn.
"Những âm mưu của ngày mai đang được thai nghén ngay lúc này", ông Oren Segal, Phó chủ tịch Trung tâm Chủ nghĩa cực đoan thuộc Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) - tổ chức phi chính phủ của người Do Thái có trụ sở tại New York, nói.
Chuyển đổi nền tảng
Các chuyên gia ngày càng quan ngại về những cuộc thảo luận xoay quanh thông điệp chung của những người cảm thấy bị đối xử bất công bởi giới chức nắm quyền, bởi hệ thống chính trị và bởi Big Tech.
Họ cũng lo lắng rằng số lượng phần tử cực đoan có khả năng gây ra bạo lực đang gia tăng. Các mạng xã hội đã khóa tài khoản của Tổng thống Donald Trump và những người khác vì lo ngại các bài đăng của họ sẽ tiếp tục gây ra bạo lực.
Người ủng hộ ông Trump chiếm cứ Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: Reuters. |
Một số người từng kết nối qua Facebook, Twitter hoặc thậm chí là Parler nay đang sử dụng các nền tảng khác. Các nền tảng đó bao gồm Telegram, nơi các phần tử cực đoan và kênh của những người da trắng thượng đẳng đã tồn tại và gieo rắc sự thù hận trong nhiều năm.
Nhiều kênh trong số này thường xuyên có những ca ngợi dành cho những kẻ giết người hàng loạt, những chỉ dẫn chiến thuật và nội dung cực đoan đáng lo ngại đang lan truyền nhanh chóng.
"Đội ngũ kiểm duyệt của chúng tôi đang xem xét ngày càng nhiều báo cáo liên quan đến các bài đăng công khai có nội dung kêu gọi bạo lực, vốn bị cấm rõ ràng trong Điều khoản Dịch vụ của chúng tôi", người phát ngôn của Telegram, Remi Vaughn, nói với CNN.
"Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận hòa bình và các cuộc biểu tình hòa bình, nhưng thường xuyên gỡ bỏ những nội dung công khai kêu gọi bạo lực".
Ông Segal gọi vụ tấn công Điện Capitol là thời khắc quan trọng và nói rằng nó sẽ có tác động lớn, thậm chí còn hơn cả những chất xúc tác lớn nhất cho hoạt động chống chính phủ trong lịch sử đất nước.
"Đó không phải là Waco, không phải là Ruby Ridge, chuyện này còn lớn hơn thế", ông Segal giải thích, so sánh ngày 6/1 với hai sự kiện trong quá khứ từng dẫn đến những lời kêu gọi hành động và khơi dậy sự ngờ vực sâu sắc hơn và đôi khi là sự căm ghét đối với chính phủ.
"Chuyện này tác động đến nhiều người hơn", ông nói.
Nhiệm vụ khó khăn
Trong các cuộc trò chuyện công khai và riêng tư, người ta liên tục nói về kế hoạch "lấy lại nước Mỹ" hoặc tập hợp nhau chống lại sự kiểm duyệt, theo ông Angelo Carusone, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tổ chức Media Matters for America.
Song FBI cho biết trong một tuyên bố rằng mặc dù một số nội dung có thể gây khó chịu, nhưng các nhà chức trách không thể hành động một mình.
"FBI không thể mở cuộc điều tra mà không có mối đe dọa bạo lực hoặc hoạt động được cho là phạm pháp. Tuy nhiên, khi ngôn ngữ đó thực sự chuyển thành lời kêu gọi bạo lực hoặc hoạt động phạm pháp, FBI có thể tiến hành hoạt động điều tra", cơ quan này cho biết.
Một người trong đám đông bạo lọan ngồi vào ghế chủ tịch Thượng viện tại Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: Reuters. |
Các nhà điều tra có thể phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hơn là tìm ra những người đã bị loại khỏi các nền tảng lớn hơn.
"Việc biết họ đang đi đâu ngày càng quan trọng, đặc biệt là nếu họ đang tiến ngày càng xa hơn sau bức màn che", ông Carusone nói.
"Nếu bạn mất dấu hoàn toàn, bạn mất đi đường dẫn thông tin đó, bạn mất khả năng xác định những người đó, có nghĩa là việc ngăn chặn thiệt hại sẽ khó khăn hơn".
Ông Carusone nói rằng các nỗ lực ngăn chặn không chỉ đơn thuần là lập rào chắn và triển khai lực lượng.
Các nhà chức trách liên bang đang theo dõi hàng chục người có nguy cơ gây ra bạo lực, những người có thể đến Washington để tham dự các sự kiện xung quanh lễ nhậm chức, theo một nguồn tin tình báo được chia sẻ giữa các cơ quan thực thi pháp luật liên bang và địa phương.
Các chuyên gia lo lắng một số người sẽ quay sang trút giận tại trụ sở nghị viện ở bang của họ. Tọa độ và bản đồ của các tòa nhà này đã được đăng lên mạng.
FBI đã nhận được thông tin cho thấy "các cuộc biểu tình có vũ trang" đang được lên kế hoạch tại thủ phủ của toàn bộ 50 bang trong những ngày trước lễ nhậm chức.
"Lao vào máy cưa"
Mối quan tâm lớn hơn đối với các chuyên gia theo dõi chủ nghĩa cực đoan trên mạng là chuyện gì có thể xảy ra sau lễ nhậm chức.
Ông Segal nói những kẻ cực đoan có thể sẽ hành động một cách thận trọng trong những ngày tới, vì biết rằng họ đang bị theo dõi.
"Không phải trước lễ nhậm chức chúng ta mới cần phải lo lắng về việc họ đang cố gắng châm ngòi cho một cuộc nội chiến khác, mà là sau lễ nhậm chức", ông nói.
Binh sĩ được triển khai ở Washington, DC sau vụ bạo loạn 6/1. Ảnh: Reuters |
Ông Segal nói rằng việc nhìn lại tình hình ở Michigan vào mùa xuân năm ngoái sẽ có ích cho việc dự báo diễn biến sau vụ tấn công Điện Capitol.
"Các cuộc biểu tình cuối cùng góp phần dẫn đến nỗ lực bắt cóc thống đốc", ông nói.
Ông Trump cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến chuyện đó. Ông liên tục chỉ trích Thống đốc Gretchen Whitmer về những biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát Covid-19 trước và sau khi có tin tức về âm mưu chống lại bà.
Các chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan cho rằng nước Mỹ đang trong quá trình kiểu như cực đoan hóa hàng loạt. Người châm lửa không phải là ông Trump, ông chỉ thêm dầu vào lửa.
Việc nhìn thấy ông Biden nhậm chức, một phụ nữ gốc Phi và Nam Á làm phó tổng thống, và sau đó nhận ra ông Trump biến mất sẽ thổi bùng ngọn lửa trong những người tin rằng chính quyền Biden không chính danh, ông Segal cảnh báo.
Ông Carusone nói đây chỉ là khởi đầu của việc đất nước "lao vào một cái máy cưa" do sự chia rẽ, các hành động cực đoan và phát ngôn chính trị.
Các chuyên gia lo lắng rằng cảm giác an toàn sai lầm sẽ xuất hiện nếu đất nước trải qua lễ nhậm chức mà không có hành động bạo lực nào xảy ra. Song điều gì sẽ xảy ra khi rào chắn được dỡ bỏ, khi Vệ binh Quốc gia rời đi, khi các nền tảng công nghệ, công chúng và truyền thông chuyển sự chú ý sang các vấn đề khác?
Các chuyên gia nói mối đe dọa sẽ vẫn hiện diện.
"Sẽ có rất nhiều người mới... được tổ chức và tiếp xúc với một loạt các mệnh lệnh mà cuối cùng đưa chúng ta trở lại cùng một nơi... dẫn đến vụ tấn công Điện Capitol", ông Carusone nói. "Chỉ khác là trong lường hợp này, những người đó sẽ đông hơn".
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/nguy-co-an-ninh-voi-nuoc-my-sau-ngay-201-post1174632.html