Hiện tượng một loại nấm tấn công đầu và não của bệnh nhân phục hồi sau khi mắc Covid-19 ngày càng trở nên phổ biến ở Ấn Độ, theo Guardian.

Trước sự lây lan nhanh của "nấm đen", Bộ Y tế Ấn Độ hôm 21/5 phải yêu cầu các bang tuyên bố tình trạng dịch bệnh với căn bệnh này, theo BBC.

"Nấm đen là hiện tượng rất nghiêm trọng, có tỉ lệ tử vong cao, người bệnh cần được phẫu thuật và sử dụng nhiều loại thuốc một khi đã mắc phải", giáo sư Peter Collignon, chuyên gia về kháng kháng sinh và bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới, cho biết.

Nấm đen là gì?

Bệnh "nấm đen" - tên khoa học là mucormycosis - gây ra bởi một loại nấm mốc có tên mucormycetes, vốn tồn tại ở nhiều nơi trong môi trường, từ đất, cây cối cho đến hoa quả thối rữa.

Nấm mucormycosis dễ bị mắc trong bệnh viện, đặc biệt phổ biến với bệnh nhân cấy ghép tạng. Nấm có thể lây truyền qua tấm trải giường hoặc hệ thống thông gió của bệnh viện.

Nấm thường có trong đất, cây cối, hoa quả thối rữa. Ảnh: Getty.

"Chúng là một họ nấm có thể xâm nhập vào trong xoang và tập trung ở đó. Loại nấm này sau lan vào các khoảng trống bên trong đầu con người. Khi hệ miễn dịch yếu đi, chúng sẽ tấn công não, vấn đề lúc đó sẽ cực kỳ nghiêm trọng", giáo sư Collignon cho biết.

Các bào tử nấm xâm nhập cơ thể khi bệnh nhân hít vào. Hệ miễn dịch của đa phần con người có thể chống lại loại nấm này. Tuy nhiên, nấm sẽ dễ phát triển thành bệnh nặng trên những người có hệ miễn dịch suy yếu, hoặc mắc các bệnh nền như tiểu đường và bạch cầu.

Bên cạnh đó, người sử dụng các loại thuốc, như steroid, làm giảm khả năng miễn dịch chống lại các loại vi khuẩn, cũng có nguy cơ cao đối mặt hiện tượng nấm tấn công não.

Hiện tượng nấm đen tấn công não thường hiếm xảy ra. Trước đại dịch Covid-19, chỉ có khoảng 500 ca bệnh được ghi nhận ở Mỹ mỗi năm.

Bệnh nhân nhiễm nấm thường có các triệu chứng đặc trưng như ngạt mũi, chảy nước mũi màu đen, chảy máu mũi. Ngoài ra, có thể xuất hiện những mảng da đen ở xung quanh mũi.

Bệnh nhân sẽ bị sốt, đau đầu, ho, nôn mửa ra máu. Mắt của bệnh nhân sẽ bị sụp mí, đau nhức, giảm thị lực và cuối cùng là mất thị lực.

Tỷ lệ tử vong của những người mắc nấm đen lên đến 50%.

Sự lây lan của "nấm đen"

Giáo sư Collignon cho biết Covid-19 tạo ra những điều kiện lý tưởng để nấm đen phát triển.

Hệ miễn dịch của người bị virus corona làm cho suy yếu, cùng việc sử dụng các loại thuốc để điều trị, khiến nguy cơ nấm đen diễn biến nặng gia tăng.

"Nếu người bệnh mắc Covid-19 phải điều trị tích cực, chúng tôi sẽ cho họ sử dụng rất nhiều thuốc steroid liều cao. Steroid giúp điều trị tình trạng viêm, nhưng nó đồng thời ức chế hệ miễn dịch của con người", giáo sư Collignon cho biết.

"Đó là lý do các bác sĩ sẽ không cho bệnh nhân sử dụng steroid nếu không thực sự cần thiết. Sử dụng steroid để giảm hiện tượng viêm sưng đặc trưng của Covid-19, nhưng nó cũng đồng nghĩa làm giảm khả năng cơ thể chống lại các loại nhiễm trùng khác, như nấm", giáo sư Collignon nói thêm.

Nấm đen đang lan rộng trên bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Hệ thống y tế đang quá tải của Ấn Độ, cùng môi trường đông đúc bệnh nhân ở các bệnh viện, khiến các loại nấm mốc, trong đó có nấm mucormycetes, lây lan mạnh.

Hôm 21/5, Bộ Y tế Ấn Độ yêu cầu 29 tiểu bang tuyên bố nấm đen là một dịch bệnh, qua đó bộ này có thể giám sát chặt chẽ hơn tình hình nấm đen đang hoành hành ở từng bang để có cách điều trị tổng hợp tốt hơn.

Hiện nay, chưa rõ bao nhiều người bị nấm đen trên khắp Ấn Độ, trong bối cảnh nước này vẫn đang oằn mình chống đại dịch Covid-19.

Tuần trước, lãnh đạo cơ quan y tế bang Maharashtra cho biết bang này có khoảng 1.500 người mắc nấm đen từ khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát.

Trong hai tháng qua, bệnh viện Sion ở Mumbai đã ghi nhận 24 trường hợp nấm đen. Cả năm 2020, cơ sở này chỉ ghi nhận 6 trường hợp, một trưởng khoa của bệnh viện nói với BBC.

11 bệnh nhân trong số này đã mất thị lực một bên vì nhiễm nấm, trong khi 6 người khác tử vong. Đa phần bệnh nhân bị tiểu đường. Hiện tượng nấm đen phát triển khoảng 2 tuần sau khi hồi phục từ Covid-19.

"Chúng tôi ghi nhận hai đến ba ca mỗi tuần ở đây. Đúng là một cơn ác mộng giữa đại dịch", vị bác sĩ cho biết.

Tại thành phố Bengaluru, thủ phủ bang Karnataka, bác sĩ Raghuraj Hegde cho biết bệnh viện của ông ghi nhận 19 trường hợp mắc "nấm đen" chỉ trong 2 tuần, đa phần là thanh niên.

"Một số bệnh nặng đến mức chúng tôi không thể làm phẫu thuật cho họ", bác sĩ Hegde cho biết.

Tại bang Gujarat, khoảng 300 ca bệnh ở 4 thành phố có hiện tượng nấm đen trong não.

Các bác sĩ thừa nhận họ bất ngờ trước mức độ nghiêm trọng và số bệnh nhân mắc "nấm đen" khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến.

Bác sĩ Hegde cho biết trước đại dịch, ông chưa từng thấy nhiều hơn một hoặc hai ca nấm đen mỗi năm trong suốt một thập kỷ hành nghề.

Đa phần các bệnh nhân nhập viện khi đã muộn, họ đã mất thị lực, khiến bệnh viện phải phẫu thuật bỏ một hay thậm chí cả hai mắt đễ ngăn nấm đen xâm nhập sâu hơn vào não.

Một số trường hợp bác sĩ thậm chí phải cắt bỏ xương hàm của bệnh nhân để ngăn nấm lan rộng hơn.

Số ca mắc nấm đen tăng vọt dẫn tới thiếu hụt Amphotericin B, một loại thuốc để điều trị căn bệnh này, dù nhiều công ty dược phẩm Ấn Độ có khả năng tự sản xuất. Nhiều người đã đổ xô mua thuốc từ thị trường chợ đen.

Căn bệnh đắt đỏ

Giáo sư Collignon cho biết nấm đen có tỷ lệ tử vong cao, trong khi chi phí điều trị đắt đỏ. Trong bối cảnh đại dịch, việc điều trị người mắc đồng thời nấm đen và Covid-19 càng thêm phức tạp.

“Thường thì bác sĩ sẽ đưa bệnh nhân mà hệ miễn dịch đã suy yếu vào trong các buồng áp lực dương (sử dụng công nghệ lọc khí vô trùng), để giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm hay vi khuẩn khác", giáo sư Collignon nói.

"Đương nhiên, phòng áp lực dương sẽ là nơi cuối cùng chúng ta muốn đưa bệnh nhân Covid-19 vào, bởi có nguy cơ làm phát tán virus corona", ông Collignon cho biết.

Điều trị nấm đen có chi phí đắt đỏ. Ảnh: Reuters.

Bệnh nhân mắc nấm đen được điều trị bằng các loại thuốc chống nấm với độc tính cao, giá thành đắt đỏ. Một liều tiêm chống nấm có giá lên đến gần 50 USD. Người bệnh phải tiêm liên tục mỗi ngày trong vòng 8 tuần.

Như thế, chỉ riêng tiền thuốc chống nấm đã lên đến gần 2.800 USD.

Bệnh nhân cũng sẽ phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ nguồn phát tán nấm ở trong cơ thể.

"Chúng ta phải cắt bỏ tất cả những tế bào nhiễm nấm, có thể phải phẫu thuật ở những chỗ rất nhạy cảm như trong não bệnh nhân", giáo sư Collignon nói.

Bộ Y tế Ấn Độ đã ra khuyến cáo người dân cần mặc quần dài, áo dài tay, đi giày, đeo găng tay khi tiếp xúc với đất và phân bón, để tránh nguy cơ nhiễm nấm mucormycetes.

Nhà chức trách Ấn Độ cũng khuyến cáo người dân giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt nếu mắc bệnh tiểu đường.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế Ấn Độ dừng việc sử dụng các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch như steroid ngay khi có thể.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/an-do-canh-bao-dich-benh-nam-den-nguy-hiem-post1214481.html