Ý tưởng 'nhờ NATO bảo trợ để ngừng bắn' của ông Zelensky

14:52' 02-12-2024
Ukraine đề cập khả năng nhượng bộ lãnh thổ và được NATO bảo trợ an ninh để ngừng bắn với Nga, nhưng Moskva khả năng cao sẽ không chấp thuận.

Trả lời phỏng vấn Sky News ngày 29/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vạch ra tầm nhìn để chấm dứt "giai đoạn nóng" của chiến sự với Nga. Ông Zelensky lần đầu tiên đề cập khả năng nhượng bộ tạm thời một phần lãnh thổ cho Nga, thay đổi lập trường ông nhiều lần nêu ra từ đầu xung đột.

"Chúng tôi cần đưa phần lãnh thổ Ukraine đang kiểm soát vào 'ô bảo trợ của NATO'", ông Zelensky nói. "Chúng tôi phải hành động nhanh chóng. Và với phần lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, chúng tôi có thể giành lại thông qua con đường ngoại giao".

Nga chưa bình luận về ý tưởng từ ông Zelensky, nhưng giới chuyên gia hoài nghi tính khả thi của kế hoạch này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn Sky News. Ảnh: Sky News

Giới chuyên gia từng đánh giá tính khả thi của một thỏa thuận hòa bình, trong đó NATO cấp tư cách thành viên cho Ukraine, áp dụng với phần lãnh thổ Kiev đang kiểm soát. Nga giữ những nơi đã sáp nhập ở Ukraine, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận, tương tự bán đảo Crimea.

Kịch bản hòa bình này cần cả hai bên phải nhượng bộ. Kiev chấp nhận mất một phần lãnh thổ, còn Moskva không đạt mục tiêu ngăn nước láng giềng gia nhập NATO. Ngoài ra, để đi đến phương án này, Tổng thống Vladimir Putin cũng phải cảm thấy không thể đạt mục tiêu bằng biện pháp quân sự để ngồi vào bàn đàm phán.

Đến nay, ông chủ Điện Kremlin vẫn giữ quan điểm Kiev phải từ bỏ ý định gia nhập NATO nếu muốn hòa đàm. Trong khi đó, Ukraine dường như vẫn theo đuổi nỗ lực trở thành một thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Nội dung một bức thư được Reuters công bố ngày 29/11 cho thấy Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha kêu gọi NATO gửi lời mời Kiev gia nhập khi ngoại trưởng các nước thành viên liên minh họp tại Brussels, Bỉ ngày 3-4/12.

Ông Sybiha nói "lời mời gia nhập không phải động thái leo thang" nhưng là phản ứng phù hợp đáp trả những động thái gần đây của Nga. "Lời mời cho thấy Ukraine gia nhập NATO là điều không thể tránh khỏi và Nga mất luận điểm để tiếp tục cuộc chiến phi lý này", ông viết.

Bất kỳ quyết định nào của NATO đều phải được 32 quốc gia thành viên đồng thuận. NATO không kết nạp một nước đang trong tình trạng chiến tranh như Ukraine vào khối, vì đồng nghĩa đẩy liên minh vào xung đột.

Các nhà ngoại giao chưa thấy có dấu hiệu nào của sự thay đổi lập trường của NATO, đặc biệt là khi khối này đang chờ chính sách về Ukraine từ Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 1/2025.

"Chưa bên nào đề xuất chúng tôi gia nhập NATO với một phần lãnh thổ Ukraine", Tổng thống Zelensky nói, thêm rằng phương án "ô bảo trợ NATO" này "là khả thi, nhưng không ai đề xuất". Tổng thống Ukraine ám chỉ với "chiếc ô NATO", các thành viên đơn lẻ trong liên minh có thể đứng ra đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Theo nhà bình luận an ninh, quốc phòng Deborah Haynes của Sky News, toàn bộ thành viên NATO khó đồng thuận về kế hoạch này nếu không có sức ép đáng kể từ những quốc gia ủng hộ phương án. Nếu Mỹ không nằm trong nhóm ủng hộ, lời kêu gọi từ Tổng thống Ukraine gần như không có cơ hội.

"Tôi nghĩ ông Putin sẽ thấy hài lòng về cuộc phỏng vấn này", Ivor Bennett, phóng viên Sky News tại Moskva, nói. "Sau nhiều tháng bất đồng về cách chấm dứt chiến sự, đối thủ của ông đã phải lùi bước, đưa ra dấu hiệu rõ ràng nhất về việc nhượng bộ lãnh thổ trong thỏa thuận hòa bình".

Theo Bennett, ông Putin sẽ coi đây là thắng lợi về mặt tâm lý và tận dụng tối đa điều này, đặc biệt là khi Ukraine gần đây được Mỹ gỡ rào với vũ khí tầm xa với kỳ vọng giúp Kiev có thêm lợi thế.

Lính Ukraine khai hỏa về phía vị trí quân Nga gần Kharkov ngày 6/11. Ảnh: AP

Nga và Ukraine đang nỗ lực giành thêm lợi thế đàm phán trước khi ông Trump nhậm chức. Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine trong 24 giờ nhưng không nêu cụ thể, khiến Kiev và các nước châu Âu lo ngại về việc Mỹ sẽ gây sức ép để Ukraine chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với các điều khoản có lợi cho Nga.

Wall Street Journal đưa tin kế hoạch của ông Trump có thể bao gồm ngừng bắn ở tiền tuyến và thiết lập vùng phi quân sự dọc theo khu vực hai bên đang kiểm soát. Ukraine sẽ không gia nhập NATO trong vòng 20 năm, nhưng Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho nước này để ngăn Nga không thể mở chiến dịch tương tự lần nữa.

Hiện chưa rõ bên nào sẽ giám sát vùng phi quân sự, nhưng khả năng cao không có sự hiện diện của binh sĩ Mỹ hay một cơ quan quốc tế, theo các nguồn thạo tin.

Tổng thống Zelensky cho biết ông đã trao đổi với ông Trump tại New York hồi tháng 9, mô tả đây là "bước đi quan trọng đầu tiên" và hai bên giờ cần chuẩn bị cho các cuộc gặp tiếp theo. Tổng thống Putin cũng phát đi tín hiệu tích cực khi mô tả ông Trump là "chính trị gia thông minh và dày dạn kinh nghiệm". Ông chủ Điện Kremlin tin Tổng thống đắc cử Mỹ "sẽ tìm ra giải pháp cho chiến sự" và tuyên bố Moskva sẵn sàng đối thoại.

"Nhưng hãy nhớ rằng giải pháp trên bàn đàm phán không phải điều Mỹ có thể ép buộc, mà sẽ do Nga và Ukraine quyết định", James Stavridis, cựu tư lệnh NATO, nói với Newsweek.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/y-tuong-nho-nato-bao-tro-de-ngung-ban-cua-ong-zelensky-4822136.html