Ý nghĩa của đôi hạc trong không gian thờ tự
Chúng ta thường thấy có sự xuất hiện của đôi hạc ở không gian thờ cúng. Ngày xưa, ở tư gia, chỉ những gia đình giàu có, sang trọng mới có điều kiện sắm hạc cho phòng thờ, ban thờ.
Ngày nay, điều kiện sống tốt hơn rất nhiều, những người muốn bài trí ban thờ bằng đôi hạc có thể dễ dàng thực hiện, tuy nhiên đôi hạc trên bàn thờ nên quay vào nhau hay quay ra ngoài lại là điều mà nhiều người không rõ.
Đôi hạc trên bàn thờ nên quay vào nhau hay quay ra ngoài?
Về điều này, mọi người thường thực hiện theo cách mà cha ông ngày xưa vẫn làm.
Hạc thờ có hai loại: Loại đặt trực tiếp trên bàn thờ có kích thước nhỏ, chiều cao thường dưới 80cm. Loại đặt trên sàn, ở hai bên ban thờ có kích thước lớn, thường là 1 mét trở lên.
Đôi hạc chầu luôn quay vào nhau, tức hướng về trung tâm ban thờ. (Ảnh: MamaFood)
Đôi hạc trên bàn thờ thường được đặt đối xứng, cân đối hai bên đỉnh thờ, sao cho khoáng cách giữa các vật này tối thiểu là 5-10cm. Đôi hạc đặt dưới đất cũng cần đối xứng hai bên, giữ khoảng cách với ban thờ, tránh để quá sát.
Đôi hạc trên bàn thờ nên quay vào nhau hay quay ra ngoài? Cần lưu ý rằng dù là loại hạc đặt trên ban thờ hay dưới đất, hướng của đôi hạc vẫn phải quay vào trong. Bạn nên nhớ đây là hạc chầu, nghĩa là chúng chầu về trung tâm của nơi thờ tự, chính là đỉnh thờ.
Nếu để ý quan sát thực tế, bạn sẽ thấy dù ở tư gia hay các đền chùa miếu mạo, đôi hạc chầu luôn quay vào nhau, tức hướng về trung tâm ban thờ.
Ý nghĩa của đôi hạc trong không gian thờ tự
Đôi hạc chầu thường được chế tác với hình tượng hạc đứng trên lưng rùa, miệng ngậm ngọc hoặc cành sen.
Hình ảnh loài chim hạc được dùng trong thờ cúng với ý nghĩa trường tồn, vĩnh cửu. (Ảnh: Cleanipedia)
Trong văn hóa phương Đông, Hạc được mệnh danh là "nhất phẩm điểu", là loài chim của tiên giới (các vị tiên thường cưỡi hạc, nhiều nền văn hóa có hình tượng nàng tiên trong lốt hạc).
Con hạc được gắn với các phẩm chất thuần khiết, trong trắng, chính trực, khí phách của bậc sỹ phu. Hạc cũng được coi là loài sống lâu năm - "thọ bất khả lượng" (tuổi thọ không đếm được) nên hình ảnh loài chim này được dùng trong thờ cúng với ý nghĩa trường tồn, vĩnh cửu.
Trong Phật giáo, hình ảnh chim hạc ngậm cành sen được coi là biểu tượng của sự giác ngộ, hướng đến những giá trị sống tốt đẹp.
Đĩa trái cây nên đặt bên phải hay bên trái bàn thờ?
Theo quan niệm dân gian từ xưa, bát hương được đặt ở ngay giữa bàn thờ, tượng trưng cho trung tâm, tinh tú hội tụ.
Hai bên bát hương được để đèn dầu hoặc nến. Mâm ngũ quả được đặt trước, bát hương đặt sau, theo hướng của người cúng nhìn về phía bàn thờ.
Ông cha ta ngày xưa áp dụng nguyên tắc "đông bình tây quả" khi bài trí đĩa trái cây và lọ hoa trên ban thờ. (Ảnh: Pinterest)
Ông cha ta ngày xưa áp dụng nguyên tắc "đông bình tây quả" khi bài trí đĩa trái cây và lọ hoa trên ban thờ. Cách sắp xếp này bắt nguồn từ quy luật tự nhiên: Mặt trời mọc đằng đông và lặn ở đằng tây, cây cối phải đơm hoa rồi mới kết trái. Vì vậy, trong thờ cúng, lọ hoa sẽ đặt ở phía đông, mâm ngũ quả đặt ở phía tây.
Cách xác định hướng trên ban thờ như sau: Hướng từ trong ban thờ nhìn ra, tức bên trái của ông bà (bên tả) được coi là phía đông. Bên đối xứng (bên hữu) sẽ là phía tây.
Bàn thờ gia tiên thường đặt ở giữa căn nhà theo hướng nam. Bình hoa đặt ở bên trái bàn thờ (phía đông). Đĩa trái cây đặt ở bên phải (phía tây) cũng sẽ tiện cho việc bày biện.
Article sourced from 2SAO.
Original source can be found here: https://2sao.vn/doi-hac-tren-ban-tho-nen-quay-vao-nhau-hay-quay-ra-ngoai-n-367658.html