Ý nghĩa của AUKUS đối với chiến lược công nghệ của chính phủ Úc
Trong ảnh (từ trái sang): Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 15/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 15/9, lãnh đạo ba quốc gia Mỹ, Anh và Australia đã có tuyên bố bất ngờ về việc thành lập một liên minh an ninh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) và thông báo sáng kiến này trước hết là chuyển giao công nghệ để giúp Australia chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tiềm năng thực sự của AUKUS nằm ở cách liên minh này có thể được tận dụng trong dài hạn để giúp Australia đối phó với tình trạng gián đoạn công nghệ sâu sắc đang dần trở nên phổ biến trên thế giới.
Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài phân tích của hai tác giả Fergus Hanson và Danielle Cave, Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách không gian mạng quốc tế của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) về tiềm năng thực sự của AUKUS liên quan đến các vấn đề công nghệ đăng trên trang của ASPI.
Chiến tranh hiện đại và cạnh tranh địa chính trị sẽ không chỉ biểu hiện bằng hành động quân sự và răn đe thông thường, mà còn bằng các mối đe dọa lai (hybrid threat) như tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu, thông tin và tuyên truyền sai lệch, can thiệp từ nước ngoài, cưỡng ép kinh tế, tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu và gián đoạn chuỗi cung ứng.
AUKUS đã được thiết lập như một thỏa thuận chia sẻ thông tin và công nghệ tập trung vào các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo và lượng tử. Điều cơ bản của thỏa thuận này là nỗ lực thúc đẩy sự tích hợp sâu hơn của khoa học công nghệ vào các ngành công nghiệp liên quan đến an ninh quốc phòng cũng như các chuỗi cung ứng, vốn đang ngày càng bị tác động bởi sự gián đoạn và tranh chấp thương mại.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo AUKUS nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực mà các mối đe dọa lai đang ngày càng lan rộng.
Là sáng kiến đầu tiên của AUKUS, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp Lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) có lợi thế hơn trong tương lai trước các đối thủ. Nhưng vượt lên trên vấn đề tàu ngầm, AUKUS có thể mang lại cho Australia một cơ hội thúc đẩy chiến lược và công nghệ trong nhiều thập kỷ.
Ngày càng có nhiều công nghệ mới, như công nghệ giám sát, công nghệ lượng tử và công nghệ sinh học, đang được triển khai trên khắp thế giới. Các chính phủ đang tìm cách dự báo đầy đủ những tác động của công nghệ và xây dựng định hướng chính sách công nghệ.
Nhận thức chung trên thế giới là các công nghệ chiến lược mới nổi sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Do đó, cuộc chạy đua để làm chủ công nghệ trở thành một vấn đề địa chính trị. Và không nơi nào cuộc đua này gây tranh cãi nhiều hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi “ươm mầm” phần lớn những đổi mới công nghệ của thế giới và đã trở thành tâm điểm của cạnh tranh công nghệ chiến lược.
Việc thành lập AUKUS cho thấy các nước thành viên đang đặt cược vào các công nghệ trong tương lai. Nhiều nước đang nỗ lực bảo vệ tài sản trí tuệ quốc gia, đầu tư và mở rộng cơ sở nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn bằng cách thu hút và giữ chân nhân tài toàn cầu.
Bên cạnh đó, các cuộc tranh luận toàn cầu đang diễn ra sôi nổi về việc ai sẽ đưa ra những quy tắc như bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư, mạng xã hội và các tiêu chuẩn công nghệ - chính phủ hay ngành công nghiệp? Đôi khi cả hai và đôi khi không bên nào, và thực tế này khiến các chính sách trở nên chắp vá, người dân dễ bị tổn thương và các quy trình dân chủ dễ bị can thiệp.
Ví dụ, Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào các công nghệ mà nước này cho là sẽ định hình tương lai - từ thương mại điện tử đến công nghệ quân sự và vũ trụ. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng đang kiểm soát các “gã khổng lồ” công nghệ trong nước, cho dù biện pháp này có thể gây thiệt hại cho cả nền kinh tế, triển vọng đổi mới và niềm tin của nhà đầu tư.
Tại cường quốc công nghệ thế giới, Mỹ, nhiều cuộc thảo luận đang diễn ra về sự cần thiết phải giảm bớt sự thống trị của các tập đoàn công nghệ lớn trên thị trường.
Đại dịch COVID-19 cho thấy các quốc gia dễ bị tổn thương như thế nào trước những điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó cũng thúc đẩy các nước trên thế giới xây dựng năng lực công nghệ tự chủ. Và trong khi một số nước sử dụng thương mại như một vũ khí để gây áp lực, các quốc gia khác lại đang tìm kiếm những đối tác cùng chí hướng để có thể lấp đầy khoảng trống trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn. Vì vậy, không ngạc nhiên khi chuỗi cung ứng là trọng tâm chính của AUKUS.
COVID-19 cũng đã chứng minh cho các chính phủ thấy rằng đầu tư vào một số lĩnh vực vốn thường bị bỏ qua - như công nghệ sinh học và sản xuất công nghệ cao - có thể tạo ra sự khác biệt, ảnh hưởng đến sự sống hay cái chết của hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người. Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề đang đe dọa cuộc sống của người dân. Chính vì thế, thế giới cần cùng nhau đưa ra các giải pháp, ví dụ như hợp tác công tư nhiều hơn trong các lĩnh vực công nghệ.
Ngay lúc này, có ba vấn đề lớn phải được giải quyết để đảm bảo sự phát triển ổn định của các công nghệ tiên tiến. Thứ nhất, có độ trễ lớn giữa việc triển khai các công nghệ mới và các quy định quản lý. Trong lĩnh vực truyền thông xã hội, độ trễ này là khoảng một thập kỷ.
Thứ hai, có khoảng cách giữa việc các quốc gia sử dụng các công nghệ mới và xã hội xem xét các vấn đề đạo đức trong quá trình sử dụng công nghệ. Có thể thấy ví dụ về điều này trong ngành công nghệ giám sát toàn cầu và liên đới với những vụ vi phạm nhân quyền.
Thứ ba, mối quan hệ căng thẳng giữa các chính phủ và các công ty công nghệ đang diễn ra trên khắp thế giới. Động lực tiêu cực này đang cản trở sự tiến bộ và triển vọng hợp tác, khiến các nền dân chủ có nguy cơ bị tụt hậu. Nếu không được giải quyết, những vấn đề trên có thể khiến các nước đánh mất cơ hội phát triển các công nghệ đột phá của tương lai.
Các mối đe dọa và cơ hội do công nghệ tạo ra ngày càng có tính chất toàn cầu. Tuy nhiên, chưa có diễn đàn đa phương nào mà tại đó các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự có thể cùng nhau giải quyết những thách thức đó. Do đó, các sáng kiến như AUKUS được cho là quan trọng vì khuyến khích sự hợp tác công nghệ lớn hơn, cách tiếp cận toàn cầu tốt hơn để quản trị các công nghệ có tính gián đoạn cao./.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/y-nghia-cua-aukus-doi-voi-chien-luoc-cong-nghe-cua-australia/213608.html