Ý nghĩa câu nói: "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”
Vì sao “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là tết Thượng Nguyên nằm trong cùng hệ thống với các tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy, địa quan xá tội) và tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười, thủy quan giải ách).
Theo triết lý nhà Phật, ngày Rằm tháng Giêng còn gọi là lễ Thượng Nguyên. Đây là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo...
Cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh: Internet
Rằm tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị một mùa vụ mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bởi vậy, từ lâu nay, mọi người luôn quan niệm “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?
Ngoài ra, theo phong tục người Việt thường chọn giờ cúng Rằm tháng Giêng vào buổi trưa, từ 10 giờ trở đi. Ngày nay, công việc bận rộn nên nhiều gia đình dời xuống cúng buổi tối.
Và dù có cúng buổi nào, hay mâm cúng ra sao thì quan trọng nhất chỉ cần thành tâm thì mọi điều cầu nguyện sẽ được chứng giám.
Rằm tháng Giêng 2024 là ngày bao nhiêu?
Theo phong tục, lễ cúng rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h) ngày chính ngày rằm - 15/1 Âm lịch.
Phần lớn các gia đình vẫn thường cúng vào ngày này, một số gia đình bận rộn có thể sắp xếp cúng trước rằm, từ ngày 13, 14 Âm lịch, thậm chí có gia đình cúng từ ngày 11, 12 Âm lịch.
Tuy nhiên, Tết Nguyên tiêu năm nay rơi vào cuối tuần - thứ Bảy ngày 24/2/2024 Dương lịch, vì thế các gia đình hoàn toàn có đủ điều kiện về thời gian để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng thật chu đáo và đúng ngày.
Ngày đẹp cúng Rằm. Ảnh: Internet
Năm Giáp Thìn 2024, gia chủ có thể cúng ngày rằm tháng Giêng vào các giờ đẹp sau:
Nếu cúng ngày 14/1 Âm lịch, có thể chủ chọn các giờ tốt như:
Giờ Thìn (7h – 9h)
Giờ Ngọ (11h – 13h)
Giờ Mùi (13h – 15h)
Nếu cúng vào đúng ngày rằm 15/1 Âm lịch, các khung giờ tốt gồm:
Giờ Thìn (7h – 9h)
Giờ Tỵ (9h – 11h)
Giờ Thân (15h – 17h)
Giờ Dậu (17h – 19h)
Những kiêng kỵ khi cúng Rằm tháng Giêng
Những lưu ý khi cúng Rằm tháng Giêng sau đây:
Không dùng đồ chay giả mặn
Rằm tháng Giêng tùy theo quan niệm có thể cúng chay hoặc mặn nhưng khi cúng chay tuyệt đối không nên chọn đồ chay giả mặn như giò chả chay, tôm chay, chân gà chay, thịt chay…
Để làm cỗ chay thì nên nấu thuần chay từ những nguyên liệu chay thông thường, không mua món giả chay vì sẽ không mang tính tôn nghiêm mà mang tính giả tạo.
Không đốt nhiều vàng mã
Lễ rằm tháng Giêng là để mong cầu một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng nên gia chủ cần dâng lòng thành kính chứ không nên đốt vàng mã gây lãng phí và mê tín.
Đặc biệt nếu là Phật tử, bạn nên nhớ đạo Phật không cổ xúy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại vừa ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ cháy nổ.
Không dùng hoa giả, trái cây giả
Hoa giả trái cây giả không nên dâng cúng vì chúng mang ý nghĩa giả tạo. Hơn nữa những vật giả này chỉ để trang trí không nên thành cúng phẩm.
Khi dùng trang rí chúng hay hút bụi nên làm bẩn không gian thờ. Việc dâng cúng đồ giả là phạm kỵ bất kính.
Không xê dịch bát hương
Vào ngày rằm tháng Giêng, một số gia đình lau dọn bàn thờ để đảm bảo thanh sạch. Nhưng trong phong thủy thì việc lau dọn ban thờ cần lưu ý không được xê dịch bát hương để tránh làm rối loạn trường khí, ảnh hưởng sự yên nghỉ của tổ tiên.
Trước khi lau dọn, nên thắp một nén nhang khấn xin Thần linh, Thổ địa, tổ tiên được lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng.
Không cúng thủ lợn
Theo quan niệm dân gian, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể cúng cả đồ chay và đồ mặn cúng gà trống nhưng lại kiêng thủ lợn.
Kiêng kỵ này xuất phát từ quan điểm đầu năm tránh sát sinh và lợn trong đời sống người Việt là con vật sinh sôi và là con vật mang lại kinh tế cho gia đình. Còn gà trống là linh vật giúp kết nối với thần linh.
Không nên đặt tiền thật lên cúng
Nhiều người cho rằng đặt tiền thật lên cúng để xin may mắn và cất tiền đi để lấy may. Nhưng tiền thật không phải vật cúng do đó đặt tiền thật lên cúng không có ý nghĩa. Hơn nữa tiền cần luân chuyển nên cúng xong cất đi không có giá trị phong thủy.
Tiền luân chuyển khắp nơi nên dễ nhiễm khuẩn làm ảnh hưởng trường khí phòng thờ. Hơn nữa nếu tiền không thu từ lao động chính đáng thì còn gây tổn hại phước đức.
Cách thắp hương đúng ngày Rằm tháng Giêng
Thắp hương là một phần trong các nghi thức - nghi lễ cúng bái thần linh và tổ tiên, là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt ta, thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên và chư vị Thánh Thần vì đã phù hộ, giúp đỡ cho gia đình trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, vào ngày cúng Rằm tháng Giêng 2024 thắp hương sao cho đúng có thể nhiều người vẫn còn thắc mắc.
Theo đó, vào ngày rằm tháng Giêng và những ngày rằm, các gia chủ thường thắp 3 nén nhang. Bởi 3 nén nhang mang lại ý nghĩa: tâm nhang (lòng thành gia chủ), giới nhang (vâng theo lời răn dạy của Đức Phật) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).
3 nén hương: Theo đạo Phật còn được gọi là Tam Bảo hương. Cái gọi là Tam Bảo, chính là Phật, Pháp, Tăng, trong đó Pháp chính là kinh Phật, còn Tăng là người xuất gia.
Con số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau: đó có thể là Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ - Hiện tại - Vị lai), Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ).
Article sourced from 2SAO.
Original source can be found here: https://2sao.vn/cung-ca-nam-khong-bang-ram-thang-gieng-nhung-kieng-ky-keo-ton-hao-tai-loc-n-372826.html