Xung đột thương mại Trung-Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng nhất

11:54' 20-05-2019
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định xung đột thương mại Trung-Mỹ, kéo dài hơn một năm qua, hiện đang trong giai đoạn căng thẳng nhất.


Sản phẩm đồ hộp nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 6/7/2018. (Ảnh: AFP)

Giáo sư Lưu Anh, của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết khi đoàn đàm phán của hai bên còn chưa gặp nhau ở vòng đàm phán lần thứ 11, Tổng thống Donald Trump đã quyết định nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một tuần sau, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng gợi ý nâng lên mức thuế 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giáo sư đánh giá thực tế này đi ngược lại nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Argentina hồi tháng 12/2018 về thúc đẩy đàm phán thương mại dựa trên nguyên tắc chân thành, công bằng, cùng có lợi, cùng thắng.

Đáp trả các mức thuế mới và đe dọa đánh thuế bổ sung, Trung Quốc cũng tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với các mức 25%, 20% và 10%, mức thuế 5% sẽ duy trì với các mặt hàng còn lại. Tuy nhiên, giáo sư Lưu Anh khẳng định Washington phải chịu trách nhiệm về việc đàm phán không mang lại kết quả.

Giáo sư Lưu Anh phân tích, Mỹ thâm hụt thương mại với hơn 100 nước, nhưng trách nhiệm đối với thâm hụt thương mại thuộc về Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Một là, xét từ góc độ tiền tệ, duy trì thâm hụt thương mại có lợi cho việc đồng USD được xuất khẩu ra khắp thế giới.

Hai là, thâm hụt thương mại Trung-Mỹ không cao như mức Mỹ đưa ra, đoàn đàm phán hai bên cũng đã thảo luận, tính toán đến việc phía Mỹ đưa ra mức thâm hụt thương mại song phương cao hơn từ 20% đến 70% so với thực tế.

Ba là, nếu phía Mỹ nới lỏng việc hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc thì thâm hụt thương mại Trung-Mỹ không cao như vậy, do đó trách nhiệm này thuộc về phía Mỹ, không phải Trung Quốc.

Bốn là, mức thâm hụt thương mại 200 tỷ USD hay 300 tỷ USD thực chất còn phụ thuộc vào sự phân công quốc tế, cũng như sự bổ sung cơ cấu ngành nghề giữa hai nước, đặc biệt là các sản phẩm trung gian hiện chiếm tới 70-80% thương mại toàn cầu. Do đó, thâm hụt thương mại mà phía Mỹ nêu ra thực chất không phải là thương mại không công bằng, mà chỉ là sự khác biệt về số lượng hàng hóa xuất cho nhau.

Giáo sư Lưu Anh khẳng định thương mại Trung-Mỹ thể hiện cả chuỗi ngành nghề của thế giới, sự phân công trong chuỗi giá trị đó không phải là chỉ thể hiện đối với một sản phẩm, không giống như vài chục năm trước là trong một thành phẩm có đến 70-80% do một quốc gia độc lập sản xuất. Do đó, mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ hiện nay là bình thường, tổng kim ngạch thương mại song phương khoảng hơn 600 tỷ USD cần được đưa vào cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo giáo sư Lưu Anh, nếu phía Mỹ cho rằng WTO có vấn đề về hiệu quả, giờ là lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần cải cách, hoàn thiện quy định của WTO, chứ không phải là vứt bỏ các quy định, cơ chế, bởi làm như vậy là biểu hiện của nước lớn thiếu trách nhiệm.

Theo thống kê chính thức từ WTO, Mỹ là nước vi phạm quy định WTO nhiều nhất. Trong số các vụ kiện mới thuộc khuôn khổ WTO năm 2019, phía Mỹ chiếm tới gần 50%. Hiện nay chỉ có một cách khiến cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO vận hành hiệu quả là hơn 160 nước thành viên phải đoàn kết, tiến hành cải tổ, khiến WTO thực sự phát huy tác dụng, bởi đó là những nguyên tắc thương mại quốc tế mà mọi nước đều phải tuân thủ, chứ không được nằm ngoài khuôn khổ đó.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Concert Audio Visual Vùng: Maidstone. Phone: 9318 1234
Xem thêm

chuyên bán dụng cụ âm thanh và ánh sáng


Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/cuoc-chien-thuong-mai-trungmy-dang-trong-giai-doan-cang-thang-nhat/570081.vnp