Xu hướng chựng lại của thị trường địa ốc ở Úc sẽ tiếp tục diễn ra cho đến hết năm nay
22:00' 16-07-2018
Theo một cuộc khảo sát đối với các công ty tài chính và những người môi giới bất động sản, thị trường địa ốc ở Úc đang chựng lại và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra cho đến hết năm nay. Cuộc khảo sát này cũng dự đoán, số lượng giao dịch mua nhà ở Úc sẽ giảm khoảng 5% cho đến hết năm 2018.
Picture: iStockSource:istock
Báo cáo về các khoản vay thế chấp thường niên của công ty kiểm toán Deloitte cho thấy, năm 2018 dường như sẽ là năm thứ hai liên tiếp nước Úc phải chứng kiến số lượng giao dịch mua nhà ở mức cân bằng hoặc sụt giảm.
Đối tác dịch vụ tài chính của công ty Deloitte, ông James Hickey, nói rằng sự bất ổn về các quy định mới và sự thay đổi luật pháp của Ủy ban Hoàng gia Điều tra về Ngân hàng có thể sẽ làm suy yếu thị trường địa ốc ở Úc.
Tuy nhiên, ông Hickey cho rằng việc thị trường địa ốc ở Úc chựng lại là có lợi vì thị trường này đã tăng trưởng không bền vững trong những năm gần đây.
Ông nhận định “Khi đặt vào viễn cảnh, sự tăng trưởng về số lượng các khoản vay để mua nhà trong năm 2013 và 2016 sẽ không bao giờ là bền vững trong dài hạn. Thị trường địa ốc cần có nguồn cung nhà ở và một cơ sở mới bền vững trong dài hạn”.
Theo ông Hickey, sự thay đổi về luật lệ được đưa ra bởi Tổ chức Giám sát Tài chính Úc (APRA) và Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc (ASIC) có thể sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường địa ốc ở Úc trong phần còn lại của năm 2018.
Bởi lẽ các bên cho vay sẽ phải có trách nhiệm kiểm tra kỹ lưỡng hơn về hoàn cảnh của khách hàng và yêu cầu họ giải thích chi tiết hơn khi vay tiền mua nhà.
Một đối tác dịch vụ tài chính khác của công ty Deloitte là ông Heather Baister nhận định rằng “Điều này đồng nghĩa với một quá trình đánh giá toàn diện hơn, phù hợp hơn với những khách hàng là cá nhân và gia tăng sự hiểu biết của bên cho vay về khách hàng của họ, song điều khó có thể tránh khỏi là nó sẽ làm chậm lại sự phát triển của thị trường địa ốc”.
Hong Dao - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)