Xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga bị tiêu hao nặng nề ở Ukraine
"Tình trạng xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga ở Ukraine bị tiêu hao nặng nề một phần do lực lượng nước này chưa trang bị và sử dụng hợp lý giáp phản ứng nổ (ERA) phù hợp", Bộ Quốc phòng Anh nhận định trong báo cáo tình hình chiến trường Ukraine ngày 18/8.
Cơ quan này cho biết nếu được sử dụng đúng cách, ERA sẽ giúp giảm hiệu quả của các loại đạn chống tăng khi chúng đánh trúng mục tiêu. Bộ Quốc phòng Anh cho rằng lực lượng Nga "chưa chấn chỉnh nền văn hóa ít sử dụng ERA", vốn tồn tại từ xung đột Chechnya lần thứ nhất vào năm 1994.
"Rất có thể nhiều kíp xe tăng Nga chưa được huấn luyện cách bảo dưỡng ERA, dẫn tới lắp đặt giáp phản ứng nổ kém hoặc không lắp", Bộ Quốc phòng Anh cho biết. "Những thiếu sót này có thể góp phần vào sự cố nổ bay tháp pháo, vốn được ghi lại trong nhiều video tại Ukraine".
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về đánh giá của Anh.
Một xe tăng Nga bị thổi bay tháp pháo trong khu vườn ở làng Velyka Dymerka, tỉnh Kiev, Ukraine ngày 22/7. Ảnh: Reuters.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine". Sau hơn 5 tháng chiến sự, lực lượng Nga được cho đã mất hàng trăm xe tăng, chủ yếu là T-72, với thiết kế chứa đạn bên trong tháp pháo. Đây được nhận định là điểm yếu lớn nhất của mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định bất cứ đòn tấn công nào của tên lửa phía trên tháp pháo, nơi có giáp mỏng nhất, sẽ nhanh chóng đốt cháy những quả đạn bên trong, gây ra vụ nổ lớn và thổi tung tháp pháo. Tuy nhiên, thiết kế chứa đạn bên trong tháp pháo của T-72 cùng hệ thống nạp đạn tự động lại giúp tiết kiệm không gian, cho phép kíp xe mang được nhiều đạn hơn và tạo mật độ hỏa lực lớn.
Để khắc phục nhược điểm về thiết kế của T-72, Nga từ những năm 1990 phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata. Tháp pháo của T-14 được điều khiển từ xa, không có người bên trong, sử dụng pháo chính 125 mm được nạp đạn tự động. Kíp lái của xe ngồi trong khoang bọc thép dưới thân, cách biệt với bộ phận nạp và buồng chứa đạn ở giữa xe tăng.
T-14 Armata được coi là một bước đột phá về công nghệ xe tăng của Nga, nhưng chi phí quá cao cùng một số trở ngại khiến mẫu xe tăng này tới nay chưa được sản xuất hàng loạt để biên chế đại trà. Quân đội Nga tới nay vẫn sử dụng các mẫu xe tăng cũ hơn trong chiến sự tại Ukraine, đặc biệt là T-72.
Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/anh-neu-ly-do-nga-ton-that-xe-tang-o-ukraine-4501138.html