Xây dựng lối sống tối giản và những sai lầm thường gặp
Dưới đây là một số việc làm nhiều người nghĩ rằng đang tối giản nhưng thực tế ngược lại.
Thu dọn mọi thứ vào một chỗ
Hình ảnh đầu tiên của lối sống tối giản là những ngôi nhà vô cùng ngăn nắp, đồ đạc ít và gọn.
Một số người cố gắng thu dọn mọi thứ trong nhà sao cho mỗi vật có chỗ của nó. Ban đầu, nhà cửa trông gọn gàng nhưng dần dần khiến các thành viên trong gia đình "khó thở". Các bà vợ "não cá vàng" thường xuyên không nhớ đồ cất ở đâu, đặc biệt là đồ của các thành viên khác. Việc này xảy ra nhiều lần khiến người nhà bắt đầu khó chịu.
Để duy trì cảm giác tối giản cho ngôi nhà, bạn sẽ phải liên tục dọn dẹp. Những khu vực như phòng khách, ghế sofa, bàn ăn đều không được phép có bất cứ thứ gì thừa thãi. Bạn không chỉ ép bản thân, còn yêu cầu các thành viên trong gia đình làm theo, điều này gây ra không ít xung đột.
Kết quả là, thay vì khiến cuộc sống đơn giản, lối sống này lại mang đến thêm phiền toái.
Để duy trì ngôi nhà sạch bong cần nhiều nỗ lực. Ảnh: Aboluowang
Tôn sùng đồ dùng đa năng
Một nguyên tắc của lối sống tối giản là giảm số lượng vật dụng. Vì vậy, khi mua sắm, mọi người có xu hướng mua một món đồ dùng cho nhiều mục đích khác nhau.
Ví dụ họ thường mua các loại nồi có tay cầm tháo rời. Như vậy, sau khi nấu ăn, có thể tháo tay cầm để biến nó thành tô đựng thức ăn mà không cần dùng thêm đĩa. Nếu còn thức ăn thừa sẽ cất luôn vào tủ lạnh. Thậm chí, nồi còn có thể dùng làm bếp nướng hoặc lẩu khi cần.
Nghe có vẻ tiện lợi, nhưng thực tế rất phiền. Tay cầm tháo ra lắp vào thường xuyên khiến nó lỏng lẻo. Nếu chẳng may sơ ý gắn không chặt, nồi thức ăn nóng dễ bị rơi, gây nguy hiểm cho bạn.
Vứt bỏ vô tội vạ
Nhiều người hiểu sai về lối sống tối giản là loại bỏ càng nhiều đồ càng tốt. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra lo âu và phản tác dụng.
Chẳng hạn, sau khi vứt hết đồ, nhiều người lại không cưỡng được ham muốn mua sắm bù. Vô tình lại khiến bạn mất tiền mua mới, cuộc sống bị phức tạp hóa dưới danh nghĩa tối giản.
Thực ra, tinh gọn đúng nghĩa là giảm mua sắm, cân nhắc kỹ trước khi mua để tránh lãng phí. Đối với những món đồ đã có trong nhà nên tận dụng tối đa thay vì vứt bỏ.
Những chiếc nồi tay cầm tháo rời được người theo đuổi lối sống tối giản ưa chuộng. Ảnh: Aboluowang
Kìm nén quá mức nhu cầu cá nhân
Nhiều người khi theo đuổi lối sống này trở nên mệt mỏi hơn. Trong lòng luôn cảm thấy đang bị kìm nén. Bởi vì họ thường tự quy định cho mình không đặt đồ giao hàng, không mua đồ mang đi, không nhuộm tóc, trang điểm, tận dụng tối đa các món đồ cũ. Trên thực tế, tối giản thực sự không phải kìm nén, mà là không còn nhu cầu từ bên trong.
Những người lớn tuổi thường dễ theo đuổi lối sống tối giản hơn, vì họ từng trải qua giai đoạn tiêu dùng bốc đồng và nhận ra mua sắm không mang lại niềm vui thực sự.
Nhưng với những người trẻ, họ vẫn đang trong quá trình trải nghiệm và khám phá thế giới. Việc ép buộc họ từ bỏ nhu cầu tiêu dùng quá sớm chỉ phản tác dụng. Nhiều người sau một thời gian kìm nén đã dẫn đến bùng nổ mua sắm.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-hieu-sai-ve-loi-song-toi-gian-4809053.html