Xáo trộn tại Iran khi nhà khoa học hạt nhân bị ám sát
Phe theo chủ nghĩa cải cách của Tổng thống Hassan Rouhani muốn Fakhrizadeh được nhớ đến là người ủng hộ kết giao với phương Tây. Những bức ảnh cũ được công bố hôm 1/12 cho thấy Fakhrizadeh được Rouhani vinh danh vì giúp đảm bảo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran đã ký với Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới.
Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, một đoạn ghi âm được tung ra cho thấy nhà khoa học này nghi ngờ về các cuộc đàm phán với Mỹ. "Mỹ sẽ không chịu thỏa hiệp", ông nói trong bản ghi âm có vẻ được thu vào năm nay. Đó dường như là một lời nhắc nhở từ những người theo chủ nghĩa cứng rắn ở Iran rằng Fakhrizadeh thực sự là người thuộc phe họ.
Kết quả của các cuộc tranh luận giữa hai phe có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với chính quyền Biden, bên hy vọng có thể khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân sau 4 năm Trump thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa" với Tehran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Armenia tháng 10/2019. Ảnh: Reuters.
Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ hạ sát và nói rằng Israel là "lính đánh thuê" cho Mỹ. Để đáp trả vụ hạ sát, quốc hội do phe bảo thủ chiếm đa số của Iran hôm 2/12 thông qua luật nhằm ngay lập tức tăng làm giàu uranium vượt mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân và đình chỉ các cuộc thanh sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc nếu các lệnh trừng phạt về ngân hàng và dầu mỏ đối với Iran không được dỡ bỏ trước tháng 2/2021. Những bước đi này có thể sẽ làm phức tạp thêm tham vọng của Tổng thống đắc cử Biden trong việc tái hợp tác với Iran.
Trong khi đó, Rouhani cố gắng xoa dịu tình hình. "Hãy để những người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao và đã đánh bại Mỹ nhiều lần trong ba năm qua tiến hành một cách thận trọng và kiên nhẫn", ông nói.
Vụ hạ sát làm tăng sức ép từ phe bảo thủ của đối với Rouhani, người đại diện cho phe cởi mở về nỗ lực đàm phán hạt nhân với các cường quốc phương Tây. Narges Bajoghli, chuyên gia về Iran tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết: "Hiện có rất nhiều phản ứng dữ dội ở Iran cho rằng họ cần trả đũa và tăng cường chương trình năng lượng hạt nhân".
Một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại Iran sẽ tung đòn trả đũa bằng các lực lượng dân quân ủy nhiệm ở Iraq. "Có thể chúng ta sẽ thấy các nhóm bán vũ trang có liên hệ với Iran tiến hành những cuộc tấn công ở Iraq", nhà phân tích cấp cao về Iraq tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Lahib Higel nói.
Tuy nhiên, bà cho rằng Iran phải cân nhắc khi Mỹ sắp có chính quyền mới. "Một mặt, Iran và các nhóm liên quan đến họ ở Iraq muốn án binh bất động cho đến khi Trump rời nhiệm sở vào tháng một. Nhưng mặt khác, không chắc người Iran sẽ không có động thái trả đũa trước thời điểm đó", bà nói.
Bà cho rằng phản ứng của Iran tại Iraq có thể sẽ "diễn ra theo hình thức tương tự như những gì chúng ta đã thấy trước đây: các cuộc tấn công bằng rocket vào Vùng xanh, căn cứ không quân Ain al-Asad hay nhắm vào các đoàn xe hậu cần. Nhưng cũng có thể có các phương án khác".
Trong khi đó, Henry Rome, nhà phân tích cấp cao của công ty rủi ro địa chính trị Eurasia Group, cho rằng Iran trước hết sẽ kiềm chế trả đũa. "Trong khi các quan chức Iran đang tranh luận về việc có nên ngay lập tức bắt đầu nỗ lực ngoại giao với chính quyền Biden hay không, họ nhiều khả năng không muốn tiến hành động thái có thể cản trở con đường này, như tấn công vào lực lượng hoặc nhân viên Mỹ trong khu vực", ông nói.
Giới chuyên gia cho rằng Tehran nhiều khả năng sử dụng vụ hạ sát Fakhrizadeh làm đòn bẩy để yêu cầu phương Tây nhượng bộ nhiều hơn. Afshon Ostovar, phó giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường Sau Đại học Hải quân Mỹ, cho rằng vụ ám sát Fakhrizadeh có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách giữa Iran và Mỹ.
Ngày càng có nhiều quan chức ở Mỹ đồng thuận rằng các vấn đề nằm ngoài chương trình hạt nhân của Iran, như phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực, có thể cần được đưa vào bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai. Trong khi đó, Iran tin rằng bất kỳ thỏa thuận tương lai nào cũng "cần phải nhẹ nhàng hơn và đi kèm với nhiều thỏa hiệp hơn thỏa thuận đầu tiên", ông nói.
Geranmayeh cho biết không phe phái chính trị lớn nào ở Iran phản đối các cuộc đàm phán với phương Tây, điều có thể chấm dứt các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Nhưng có "tranh luận đáng kể rằng liệu dưới sự cầm quyền của Rouhani, Iran có nguy cơ bị Mỹ lừa một lần nữa hay không", bà nói.
Với việc Iran dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống vào mùa xuân, một số nhà phân tích dự đoán phe cứng rắn có thể chiếm ưu thế và củng cố quyền lực của họ, làm phức tạp thêm hy vọng hồi sinh ngoại giao với Tehran của Biden. "Tôi nghĩ rằng một số cánh cửa cơ hội đang đóng lại", Eshraghi nói.
Tuy nhiên, Eshraghi cho rằng nếu phe bảo thủ chiến thắng, điều đó cũng chưa chắc đặt dấu chấm hết cho nỗ lực ngoại giao. Một chính phủ cứng rắn ở Iran "có thể khiến việc tái đàm phán với Mỹ chậm hơn, nhưng đồng thời, thành quả có thể duy trì lâu hơn", ông nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/iran-loay-hoay-phan-ung-vu-am-sat-nha-khoa-hoc-hat-nhan-4201235.html