WHO nói vaccine Trung Quốc cần thêm dữ liệu thử nghiệm
Thế giới đã ghi nhận 129.424.658 ca nhiễm nCoV và 2.826.566 ca tử vong, tăng lần lượt 609.092 và 11.380, trong khi 104.356.010 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Các chuyên gia vaccine của WHO cho biết một phân tích lâm thời về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng hai loại vaccine Trung Quốc do Sinovac và Sinopharm sản xuất cho thấy chúng an toàn và có "hiệu quả tốt", nhưng còn thiếu dữ liệu với nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền.
Các chuyên gia không đưa ra lời khuyên về cách sử dụng vaccine Trung Quốc, nói rằng họ sẽ đợi cho đến khi có quyết định về việc có cấp phép khẩn cấp chúng hay không.
Y tá chuẩn bị tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc tại Venezuela ngày 7/3. Ảnh: Reuters.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.160.349 ca nhiễm và 565.078 ca tử vong do nCoV, tăng 62.761 ca nhiễm và 937 ca tử vong "so với một ngày trước đó".
Tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ đã giảm trong vài tuần, nhưng hiện tăng trở lại, với dữ liệu gần nhất cho thấy mức trung bình 7 ngày qua là gần 60.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Antony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cho rằng tốc độ lây nhiễm không giảm nhiều khả năng do các bang đã nới lỏng biện pháp kiểm soát phòng dịch quá sớm, cùng sự xuất hiện của nhiều biến chủng nCoV mới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3 công bố loạt động thái mới nhằm mở rộng chiến dịch tiêm chủng và đảm bảo 90% người lớn đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 trước ngày 19/4. Tuy nhiên, ông cảnh báo người Mỹ cuộc chiến đánh bại Covid-19 "còn lâu mới thắng" và kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh khi đất nước trên bờ vực sóng lây nhiễm thứ tư.
Biden cũng kêu gọi các bang đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang và hạn chế với các doanh nghiệp nên đảo ngược động thái này. Hiện 6 bang ở Mỹ đã dỡ bỏ quy định về khẩu trang và một số bang khác có kế hoạch tương tự vào nửa đầu tháng 4.
BioNTech-Pfizer cho biết vaccine của họ hiệu quả 100% ở trẻ 12 -15 và họ đang thúc đẩy để được phép tiêm vaccine cho thiếu niên trước năm học tới.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 12.748.747 ca nhiễm và 321.515 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 84.689 và 3.579 ca.
Tháng ba là tháng ghi nhận nhiều ca tử vong vì nCoV cao nhất ở Brazil kể từ khi đại dịch bùng phát. Với 57.606 ca tử vong từ 1/3 đến 30/3, Bộ Y tế ghi nhận số người chết nhiều hơn 75% so với tháng chết chóc thứ hai trong đại dịch ở Brazil là tháng 7/2020.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 30/3 ký sắc lệnh giải ngân 918 triệu USD vốn vay để đối phó đại dịch Covid-19, trong bối cảnh nước này ghi nhận số người chết vì đại dịch trong một ngày cao chưa từng có. Các khoản vay sẽ được chuyển cho Bộ Y tế Brazil để sử dụng trên 2.600 phòng khám công và bổ sung giường bệnh, giúp củng cố hệ thống y tế Brazil.
Áp lực đang ngày càng gia tăng với Tổng thống Jair Bolsonaro, khiến ông thay đổi thái độ về nỗ lực phòng chống Covid-19 và triển khai vaccine. Giới chức y tế nước này tuần trước công bố chiến dịch phát triển hai loại vaccine nội địa nhằm kiểm soát dịch bệnh, trong đó một loại dự kiến được bắt đầu sử dụng vào tháng 7.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 12.220.669 ca nhiễm và 162.960 ca tử vong, tăng lần lượt 72.182 và 458.
Ấn Độ bắt đầu tiêm chủng cho tất cả những người trên 45 tuổi kể từ 1/4. Trước đó, chỉ những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác, cùng với người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền mới đủ điều kiện để tiêm vaccine AstraZeneca hoặc vaccine nội địa Bharat Biotech.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.644.423 ca nhiễm và 95.640 ca tử vong.
Tổng thống Emmanuel Macron hôm 31/3 ra lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, đóng cửa các trường học trong ba tuần. Thông báo của ông có nghĩa là các hạn chế di chuyển đã được áp dụng trong hơn một tuần ở Paris và một số miền bắc và miền nam, giờ sẽ áp dụng cho cả nước trong ít nhất một tháng, kể từ ngày 3/4.
Macron đã cố tránh áp đặt phong tỏa quy mô lớn lần ba kể từ đầu năm, cho rằng nếu ông có thể đưa nước Pháp thoát khỏi đại dịch mà không đóng cửa đất nước một lần nữa, nền kinh tế sẽ có cơ hội phục hồi.
Tuy nhiên, Macron giờ đây không còn lựa chọn nào khi các biển chủng nCoV dễ lây lan hơn lan rộng ở Pháp và phần lớn châu Âu. Pháp tụt hậu so với nhiều nước phương Tây về số lượng người được tiêm chủng khi mới tiêm được 10,7 triệu liều vaccine, so với gần 35 triệu ở Anh và hơn 13 triệu ở Đức. Xu hướng tiêm chủng tăng nhanh những tuần gần đây, song ca nhiễm cũng tăng đột biến.
Anh, báo cáo 4.345.788 người nhiễm và 126.713 người chết, tăng lần lượt 4.052 và 43 trường hợp.
Anh nới lỏng biện pháp phòng dịch từ 29/3, cho phép các nhóm lên đến 6 người gặp nhau ngoài trời. Chính phủ cũng có kế hoạch cho phép uống rượu ngoài trời và mở lại dịch vụ không cần thiết như tiệm làm tóc kể từ ngày 12/4.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối tuần trước tuyên bố chiến dịch tiêm chủng đại trà và các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của chính phủ sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế. Johnson thừa nhận sóng Covid-19 thứ ba đang càn quét châu Âu và có thể tấn công Anh trong khoảng ba tuần, nhưng điểm khác biệt chính so với năm ngoái là sự gia tăng ca nhiễm và nhập viện đều được giảm thiểu nhờ việc triển khai vaccine.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.511.712 ca nhiễm, tăng 5.937, trong đó 40.858 người chết, tăng 104.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 10,7 triệu người đã được tiêm vaccine.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 747.288 ca nhiễm và 13.297 ca tử vong, tăng lần lượt 6.128 và 106 ca.
Philippines bắt đầu lệnh phong tỏa với hơn 24 triệu người tại Vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận từ ngày 29/3. Người dân sẽ phải làm việc tại nhà trừ khi được coi là lao động thiết yếu, phương tiện giao thông công cộng sẽ dừng hoạt động. Tất cả cuộc tụ tập đông người đều bị cấm, lệnh giới nghiêm từ 18h đến 5h được thực thi và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ bị đóng cửa.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/hon-129-trieu-ca-covid-19-toan-cau-who-noi-vaccine-trung-quoc-an-toan-4256292.html