Tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 7/6, khi một phóng viên hỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ "buộc" Trung Quốc cởi mở hơn như thế nào về cung cấp dữ liệu nguồn gốc Covid-19, Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của cơ quan, cho biết "WHO không có quyền ép buộc bất kỳ ai trong vấn đề này" .

"Chúng tôi hoàn toàn mong đợi sự hợp tác, đóng góp ý kiến và hỗ trợ của tất cả quốc gia thành viên trong nỗ lực đó", Ryan nói, thêm rằng tổ chức sẽ đề xuất các nghiên cứu cần thiết để hiểu rõ hơn vấn đề ở "cấp độ tiếp theo".

Có hai giả thuyết về nguồn gốc Covid-19, như virus đã lây nhiễm từ động vật, có thể bắt đầu từ dơi, sang người, hoặc lọt ra từ một phóng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi đang tiến hành nghiên cứu gây tranh cãi về virus corona ở dơi và được Mỹ tài trợ một phần.

Giám đốc chương trình khẩn cấp WHO Mike Ryan tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Các thành viên nhóm điều tra do WHO dẫn đầu tới Trung Quốc hồi tháng 3 để xem xét nguồn gốc Covid-19, nhưng không được quyền truy cập tất cả dữ liệu, tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận về tính minh bạch của Bắc Kinh. Nhóm chuyên gia khi đó nói giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm không đáng được điều tra thêm. Tuy nhiên vài ngày sau đó, người đứng đầu WHO tuyên bố tất cả giả thuyết thực tế vẫn được xem xét.

Các email được phát hành theo luật tự do thông tin tuần trước ở Mỹ khiến quan chức y tế hàng đầu Anthony Fauci bị chỉ trích, bởi ông nhận được email từ Peter Daszak, người đứng đầu EcoHealth Alliance - tổ chức phi lợi nhuận về y tế giúp tài trợ nghiên cứu tại viện virus ở Vũ Hán, ca ngợi ông "dũng cảm" vì đã tìm cách lật tẩy thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Fauci trả lời: "Rất cảm ơn bức thư tử tế từ ông".

Daszak là đồng tác giả thư gửi cho tạp chí khoa học Lancet vào tháng 3, trong đó không tiết lộ xung đột lợi ích của mình. "Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu cho rằng Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên", bức thư có đoạn viết.

Thế giới đã ghi nhận 174.297.341 ca nhiễm nCoV và 3.749.534 ca tử vong, tăng lần lượt 245.661 và 5.645, trong khi 156.019.830 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.221.453 ca nhiễm và 612.588 ca tử vong do nCoV, tăng 7.183 ca nhiễm và 204 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Thống đốc New York Andrew Cuomo thông báo hầu hết các hạn chế còn lại của bang sẽ được dỡ bỏ khi 70% cư dân đã tiêm ít nhất một liều vaccine, mục tiêu mà ông nói chỉ còn cách 1,4% để đạt được. Thành phố hôm 7/6 ghi nhận 0,71% tỷ lệ dương tính nCoV, mức thấp nhất từ khi đại dịch bắt đầu.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ bắt đầu phân phối 80 triệu liều vaccine Covid-19 trên toàn thế giới từ nay đến cuối tháng 7, thông qua COVAX hoặc phân phối trực tiếp. Điều phối viên của Bộ Ngoại giao về Phản ứng Chung Toàn cầu và An ninh Y tế Gayle E. Smith nói đợt đầu gồm 25 triệu liều sẽ được gửi trước.

"Khoảng 75% trong số 25 triệu liều đầu tiên đó sẽ được thực hiện với sự phối hợp của COVAX, 25% còn lại chúng tôi có thể thực hiện trực tiếp, đảm bảo tính đến vấn đề khoa học và nhu cầu. Tất cả những điều này dựa trên khoa học, dựa trên công bằng và không có đổi chác lợi ích chính trị, không giống một số quốc gia khác", Blinken nói.

Theo Smith, khoảng 6 triệu liều sẽ được phân phối trên khắp Mỹ Latinh, gồm vùng Caribbean, 7 triệu liều đến Nam Á và Đông Nam Á, và 5 triệu liều đến châu Phi.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 28.996.949 ca nhiễm và 351.344 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 87.345 và 2.115 ca.

Trong bối cảnh bị chỉ trích dữ dội về cách xử lý đại dịch, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói chính phủ sẽ cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho tất cả người trưởng thành từ cuối tháng này. Chính phủ Ấn Độ trước đây chỉ cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho người cao tuổi và lực lượng tuyến đầu, trong khi chính quyền cấp bang và bệnh viện tư nhân tính phí vaccine cho những người trong độ tuổi 18-45.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ ghi nhận ca nhiễm mới giảm đáng kể, thúc đẩy các bang dự kiến nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh từ tuần sau. Thủ đô New Delhi và nhiều thành phố khác của quốc gia Nam Á này đang tìm cách nới lỏng lệnh hạn chế di chuyển từ 7/6, đồng thời cho phép thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Mexico, vùng dịch lớn thứ tư Nam Mỹ, báo cáo 881 ca nhiễm và 34 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.434.562 và 228.838. Tuy nhiên, Reuters cho biết dữ liệu riêng biệt được công bố gần đây của chính phủ cho thấy số người chết thực sự có thể cao hơn ít nhất 60%.

Ireland báo cáo thêm 377 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 264.826, trong khi ca tử vong không thay đổi, vẫn là 4.941.

"Niềm vui có trên khắp Ireland" hôm 7/6 khi đất nước mở cửa trở lại các quán rượu, nhà hàng và cơ sở giải trí. Các khách sạn hiện có thể phục vụ đồ ăn, thức uống ngoài trời. Phòng tập thể hình, hồ bơi và trung tâm giải trí cũng được mở cửa trở lại.

Thủ tướng Ireland Micheal Martin đã mô tả đó là "ngày rất quan trọng" đối với các quán ăn. Gần 55% dân số đã tiêm một liều vaccine Covid-19 và 26% được tiêm chủng đầy đủ, Martin cho biết trên Twitter.

Cộng hòa Czech thông báo sẽ mở lại biên giới cho công dân EU và Serbia vào 21/6. Những người đến sẽ phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm. Chính phủ cũng tăng sức chứa khán giả tại các sự kiện văn hóa lên 1.000 người trong nhà và 2.000 người ngoài trời.

Trong khi đó, tại các trường học ở hầu hết các vùng của đất nước, giáo viên và trẻ em được yêu cầu đeo khẩu trang.

Đầu năm nay, Cộng hòa Czech, hiện ghi nhận 1,66 triệu ca nhiễm và 30.164 trường hợp tử vong, là quốc gia báo cáo ca nhiễm và tử vong tính theo đầu người cao nhất thế giới. Nhưng con số hiện giảm xuống dưới 500 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Tây Ban Nha đã mở cửa biên giới cho du khách tiêm chủng từ khắp nơi trên thế giới. Ít nhất 20 chuyến bay quốc tế đã hạ cánh sáng 7/6 tại cửa ngõ du lịch quan trọng nhất ở khu vực phía nam Andalusia.

"Chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi yêu đất nước Tây Ban Nha, mặt trời, thức ăn và mọi thứ", du khách Ireland Gillian Ford, người đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19, cho hay.

Theo quy định mới, Tây Ban Nha từ 7/6 sẽ cho phép nhập cảnh những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ ít nhất 14 ngày. Những người châu Âu không tiêm chủng, trước đây có thể vào Tây Ban Nha với xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ, hiện có thể thực hiện xét nghiệm kháng nguyên rẻ hơn trong 48 giờ qua.

Tại Đông Nam Á, Malaysia báo cáo 622.086 ca nhiễm và 3.460 ca tử vong vì Covid-19, tăng 5.271 và 82 trong 24 giờ qua.

Giáo sư Adeeba Kamarulzaman, thành viên Hội đồng Khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington phát hiện số ca tử vong liên quan tới Covid-19 ở Malaysia có thể lên đến 26.000 người vào tháng 9, gấp 9 lần số người chết hiện tại.

Thái Lan báo cáo thêm 2.419 ca nhiễm và 33 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 179.886 và 1.269

Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng Covid. Quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trước cuối năm nay và chủ yếu dựa vào các liều thuốc AstraZeneca được sản xuất bởi Siam Bioscience, một công ty thuộc sở hữu của Vua Maha Vajiralongkorn và không có kinh nghiệm sản xuất vaccine. Công ty cũng sẽ cung cấp vaccine cho 8 quốc gia khác trong khu vực.

Chính phủ Thái Lan, đang vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát tồi tệ nhất từ khi đại dịch bắt đầu, phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng vì quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp và triển khai vaccine chậm chạp. Tính đến ngày 5/6, khoảng 4% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/who-khong-the-buoc-trung-quoc-tiet-lo-them-nguon-goc-covid-19-4290660.html