Vùng lãnh thổ Bắc Úc sẽ là “vùng đệm” an ninh quan trọng đối với Bộ tứ
Vùng lãnh thổ miền Bắc Australia có tầm quan trọng chiến lược trong việc bảo vệ quốc gia này. (Nguồn: Cruise Mapper) |
Vũng lãnh thổ địa chiến lược
Tầm quan trọng chiến lược của khu vực phía Bắc Australia đối với quốc phòng của nước này từ lâu đã được chính phủ và các nhà hoạch định chính sách công nhận.
Kể từ sau Thế chiến II, miền Bắc Australia đã đóng góp quan trọng vào an ninh của Australia và là bên liên quan chủ chốt trong cấu trúc an ninh khu vực, bao gồm cả Liên minh Australia-Mỹ, vốn là nền tảng của các chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia của xứ sở chuột túi.
Tầm quan trọng này một lần nữa đã được củng cố trong Bản cập nhật Chiến lược Quốc phòng Australia công bố ngày 1/7/2020.
Các căn cứ quan trọng của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF), các đội tình báo, giám sát và trinh sát cũng như các cơ sở huấn luyện đều được đặt tại Vùng lãnh thổ Bắc Australia .
Trong một bài báo đăng trên tờ The Australian ngày 13/3 vừa qua, Tiến sĩ Alan Dupo thuộc Ban vận động Phòng vệ và An ninh Vùng lãnh thổ Bắc Australia lưu ý rằng, “trong bối cảnh thay đổi địa chính trị mang tính lịch sử, Australia đang nổi lên như một trung tâm liên minh và đối tác quan trọng của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiến hành định hình lại và củng cố quân đội để đối phó với thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc”.
Giá trị của Australia đối với Mỹ và các đối tác khác nằm ở năng lực đào tạo, khả năng duy trì và phối hợp hiệu quả với các lực lượng quân sự của quốc gia đồng minh, đồng thời là đối tác sở hữu một vị trí địa chiến lược nhưng an toàn.
Cơ sở hạ tầng cảng biển ngày càng được mở rộng; kết nối thông tin tốc độ cao, an toàn; năng lực và quan hệ đối tác trong không gian ngày càng tăng; năng lực về vũ trụ ngày càng phát triển và một nền tảng công nghiệp ngày càng lớn mạnh là những yếu tố giúp miền Bắc Australia trở thành một phần quan trọng trong địa lý chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chân kiềng vững chắc trong Bộ tứ
Khu vực này cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Đối thoại An ninh Tứ giác Australia-Ấn-Nhật-Mỹ, còn gọi là Bộ tứ.
Sau nhiều năm được dự kiến trở thành một khuôn khổ cho việc hợp tác và xây dựng khả năng tương tác quân sự, Bộ tứ gần đây đã "hồi sinh" và đang tăng tốc để hỗ trợ “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và có tính bao trùm”.
Mặc dù 4 quốc gia thành viên vẫn còn những khác biệt trong nhận thức về các mối đe dọa và ưu tiên chiến lược, song tất cả đều có chung lợi ích trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tự do hàng hải, trật tự kinh tế dựa trên luật lệ, chống lại ngoại giao bẫy nợ và hạn chế việc một quốc gia sử dụng các biện pháp cưỡng chế để khẳng định các yêu sách lãnh thổ.
Khi hợp tác an ninh Bộ tứ phát triển hơn, Australia sẽ được lợi nếu đảm nhận vai trò then chốt trong quan hệ đối tác an ninh này và thúc đẩy chương trình tương tác nâng cao giữa tất cả 4 thành viên.
Có một số lĩnh vực ban đầu mà 4 nước có thể tăng cường các khả năng chung, bao gồm cải thiện khả năng tương tác; tăng cường khả năng tình báo, giám sát và trinh sát; chia sẻ hậu cần và phát triển năng lực.
Theo đó, nâng cao nhận thức về vấn đề hàng hải trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một lĩnh vực mà Bộ tứ có thể tăng cường hợp tác.
Điều này có được triển khai dưới hình thức tiếp cận công nghệ giám sát quân sự, phát triển cơ sở hạ tầng quân sự được sử dụng chung trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mở rộng các thỏa thuận chia sẻ thông tin.
Đặc biệt, các bên có thể tăng cường hợp tác trong việc nâng cao năng lực “ngoại giao mềm” như đề xuất của chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia về một trung tâm thực thi luật hàng hải dân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Khi các tầng lớp hợp tác này phát triển, vấn đề địa lý sẽ tiếp tục được quan tâm hơn.
Vùng lãnh thổ Bắc Australia sẽ là "vùng đệm" an ninh quan trọng đối với Bộ tứ. (Nguồn: The Diplomat) |
Theo ghi nhận trong một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), đối với tàu thuyền và máy bay, việc đi lại giữa Ấn Độ và Nhật Bản mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Với quá nhiều các chương trình tập luyện ở trong nước và các cam kết quốc gia có tính cấp bách, các thành viên Bộ tứ khó có thể thực hiện lịch trình các hoạt động đa quốc gia hiện tại.
Khả năng các thành viên ủng hộ một chương trình tập trận được tăng cường hơn nữa của Bộ tứ ở Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương, là điều rất xa vời, trừ phi các thỏa thuận thay thế có thể giúp giảm cả thời gian và chi phí cho các nước tham gia.
Về vấn đề này, có thể thấy Vùng lãnh thổ Bắc Australia có lợi thế địa lý rất rõ ràng.
Về mặt địa lý, thủ phủ Darwin của Vùng lãnh thổ Bắc Australia nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và do đó cũng là trung tâm của Bộ tứ.
Khoảng cách từ đây tới Ấn Độ và Nhật Bản gần như tương đương, và khoảng cách từ đây tới các lực lượng Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc và đóng quân ở Nhật Bản cũng xấp xỉ nhau.
Điều này khiến Vùng lãnh thổ Bắc Australia trở thành vị trí trung tâm để các lực lượng tập hợp và tiến hành tập trận với thời gian di chuyển ít nhất.
Đối với quân đội Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, miền Bắc Australia cho phép tiếp cận các căn cứ quan trọng của ADF, các khu vực huấn luyện rộng lớn trên không, trên bộ và trên biển, cũng như các cơ sở hỗ trợ và bảo trì hậu cần thiết yếu.
Điều quan trọng là, vai trò của Vùng lãnh thổ Bắc Australia đã được chứng minh trong việc tổ chức, hỗ trợ các hoạt động và cuộc tập trận lớn đa quốc gia.
Ngoài lực lượng luân phiên trên biển của Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) và các đơn vị không quân và hải quân Mỹ vẫn triển khai thường xuyên tại Darwin, số lượng các binh lính thuộc lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia huấn luyện và tập trận đang tăng dần.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton gần đây đã lưu ý rằng, đến năm 2023, Ấn Độ sẽ lần đầu tiên được mời tham gia Cuộc tập trận Talisman Sabre.
Điều này có thể sẽ là khởi đầu cho việc Ấn Độ tham gia nhiều hơn vào việc huấn luyện và tập trận mà ở đó Darwin và Vũng lãnh thổ Bắc Australia sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng.
Trong vài năm gần đây, chính quyền Lãnh thổ phía Bắc của Australia đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của Bộ tứ, và từ năm 2019 đã bắt đầu điều chỉnh cơ cấu cũng như thành viên của Nhóm Cố vấn An ninh Vùng lãnh thổ Bắc Australia, trong đó bao gồm các cố vấn quân sự cấp cao đã nghỉ hưu đến từ Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Điều này đảm bảo rằng, chính quyền Vùng lãnh thổ phía Bắc đang nhận được những lời khuyên của các chuyên gia về cách hỗ trợ và thực hiện tốt nhất ý định chiến lược của chính phủ Australia cũng như của các đồng minh và đối tác khác - bao gồm cả các thành viên Bộ tứ.
Article sourced from baoquocte.vn.