Vụ Philippines kiện Trung Quốc: Căng thẳng trước giờ G
Ngày 22.1.2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc (TQ) trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS), về yêu sách chủ quyền của TQ ở biển Đông. Tuy nhiên, TQ đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố từ chối tham gia vụ kiện.
Từ đó đến nay, theo đúng tiến trình vụ kiện, Philippines đã đơn phương theo đuổi cùng sự quan sát của cộng đồng quốc tế. Sau phiên điều trần cuối cùng diễn ra vào ngày 30.11.2015, kết quả của tòa dự kiến sẽ được công bố sớm nhất vào tháng 6.2016, theo như lời của ông Paul Reichler, luật sư trưởng phía nguyên đơn Philippines.
Vào ngày 28.5.2016, trước báo giới, Tổng thống vừa đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông sẽ không từ bỏ chủ quyền quốc gia, đặc biệt tại khu vực bãi cạn Scarborough, vốn bị TQ chiếm từ năm 2012. Tân tổng thống phát biểu: “Khi tòa ra phán quyết, chúng ta hy vọng TQ sẽ tuân thủ… Chứ không phải vì anh giúp chúng tôi xây dựng đường sắt thì chúng tôi hy sinh bãi cạn Scarborough”.
Tại một cuộc họp báo lên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore mới đây, Chuẩn Đô đốc Quan Hữu Phi, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Quân ủy Trung ương TQ, thẳng thừng tuyên bố nước này sẽ không chấp hành phán quyết của PCA về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” TQ đơn phương vẽ ra trên biển Đông.
Tiếp đó, tại diễn đàn Shangri-La, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ, ngang ngược cho rằng: “Bất cứ nước nào không trực tiếp liên quan không được phép vì lợi ích vị kỷ mà phá hoại con đường tiến tới hòa bình của chúng tôi”. Đây được xem như lời cảnh báo của TQ đối với các quốc gia không có lợi ích trực tiếp tại biển Đông nói chung cũng như hơn 10 nước ủng hộ Philippines trong vụ kiện nói riêng.
Trong suốt hơn ba năm rưỡi qua, mặc dù tuyên bố từ chối tham gia vụ kiện nhưng Bắc Kinh luôn có những động thái bày tỏ quan điểm liên quan đến vụ kiện trước truyền thông quốc tế. Ngày 19-2-2013, tức gần một tháng sau khi Philippines mang vấn đề “liên quan đến vùng biển phía Tây Philippines” lên PCA, TQ đã đưa ra công hàm “Quan điểm của TQ đối với các vấn đề ở biển Nam Trung Hoa” từ chối tham gia vụ kiện và trả lại bản thông báo của Philippines. Tuy vậy, vào ngày 7.12.2014, TQ lại tiếp tục công bố một bản tuyên bố lập trường về vụ kiện.
Sau phiên điều trần cuối cùng vào ngày 30.11.2015, khác với thái độ lạc quan của Philippines, TQ tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của PCA. Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân tuyên bố: “Chúng tôi không tham gia và không chấp nhận tòa án… Các phán quyết hoặc kết quả từ tòa sẽ không ảnh hưởng đến quan điểm của TQ”. Tiếp đó, ngày 21.12.2015, trước truyền thông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi đề nghị Philippines rút đơn kiện và quay lại đàm phán song phương.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ, lớn tiếng cảnh báo các nước tại diễn đàn Shangri-La 2016. Ảnh: AFP
Các quốc gia khác cũng rất quan tâm đến vụ kiện giữa TQ và Philippines. Trong đó, có thể đề cập đến sự tích cực của Nhật Bản, Mỹ… Vào ngày 1.4.2014, theo Philstar, phát ngôn viên của Ngoại trưởng Nhật Bản Koichi Mizushima phát biểu: “Những hành động như vậy giúp duy trì và tăng cường trật tự khu vực bằng việc sử dụng luật quốc tế”. Không chỉ vậy, nước này cũng đã tăng cường hỗ trợ về mặt quốc phòng cho Philippines.
Tại diễn đàn Shangri-La, phía Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ tích cực hỗ trợ các nước Đông Nam Á cải thiện năng lực, chống lại những hành động cưỡng ép, đe dọa sử dụng vũ lực trên biển Đông. Khác với người hàng xóm Đông Bắc Á, Hàn Quốc giữ thái độ im lặng trước vụ kiện. Chỉ một lần tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á 2015, Tổng thống Park Geun Hye mong muốn: “Hàn Quốc nhấn mạnh mong muốn tranh chấp được giải quyết hòa bình dựa theo những thỏa thuận và nguyên tắc ứng xử quốc tế”.
Trong khi đó, với báo cáo số 143 về các tuyên bố trên biển Đông, chính phủ Mỹ đã gián tiếp thể hiện sự ủng hộ với Philippines. Nước này cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích TQ các hành động nhân tạo hóa, quân sự hóa các vật thể trên biển Đông vốn đang có tranh chấp với các nước xung quanh. Tuy vậy, quốc gia có những động thái bất ngờ nhất chính là Ấn Độ. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á 2015, đại diện Ấn Độ thể hiện mong muốn “tranh chấp được giải quyết hòa bình như Ấn Độ và Bangladesh dưới luật quốc tế”. Nước này cũng ủng hộ bước đi của Philippines.
Úc cũng ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp ở châu Á - Thái Bình Dương bằng luật pháp quốc tế và các biện pháp hòa bình. Nước này cho rằng “đường chín đoạn” của TQ là một yêu sách không thể chấp nhận và không phù hợp với trật tự toàn cầu vốn chủ trương “thượng tôn pháp luật”.
Bất kỳ phán quyết nào của PCA phản đối yêu sách chủ quyền của TQ đều tạo ra cơ hội thúc đẩy Úc tiếp cận mạnh hơn trong vấn đề biển Đông. Có thể nói cộng đồng quốc tế đang rất mong chờ phán quyết của PCA. Hai bên cũng đã dùng nhiều biện pháp để thu hút sự ủng hộ quốc tế cũng như có sự kiên định lập trường riêng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2.6, trả lời câu hỏi của PV về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của TQ ở biển Đông trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực LHQ (PCA) sắp ra phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.
“Chúng tôi mong muốn tòa trọng tài đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 và yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong công ước quan trọng này” - ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Ngày 5.6, VNE dẫn lời của ông Greg Raymond, thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Úc), nhận định rằng so với Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), PCA có ít quyền lực hơn khi cơ quan này không có điều khoản nào tương đương với Điều 94 của LHQ, trong đó quy định bất kỳ bên nào trong một vụ kiện không tuân thủ phán quyết của tòa án thì có thể bị đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ xem xét.
Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Bảo an có thể đưa ra kiến nghị hoặc quyết định buộc bên không tuân thủ phải thi hành phán quyết. Tuy nhiên, bác bỏ một phán quyết của PCA đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp quốc tế. Như vậy, các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ có thể nhóm họp và ra nghị quyết về vấn đề này. Nội dung nghị quyết có thể chỉ rõ việc phớt lờ phán quyết của PCA sẽ làm xói mòn uy tín của UNCLOS (Công ước LHQ về Luật Biển) và phủ nhận mọi nỗ lực ngoại giao kéo dài hàng thập niên để đàm phán thành công văn bản này.
Ngoài ra, Hội đồng Bảo an LHQ cũng có thể xếp loại vấn đề biển Đông như một tranh chấp gây xung đột quốc tế và do vậy nó phải thuộc thẩm quyền nhiệm vụ của cơ quan quyền lực này.
Article sourced from MOTTHEGIOI.