Vụ mất tích bí ẩn suốt nửa thế kỷ của cựu Thủ tướng Australia
“Thủ tướng Australia Harold Holt đã mất tích” là câu thông báo được phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng khắp đất nước Australia vào ngày 17/12/1967 sau khi cựu Thủ tướng Holt đi bơi tại bãi biển Cheviot gần thành phố Melbourne và không bao giờ trở lại.
Nhà lãnh đạo Australia được cho là đã bị chết đuối và một lễ tưởng niệm ông cũng đã được tổ chức với sự tham gia của các nguyên thủ quốc tế thời đó như Thủ tướng Anh Harold Wilson và Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson.
Tuy nhiên, ngay cả khi đặt ra giả thuyết rằng ông không còn sống, thì thi thể của Thủ tướng Holt cho đến nay vẫn chưa được phát hiện sau nhiều nỗ lực tìm kiếm. Điều này làm dấy lên hàng loạt thuyết âm mưu, trong đó có một cuốn sách từng viết rằng ông bị một tàu ngầm Trung Quốc bắt đi.
50 năm sau vụ mất tích của cựu Thủ tướng Harold Holt, sự nghiệp của một chính trị gia được xem là tiến bộ và đột phá của Australia hoàn toàn bị phủ bóng bởi những câu chuyện bí ẩn.
Thủ tướng hiện đại của Australia
Harold Holt trở thành thủ tướng Australia vào tháng 1/1966, chỉ 2 năm trước khi ông mất tích. Ông từng là một bộ trưởng trung thành dưới thời nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Australia, ông Robert Menzies.
“Ông ấy là một luồng gió tươi mới. Ông ấy trẻ hơn (ông Menzies). Ông ấy nổi tiếng là một người tiến bộ, phong cách. Xét từ quan điểm hiện nay, ông ấy là người đầu tiên trong số các thủ tướng hiện đại của Australia”, John Warhurst, giáo sư chính trị tại Đại học Quốc gia Australia nói với CNN.
Mặc dù có thời gian tại nhiệm không lâu nhưng cựu Thủ tướng Holt đã gặt hái được một loạt thành tựu đáng kể, bao gồm việc chuyển đổi hệ thống tiền tệ của Australia nhằm thay thế hệ thống phức tạp trước đây. Một dấu mốc khác trong sự nghiệp lãnh đạo của cựu Thủ tướng Holt là cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm 1967, mở đường cho việc công nhận những người Australia bản xứ là công dân thực sự.
Theo Tom Frame, người viết tiểu sử cho cựu Thủ tướng Holt và là giám đốc Nhóm nghiên cứu Lãnh đạo Công tại Thư viện Howard thuộc Đại học New South Wales, ông Holt là một trong những chính trị gia đầu tiên tìm cách bãi bỏ chính sách Người Australia Da trắng, vốn cấm vận những người tị nạn từ các nước ngoài châu Âu vào Australia, đồng thời tăng cường xây dựng quan hệ ngoại giao với các láng giềng châu Á.
“Ông ấy không thấy có lý do gì để ngăn cản những người châu Á… Tôi nghĩ ông ấy đã dần dần phá vỡ quan niệm tại châu Á rằng Australia không muốn trở thành một phần của khu vực này”, ông Frame cho biết.
Không chỉ với châu Á, cựu Thủ tướng Holt còn mong muốn Australia thúc đẩy quan hệ với Mỹ khi ông xây dựng mối quan hệ gần gũi với cựu Tổng thống Mỹ Johnson.
“Hiểu bãi biển như lòng bàn tay”
Vào ngày cựu Thủ tướng Holt mất tích, tiết trời khi đó nóng và ẩm. Đây là kiểu thời tiết lý tưởng để đi bơi.
Trước bữa trưa ngày 17/12/1967, ông Holt quyết định sẽ đi đến bãi biển, gần căn nhà nghỉ dưỡng của ông ở Portsea trên bãi biển Victoria. Tom Frame cho biết một thủy thủ đã nhìn thấy nhà lãnh đạo Australia đứng cùng một phụ nữ là bạn ông và một cặp đôi trẻ hơn.
Theo lời kể của ông Frame, cựu Thủ tướng Holt là người thích giao lưu, yêu thể thao và luôn khát khao tận hưởng cuộc sống. Ông cũng có sở thích lặn và xiên cá dù ông không phải là một người thực sự bơi khỏe.
Trước khi mất tích, sức khỏe của ông Holt không ở trong trạng thái tốt nhất. Ông vừa trải qua đợt phẫu thuật vai hôm thứ 6 và bác sĩ khuyên ông nên vận động nhẹ nhàng sau ca phẫu thuật.
“Ông ấy đã chơi tennis hôm thứ 7 và đi đến bãi biển hôm chủ nhật. Như vậy là đã không nghe theo lời khuyên của bác sĩ”, ông Frame cho biết.
Các nhân chứng có mặt trên bãi biển nói với cảnh sát rằng vào ngày ông Holt mất tích, thủy triều lên cao bất thường với dòng hải lưu ngầm. Một số người nói rằng đây là đợt thủy triều cao nhất mà họ từng thấy.
Báo cáo của cảnh sát năm 1968 cho biết cựu thủ tướng Australia đã bơi ra xa bãi biển và di chuyển vào vùng nước sâu hơn. Một trong những câu nói cuối cùng ông Holt nói với các bạn của mình trước khi xuống nước là “tôi hiểu bãi biển này như lòng bàn tay”.
Theo báo cáo của cảnh sát, một nhân chứng cho biết bà đã liên tục nhìn theo ông Holt bắt đầu từ khi ông hòa mình với những đợt sóng. Nhân chứng nói rằng bà nhìn thấy nước xung quanh ông Holt đột nhiên thay đổi dữ dội giống như bị đun sôi và mọi thứ dường như nuốt chửng ông ấy. Kể từ đó, cựu Thủ tướng Australia không bao giờ quay trở về.
Chết đuối, tự tử hay tàu ngầm Trung Quốc?
Tin thủ tướng đột nhiên mất tích khiến dư luận Australia xôn xao. Chó nghiệp vụ, cảnh sát và thậm chí cả quân đội Australia đã được huy động tới khu vực bãi biển nơi cựu Thủ tướng Holt mất tích với hy vọng tìm kiếm ông, hoặc ít nhất cũng phát hiện ra thi thể của ông ở đâu đó.
Hơn 300 người đã tham gia tìm kiếm vào thời điểm đó, song rốt cuộc chiến dịch này cũng phải dừng lại vào ngày 5/1 sau khi không phát hiện bất kỳ dấu vết nào của nhà lãnh đạo. Tất cả những gì còn lại chỉ là đống quần áo của ông Holt trên bãi biển Cheviot.
Nhiều tin đồn đã xuất hiện sau sự biến mất của cựu Thủ tướng Australia. Một số ý kiến cho rằng ông Holt có thể đã tự tử vì buồn phiền với cuộc hôn nhân không mấy suôn sẻ, hoặc cũng có thể áp lực công việc khiến ông kiệt sức. Tuy nhiên, báo cáo của cảnh sát Australia bác bỏ những đồn đoán này.
Theo Giáo sư Warhurst, một số ý kiến cho rằng có thể một thế lực nước ngoài nào đó có liên quan đến sự mất tích của ông Holt và ông có thể đã bị một nhóm người Trung Quốc hoặc Nga bắt đi.
Thậm chí, nhà báo Anthony Grey của Anh đã viết một cuốn sách về vụ mất tích bí ẩn này với tiêu đề “Thủ tướng là một gián điệp”, trong đó đặt ra giả thuyết rằng cựu Thủ tướng Holt là một gián điệp của Trung Quốc và ông đã tẩu tán lên một tàu ngầm Trung Quốc từ bãi biển Cheviot sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Australia.
Trong khi đó, một số người đưa ra lời giải thích đơn giản hơn là ông Holt bị chết đuối. Tuy nhiên, tất cả những giả thuyết này đều không đưa ra bằng chứng xác thực và sự biến mất của cựu Thủ tướng Holt cho đến nay vẫn là một ẩn số chưa có lời giải.
Chúng tôi cố gắng giúp tất cả học sinh phát triển thành những người tự tin trong quá trình học tập lâu dài.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/vu-mat-tich-bi-an-suot-nua-the-ky-cua-cuu-thu-tuong-australia-2017121715300049.htm