Vịt bầu - đặc sản Lâm Thượng
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Vinh Dự ở thôn Bản Khéo (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên) là một cựu chiến binh. Rời quân ngũ trở về, tận dụng những lợi thế dồi dào từ sông, suối của tự nhiên, ông đã tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế từ nuôi vịt bầu, trở thành hộ chăn nuôi giỏi và cũng là một trong những chủ đàn vịt bầu quy mô trên địa bàn.
Ông kể, từ xa xưa, người dân ở đây đã có tập tục định cư gắn liền với các con sông, con suối. Mọi hoạt động sinh hoạt, canh tác đều dựa vào nguồn nước.Đặc biệt hơn, cũng chính từ những nguồn nước này, đã góp phần tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt của loại đặc sản vịt bầu Lâm Thượng. Vịt bầu ở đây có đặc điểm cổ ngắn, đầu xanh, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của núi rừng phía Tây Bắc. Chỉ cần cho ăn đầy đủ, thả nuôi tự nhiên thì vịt tự lớn và quan trọng là không mắc bệnh. Bởi thế mà giống vịt này chỉ có ở đây nuôi và chỉ nuôi ở đây thì thịt mới ngon. Vịt nuôi khoảng 4 tháng rưỡi thường có trọng lượng khoảng 2 - 2,3 kg; nếu có nuôi cố tới 6 đến 7 tháng thì cũng chỉ được trọng lượng 2,5 kg; không thể béo hơn. Đấy mới là sự khác biệt của vịt bầu Lâm Thượng. Tiếp chuyện bằng chất giọng Kinh lơ lớ, thi thoảng nghe họ nói chuyện với nhau, chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu, họ lại nở nụ cười hiền.
Vịt bầu Lâm Thượng được chăn thả tự nhiên
Mải mê chiêm ngưỡng và “sống ảo” với khung cảnh thiên nhiên và đất trời mà không biết ông Dự đã đi bắt vịt, vặt lông từ lúc nào. Bàn tay thoăn thoắt vặt lông, ông vừa giới thiệu: “Vịt ở đây có tiếng còn do cách chế biến của đồng bào nơi đây. Vịt được chọn đãi khách là vịt tơ, khi chế biến sẽ có màu vàng ươm”. Con vịt ngon thì với người “sành” như ông Dự, ngay khi làm lông đã biết bởi lông vịt rất dễ nhổ, da khô bóng, mình căng tròn. Vịt bầu ngon nhất là chế biến món hấp, muốn giữ được hương vị ngọt, đậm đà của vịt thì khi mổ cũng phải mổ moi. Khi con vịt được làm sạch cũng là lúc các loại gia vị như hành, tỏi, ớt, sả đã được chế biến sẵn để tẩm ướp. Vịt hấp được cho vào nồi, nguyên tắc khi hấp cũng không được để lửa quá to, tầm 40 - 50 phút mới đúng độ chín. Ông Dự cũng giải thích thêm, vịt bầu hấp xong phải để róc nước và bớt nóng thì khi chặt miếng không bị nát mà lại đảm bảo được độ mọng căng, như thế mới ngon, đẹp mắt. Chỉ ngồi đợi thôi, cũng đã ngửi thấy mùi thơm ngọt lan tỏa khắp không gian khiến ai nấy cũng đều cảm nhận được độ nêm nếm vừa vặn, đậm đà…
Vịt bầu Lâm Thượng là món ngon trên thực đơn của nhiều nhà hàng
Vinh dự hơn cho những hộ chăn nuôi như gia đình ông Dự, sản phẩm vịt bầu Lâm Thượng đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Từ đó, góp phần nâng cao danh tiếng, quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngày nay, vịt bầu Lâm Thượng được theo chân các thương lái đi muôn nơi, được các nhà hàng đặt mua với số lượng lớn để chế biến thành nhiều món khác nhau…
Về với Lâm Thượng, chúng tôi đã được nghe thật nhiều những câu chuyện cùng phong tục riêng của người dân để trân quý thêm sự hiếu khách, sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước. Rời nơi đây khi trời đã xế chiều, mặt trời khuất dần sau núi, ráng chiều đỏ rực, đàn vịt trước nhà ông Dự vẫn thả sức bơi lội, câu ca “Bên thềm nhà cỏ hoa hát ca đón bước em - Lục Yên mình đẹp như bức tranh trong nắng xuân…” vẫn văng vẳng theo suốt cả chặng đường về.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3403839