Viện Khổng Tử tại các trường đại học phải đệ trình thỏa thuận hợp tác
Các viện Khổng Tử trong các trường đại học của Australia đang phải đối mặt với một tương lai mơ hồ khi Canberra xem xét liệu hoạt động của họ có phù hợp với chính sách ngoại giao hay không.
Cụ thể, các trường đại học có thời hạn cho đến ngày 10/6 để đệ trình hợp đồng tổ chức các viện Khổng Tử cho chính quyền liên bang. Đây là một phần của chương trình giúp Canberra xem xét các thỏa thuận giữa chính phủ nước ngoài và các cơ quan địa phương như chính quyền tiểu bang, hội đồng và trường đại học.
Úc sắp đưa Viện Khổng tử tại các trường ĐH vào diện xem xét. Ảnh: JOHN WOUDSTRA
Theo một điều luật được thông qua vào năm ngoái, ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng có thể hủy bỏ các thỏa thuận nếu chúng bị đánh giá là gây hại cho chính sách của chính phủ liên bang đối với Trung Quốc.
Các viện Khổng Tử được cho là tổ chức trao đổi văn hóa và cung cấp dịch vụ đào tạo ngôn ngữ và văn hóa, với sự hợp tác của các trường đại học Trung Quốc, do trung tâm hợp tác và giáo dục ngôn ngữ (trước đây gọi là Hanban) trực thuộc Bắc Kinh giám sát.
Một số trường đại học - bao gồm đại học Sydney, Queensland và Tây Australia - đã nộp các thỏa thuận của họ để được xem xét. Các trường khác dự định làm theo trong những tuần tới. Trong khi đó cơ sở trường RMIT tại Melbourne thông báo sẽ đóng cửa viện Khổng Tử tại đây trong năm nay, với lý do khó khăn tài chính do COVID-19 gây ra.
Quan hệ Canberra và Bắc Kinh vốn đang căng thẳng bởi các tranh chấp về thương mại, đại dịch COVID-19, cáo buộc gián điệp và vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương.
Các viện Khổng Tử gây tranh cãi không chỉ ở Australia khi một số nhà phê bình cho rằng đây là phương tiện tuyên truyền của Trung Quốc, nhằm tránh né các chủ đề bị Bắc Kinh coi là nhạy cảm trong khi can thiệp vào tự do học thuật.
Viện Khổng Tử gây tranh cãi ở nhiều nơi. (Ảnh minh họa: SCMP)
Vào tháng 8/2020, cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ định cơ quan giám sát các viện Khổng Tử ở Mỹ là một phần của “chiến dịch tuyên truyền toàn cầu và gây ảnh hưởng xấu” của Bắc Kinh, yêu cầu cơ quan này phải đăng ký làm cơ quan đại diện nước ngoài. Ông Pompeo sau đó bày tỏ hy vọng các viện này sẽ bị đóng cửa, cáo buộc họ tuyển dụng "gián điệp và cộng tác viên" tại các trường đại học Mỹ, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Hàng chục trường đại học ở các bang của Mỹ bao gồm Texas, Florida và North Carolina đã đóng cửa các viện Khổng Tử ở cơ sở của mình từ năm 2014, trong bối cảnh áp lực chính trị ngày càng tăng cũng như lo ngại về tự do học thuật.
Các cơ sở giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới cũng xem xét lại hoạt động của các viện Khổng Tử mà họ hợp tác cùng. Hồi tháng 1, Thụy Điển đóng cửa viện Khổng Tử cuối cùng ở đại học Công nghệ Lulea trong bối cảnh những lo ngại liên quan đến Trung Quốc. Đầu tháng này, bộ trưởng giáo dục Nhật Bản Koichi Hagiuda kêu gọi các trường đại học cung cấp thông tin minh bạch hơn về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các viện Khổng Tử trong trường của họ.
Salvatore Babines, phó giáo sư đại học Sydney, cho biết các viện Khổng Tử chủ yếu gây tranh cãi vì mối liên hệ với Bắc Kinh hơn là vì hoạt động cụ thể nào đó.
“Họ đào tạo rất ít sinh viên và dường như không làm ra tiền mấy. Điều này cho thấy có thể họ chủ yếu là hoạt động chính trị chứ không phải giáo dục. Khi các trường đại học không có lời giải thích đáng tin cậy, công chúng không biết thực trạng là như thế nào để các trường muốn duy trì viện Khổng Tử”, ông nói.
Jocelyn Chey, từng là nhân viên ngoại giao Australia tại Hong Kong, không hy vọng nhiều vào tương lai của các viện Khổng Tử tại Australia khi có nghi ngại trong mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh. “Viện Khổng Tử nên được thiết lập như cơ quan độc lập bên ngoài trường đại học, giống như quỹ Nhật Bản, viện Goethe (Đức), v.v...", Chey nhận định.
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from vtc.vn.