Vì Úc, đảo quốc Nauru cự tuyệt Trung Quốc
Các nguồn tin ngày 24/6 cho biết Nauru lập kế hoạch rải đường cáp quang tới Quần đảo Solomon, cách đó khoảng 1.250 km. Tuyến cáp quang này sau đó sẽ kết nối với Hệ thống Cáp quang biển Coral, mạng lưới dài 4.700 km nối Australia với Quần đảo Solomon và Papua New Guinea.
Australia tài trợ phần lớn kinh phí xây dựng tuyến cáp quang biển Coral, tập đoàn Vocus có trụ sở tại Sydney là đơn vị thi công. Tuyến cáp quang Coral được hoàn thành năm 2019 nhằm ngăn đề xuất mang tính cạnh tranh từ Huawei Marine, nay là HMN Tech.
Các nguồn tin cho biết kế hoạch rải cáp quang mới của Nauru cần được sự đồng ý của Australia và Quần đảo Solomon. Chưa rõ Nauru có yêu cầu hỗ trợ tài chính từ Australia hay chỉ cần nước này cho phép tham gia tuyến cáp quang biển Coral.
Quốc đảo Nauru. Ảnh: Guardian.
Một nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán giữa Nauru và các nước liên quan đang ở trong "giai đoạn đầu". Nguồn tin còn lại cho biết các quan chức Nauru, Australia và Quần đảo Solomon cùng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tham gia cuộc đàm phán này.
Chính phủ Nauru, Australia và Quần đảo Solomon chưa bình luận về thông tin, trong khi đại diện ADB cho biết không tham gia đàm phán.
Quốc đảo Nauru, có mối quan hệ chặt chẽ với Australia, đã đình chỉ cuộc đấu thầu thi công cáp quang do Ngân hàng Thế giới (WB) dẫn đầu hồi đầu năm nay do lo ngại hợp đồng sẽ được trao cho HMN Tech, sau khi công ty Trung Quốc này nộp hồ sơ dự thầu với giá thấp hơn đối thủ 20%. WB cho biết Nauru đã tiếp cận với ADB để tìm giải pháp thay thế.
Nauru là nước đầu tiên bày tỏ quan ngại về gói thầu cáp quang biển của HMN Tech dành cho nước này cùng Liên bang Micronesia và Kiribati, do WB công bố năm 2020. Mỹ sau đó cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương rằng gói thầu của HMN Tech có nguy cơ làm tổn hại an ninh khu vực.
Trung Quốc bác thông tin cho rằng nước này lợi dụng hệ thống cáp quang thương mại, với khả năng truyền tải lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với vệ tinh, phục vụ cho các hoạt động gián điệp.
"Các doanh nghiệp Trung Quốc luôn duy trì thành tích tốt về an ninh mạng. Cáo buộc Trung Quốc hoạt động gián điệp là vô căn cứ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói ngày 24/6.
Quan hệ giữa Nauru và Trung Quốc trở nên căng thẳng khi quốc đảo ở trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan, trong khi Trung Quốc coi hòn đảo là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sử dụng vũ lực nếu cần.
Trong một diễn đàn của khu vực Thái Bình Dương năm 2018, tổng thống Nauru khi đó là Baron Waqa chỉ trích phái viên Trung Quốc "rất xấc xược" và là "kẻ bắt nạt" sau một cuộc tranh cãi giữa quan chức hai nước.
Hệ thống cáp quang biển tại Thái Bình Dương. Đồ họa: Reuters.
Australia tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương thông qua gói tài trợ hạ tầng trị giá 1,5 tỷ USD và cùng các thành viên khác trong nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đối phó việc Trung Quốc mở rộng lợi ích tại khu vực. Australia là một phần quan hệ đối tác ba bên với Mỹ và Nhật Bản nhằm tài trợ một tuyến cáp quang biển cho Palau, một quốc đảo Thái Bình Dương khác.
Mỹ gây sức ép lên chính phủ nhiều quốc gia để buộc họ loại Huawei và các công ty Trung Quốc khỏi hoạt động cung cấp thiết bị liên lạc nhạy cảm, cáo buộc các doanh nghiệp này có thể giao dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Giới chức và các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc bác thông tin này.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước khẳng định các công ty nước này "có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an ninh mạng" và họ cần được "tham gia vào một môi trường kinh doanh không phân biệt đối xử".
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from vnexpress.net.