Vị trí địa lý và yếu tố lịch sử là nguyên nhân hàng đầu khiến Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật

12:04' 31-08-2017
Vị trí địa lý và yếu tố lịch sử là nguyên nhân hàng đầu khiến Triều Tiên quyết định phóng tên lửa Hwasong-12 qua Nhật Bản.

Triều Tiên sáng 29/8 phóng một tên lửa đạn đạo Hwasong-12 lên độ cao tối đa khoảng 550 km, bay xa hơn 2.700 km và băng ngang qua bầu trời Nhật Bản trước khi rơi xuống bắc Thái Bình Dương. Các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến Bình Nhưỡng áp dụng quỹ đạo phóng này, trong đó bao gồm những yếu tố về địa lý và lịch sử, theo AFP.

Vị trí địa lý

Vị trí địa lý luôn là yếu tố lớn trong các xung đột địa chính trị trên thế giới. Lãnh thổ Nhật Bản là chuỗi quần đảo kéo dài ngoài khơi phía đông bắc lục địa châu Á. Các quốc gia ở Đông Á muốn bắn tên lửa tầm trung hoặc tầm xa về phía Thái Bình Dương đều phải vượt qua nước này.

Cách đây vài tuần, Triều Tiên từng đe dọa phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ cách Triều Tiên khoảng 3.500 km. Theo kế hoạch này, 4 tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên sẽ bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống vùng biển cách Guam 30-40 km. Kế hoạch này sau đó đã bị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoãn lại.

Các chuyên gia phân tích cho rằng với việc phóng tên lửa Hwasong-12 qua Nhật Bản xuống Thái Bình Dương, Triều Tiên muốn cho thế giới thấy rằng họ hoàn toàn có khả năng thực hiện lời đe dọa của mình.

Vụ phóng Hwasong-12 có thể là hành động răn đe Mỹ. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Việc phóng tên lửa qua Nhật Bản cũng giúp Triều Tiên tránh được nguy cơ gây ra xung đột quân sự với Mỹ hoặc khiến tình hình vượt tầm kiểm soát. Hiến pháp Nhật Bản cấm nước này sử dụng sức mạnh quân sự trong giải quyết tranh chấp quốc tế, điều này hạn chế nguy cơ Tokyo tiến hành đòn đáp trả quân sự sau vụ thử tên lửa.

Vụ thử tên lửa Hwasong-12 giúp Triều Tiên thể hiện khả năng tấn công Guam khi cần thiết, đồng thời đe dọa một đồng minh lớn của Mỹ, cũng là quốc gia có nhiều căn cứ quân sự và hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đóng quân.

"Nó cũng là thông điệp cho thấy Nhật Bản sẽ nằm trong tầm ngắm nếu chiến tranh nổ ra", giáo sư Koh Yu-Hwan tại đại học Dongguk, Hàn Quốc nhận định.

Yếu tố lịch sử

Một lý do khác khiến Nhật Bản nằm trên đường bay tên lửa Triều Tiên bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong lịch sử giữa hai quốc gia. Quả đạn được phóng vào thời điểm kỷ niệm 107 năm ngày ký kết hiệp ước Nhật - Triều năm 1910, đánh dấu thời điểm Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên.

Quân đội đế quốc Nhật trong Thế chiến II đã bắt hàng nghìn phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục, hành động gây căng thẳng trong quan hệ giữa Tokyo với cả Bình Nhưỡng và Seoul ngày nay. Quá trình đô hộ bán đảo Triều Tiên chỉ kết thúc khi Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh vào tháng 8/1945.

"Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tìm ra cách đáp trả mối thù từ lâu của người Triều Tiên bằng một kế hoạch táo bạo, khiến Nhật Bản sững sờ vào ngày 29/8", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin. Vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản có thể chính là hành động đáp trả về mặt tinh thần của Triều Tiên cho "mối hận lịch sử" này.

Giải pháp đối phó của Nhật Bản

Tokyo gần như đã sử dụng hết các lựa chọn ngoại giao đối với Bình Nhưỡng, sau khi các lệnh trừng phạt nhắm vào quốc gia này dường như không phát huy hiệu quả. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến kêu gọi Liên Hợp Quốc tiếp tục gia tăng áp lực lên Triều Tiên bằng nhiều lệnh cấm vận mới, nhưng giới phân tích cho rằng hành động này sẽ không mang lại nhiều thay đổi.

Vụ phóng tên lửa Hwasong-12 có thể giúp Nhật có lý do tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm cả việc triển khai lá chắn Aegis mặt đất (Aegis Ashore) để hỗ trợ các tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis. Bên cạnh đó, Tokyo có thể xem xét khả năng nâng cấp mạng lưới vệ tinh cảnh báo sớm.

Nhật có thêm lý do để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa. Ảnh: Reuters.

Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng vụ phóng tên lửa hôm 29/8 có thể là chất xúc tác thúc đẩy Tokyo phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe Bình Nhưỡng. Các chuyên gia cho rằng trong trường hợp bị dồn ép, Tokyo hoàn toàn đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân và thay đổi toàn bộ cục diện chiến lược tại khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung.

Tuy nhiên, viễn cảnh Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân là rất xa vời, thậm chí sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt từ chính người dân nước này.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?

Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/tinh-toan-cua-trieu-tien-khi-phong-ten-lua-qua-lanh-tho-nhat-3634866.html