Vì sao giới khoa học lo ngại về biến chủng Mu?
Vào tháng 8, 7 người cao tuổi trong một viện dưỡng lão ở Mỹ đã tử vong vì Covid-19. Họ đều đã được tiêm vaccine Covid-19 và điều đặc biệt là giải trình tự gene có điểm chung - nhiễm biến chủng Mu (tên khoa học là B.1.6.21).
Sự lây lan của Mu trên thế giới đã đặt ra câu hỏi liệu biến chủng này có gây ra mối đe dọa mới, thậm chí lớn hơn Delta đang hoành hành hay không. Cho đến nay, giới khoa học chưa có câu trả lời chính xác, song, họ không ngừng hoài nghi và lo lắng trước biến chủng này.
Mu đang lan rộng toàn cầu nhưng chưa phổ biến
Theo Business Insider, Mu mang nhiều đột biến ưu thế, giúp nó có thể tránh được kháng thể từ vaccine. Tuy nhiên, theo thời gian, tỷ lệ người nhiễm chủng này đang có xu hướng giảm. Trên toàn cầu, các ca nhiễm chủng Mu đạt đỉnh vào tháng 7 với 0,6% F0 bị chủng này tấn công.
Hiện tại, theo dữ liệu từ GISAID, website chuyên theo dõi các biến chủng Covid-19, biến chủng Mu chỉ còn chiếm 0,1% ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Thống kê cho thấy 48 quốc gia ghi nhận F0 nhiễm biến chủng Mu trong năm nay. Song, chỉ 10 khu vực phát hiện chủng này vào tháng trước.
|
Nhân viên y tế ở sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho du khách nhập cảnh ngày 23/11/2020. Ảnh: Allen J. Schaben/Los Angeles Times. |
Biến chủng Mu xuất hiện lần đầu tiên tại Colombia vào đầu tháng 1. Theo GISAID, hầu hết F0 mới phát hiện ở Colombia vào tháng trước đều nhiễm chủng này, cho thấy sự phổ biến của nó tại đây.
Mỹ, Mexico, Anh và một số quốc gia châu Âu như Bỉ, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha cũng đã ghi nhận các F0 nhiễm chủng B.1.6.21 trong 4 tuần qua. Điều này không chứng minh biến chủng Mu sẽ lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu.
Tại Mỹ, 49/50 tiểu bang đã có người nhiễm biến chủng, nhưng tỷ lệ dưới 0,2%. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết: “Chúng tôi không coi đó là mối đe dọa ngay bây giờ”.
Mu có thể không dễ lây lan như Delta
Ngày 30/8, WHO bổ sung Mu vào danh sách biến chủng Covid-19 cần quan tâm, theo dõi (VOI). Thuật ngữ này áp dụng cho các biến chủng nguy cơ gây ra làn sóng lây nhiễm đáng kể trong cộng đồng hoặc tạo ra những thay đổi di truyền có thể thay đổi cách thức hoạt động của virus. Các nhà khoa của WHO lo ngại vì MU đã lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ kể từ tháng 5.
Theo báo cáo dịch tễ của WHO, biến chủng Mu được xếp vào nhóm cần theo dõi vì “có một vài đột biến có thể có khả năng vượt qua hệ miễn dịch, giống như hiện tượng xảy ra với biến chủng Beta” và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Song, tỷ lệ phổ biến của biến chủng này trong các ca bệnh tại Nam Mỹ đang có xu hướng giảm mạnh. Đỉnh điểm, vào giữa tháng 7, khoảng 5% F0 mới nhiễm biến chủng Mu. Hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 3%.
Trong một nghiên cứu đang chờ phản biến, các chuyên gia ở Colombia ước tính Mu có khả năng lây lan cao hơn 1,2 lần so với biến chủng gốc. Điều này từng xuất hiện ở Delta (cao gấp 2 lần chủng gốc) và mang lại lợi thế lây lan cho nó. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đây chưa phải yếu tố khiến Mu trở nên đáng lo, ít nhất là dựa trên tốc độ lây nhiễm hiện tại của nó.
|
Một phụ nữ đeo khẩu trang và tấm chắn đang chờ được tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng Bicentanerio, Quito, Ecuador, ngày 8/7. Ảnh: Franklin Jacome/Agencia Press South. |
Nguy cơ kháng vaccine Covid-19 gây lo ngại
Theo AP, Mu mang những đột biến rất quan trọng trong mã di truyền của protein. Đây là cơ sở để nCoV xâm nhập tế bào người. Những đột biến này có thể giúp biến chủng chống lại các kháng thể tạo ra từ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 9/9 cho biết Mu có thể là biến chủng đáng lo ngại dù đến nay chưa có dữ liệu cho thấy nó có khả năng vượt biến chủng Delta. “Biến chủng Mu có thể đáng lo ngại hơn bởi có khả năng cao tránh được miễn dịch”, đại diện của EMA cho hay.
Ngày 13/8, trên tạp chí The Lancet, nhóm chuyên gia tại Anh, nhấn mạnh sự hiện diện của những đột biến có thể khiến Mu trở thành biến chủng đáng quan ngại (VOC) - cấp độ cảnh báo cao hơn hiện tại.
Theo Medical News, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản cũng cảnh báo biến chủng Mu có nguy cơ chống lại sự trung hòa từ huyết thanh người khỏi bệnh hoặc đã tiêm chủng vaccine Pfizer. Công trình được đăng tải trên bioRxiv và đang chờ phản biện.
Khả năng này của Mu được nhóm đánh giá là lớn hơn tất cả biến chủng đáng quan ngại (VOCs) hoặc đáng chú ý (VOIs) khác mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp loại. Thậm chí, nguy cơ kháng vaccine của Mu còn vượt biến chủng Beta (B.1.351, lần đầu được phát hiện ở Nam Phi) vốn được xem là có khả năng vô hiệu hóa vaccine, miễn dịch cao nhất hiện nay.
Các chuyên gia tại Nhật Bản cũng lý giải hiện tượng này xảy ra có thể do nhiều loại đột biến mà Mu có được. Hiện nay, Mu có 8 đột biến chủ yếu là T95I, YY144-145TSN, R346K, E484K, N501Y, D614G, P681H và D950N.
Trong số này, nhiều đột biến từng được tìm thấy ở những biến chủng đáng quan ngại như E484K (cùng xuất hiện ở biến chủng Beta, Gamma), N501Y, P681H (có trong trình tự gene của Alpha) và D950N (đột biến của Delta). Đặc biệt, E484K đã được chứng minh làm giảm độ nhạy với các kháng thể và kháng miễn dịch từ vaccine.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Italy phản biện vaccine Pfizer vẫn vô hiệu hóa được biến chủng Mu, dù khả năng thấp hơn so với chủng gốc. Nghiên cứu của họ đăng tải trên tạp chí Medical Virology cuối tháng 7 và kết luận B.1.6.21 “không phải là mối quan tâm về hiệu quả của vaccine”.
Việc biến chủng Mu xuất hiện theo giới chuyên gia là điều dễ hiểu. Giáo sư Andrew Read, Đại học bang Pennsylvania, trả lời phỏng vấn của Business Insider: “Bản thân virus đang thay đổi kiểu hình và có thể lây nhiễm mạnh hơn, thích nghi với các phác đồ điều trị bằng thuốc. Điều chúng tôi hy vọng là nó nhanh chóng đạt đỉnh trong thời gian ngắn và dần suy yếu”.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/vi-sao-gioi-khoa-hoc-lo-ngai-ve-bien-chung-mu-post1261691.html