Vì sao đồ ăn Thái Lan thường có vị cay
Tuy là món châu Á, thực chất đồ ăn Thái Lan pha trộn ẩm thực phương Đông và Tây, tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa các vị ngọt, chua, đắng, mặn và cay. Trong đó, vị cay luôn nổi trội và được xem là đặc trưng ẩm thực xứ Chùa Vàng. Một trong những nguyên nhân chính khiến người Thái thích dùng gia vị cay bởi chúng có thể giúp thực phẩm tươi ngon lâu giữa thời tiết nóng, ẩm của khu vực nhiệt đới. Đây cũng là lý do các nước gần đường xích đạo thường chuộng món cay.
Người Thái sử dụng nhiều loại gia vị, thảo mộc tạo vị cay, gây cảm giác châm chích trong miệng. Phổ biến nhất là ớt, gừng, tỏi và hạt tiêu. Ớt chứa chất capsaicin gây cảm giác nóng, cay dữ dội trên lưỡi. Vị cay của gừng là do chất ginerol. Khi cắt hoặc cắn tỏi sẽ sinh ra allicin. Gừng và tỏi tạo cảm giác bỏng rát trong xoang, đặc biệt khi ăn sống. Hạt tiêu đen chứa một hợp chất hóa học gọi là piperine, gây cảm giác cay, buốt trên lưỡi và trong mũi. Vì thế, những loại gia vị này gây ra cảm giác đau đớn. Tuy nhiên, cảm giác đau trên lưỡi khiến não tiết ra endorphin và dopamine - những chất giúp giảm đau và mang lại cảm giác sảng khoái. Do vậy, người "nghiện" ăn cay sẽ cảm thấy món ăn kém hấp dẫn nếu thiếu ớt, tiêu...
Bên cạnh đó, gia vị cay không chỉ góp phần tăng hương vị món ăn mà còn có lợi cho hệ tiêu hóa như giảm ký sinh trùng và vi khuẩn đường ruột. Khi ăn món cay, máu sẽ dễ dàng lưu thông, làm giãn nở các mao mạch dưới da, khiến bạn đổ mồ hôi, giúp giải tỏa nhiệt từ bên trong, nhằm điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Điều này rất quan trọng với sức khỏe của người sống tại vùng nhiệt đới.
Khao Pad Nam Prik Narok là cơm chiên với tỏi, đường thốt nốt, mắm tôm, ớt - một trong những món cay người Thái yêu thích. Ảnh: truetasteofthai
Một số lợi ích sức khỏe khác của thức ăn cay như hoạt chất trong ớt tốt cho hệ hô hấp. Nó đã được chứng minh là làm giảm huyết áp, cholesterol và hoạt động như một chất chống viêm.
Gừng là một phương thuốc Đông y, thường được dùng trị chứng đau bụng, buồn nôn, say tàu xe... Nó hỗ trợ tiêu hóa, giảm viêm và có tác dụng chống oxy hóa. Người Thái thường cắt hạt lựu hay nghiền nát gừng, vắt lấy nước cốt. Gừng thái mỏng, ngâm với đường làm trà thảo mộc.
Tỏi được sử dụng điều trị các tình trạng liên quan tim và hệ tuần hoàn như cholesterol, huyết áp cao. Nó cũng hỗ trợ hệ tiêu hóa và miễn dịch. Tép tỏi thường được nghiền nát hoặc cắt lát trước khi cho vào món ăn.
Hạt tiêu đen xay giúp giảm chứng đầy hơi đường ruột và có đặc tính thúc đẩy bài tiết mồ hôi, lợi tiểu. Khi ăn, nó làm dạ dày tiết ra axit clohydric cần thiết cho quá trình tiêu hóa.
Ngoài ra, các loại thảo mộc cũng đóng vai trò quan trọng trong các món Thái. Họ thích sử dụng các loại thảo mộc khô và gia vị tươi như bạc hà, húng quế, sả... mang lại hương thơm nồng, tạo nét riêng.
Pad Prik - món ăn ’bốc lửa’ - bao gồm các nguyên liệu như: thịt lợn, thịt bò hoặc cá nấu với các loại rau như hành, ớt, húng quế và ớt chuông. Ảnh: eatingthaifood
Độ cay của món Thái đa dạng, thay đổi theo vùng miền, phân chia rõ rệt thành món miền Nam, Bắc, Đông Bắc và Trung. Các món ăn khu vực Bắc Thái Lan có vị cay nhẹ do ảnh hưởng của Trung Quốc và Myanmar. Càng xuống phía Nam, độ cay càng tăng. Ẩm thực phía Tây Nam vừa cay, vừa nhiều nước cốt dừa, vị béo đậm hơn những vùng khác, có nét tương đồng với món ăn của người Indonesia và Malaysia.
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3386458