Vệ tinh 200 triệu USD để săn "anh em" của Trái đất
Tess được phóng đi với sứ mệnh mới săn tìm ngoại hành tinh. Ảnh: Nasa
Sau bước chuẩn bị cuối cùng cuối tuần trước, vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh mới nhất của Nasa sẽ bay vào không gian lúc 18h32 (giờ địa phương) tức 8h32 ngày 17-4 (giờ Việt Nam) từ căn cứ Cape Canaveral, Florida, Mỹ.
Trị giá 200 triệu USD, kính viễn vọng vũ trụ Tess là phi vụ đầu tiên của NASA sử dụng tên lửa Falcon 9 do công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk chế tạo. Nếu quá trình phóng thuận lợi, Tess sẽ được đưa lên quỹ đạo hình elip quanh Trái Đất.
Tiếp đó, kính viễn vọng vũ trụ sẽ bay xa ngang với Mặt Trăng để tìm kiếm ngoại hành tinh, sau đó quay lại gần Trái Đất để truyền dữ liệu. Mỗi vòng quỹ đạo kéo dài gần 14 ngày.
"Phóng tàu vào vũ trụ luôn có rủi ro, nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ sẵn sàng hoạt động tốt khi lên tới quỹ đạo" - Stephen Rinehart, nhà khoa học làm việc trong dự án Tess tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland, cho biết.
Được biết, Tess là thế hệ tiếp nối kính viễn vọng không gian Kepler, kính viễn vọng đầu tiên mang sứ mệnh tìm kiếm ngoại hành tinh được Nasa phóng đi từ năm 2009. Tuy nhiên, Kepler giờ đã già cỗi, còn ít nhiên liệu và sắp ngừng hoạt động.
Khoảnh khắc Falcon 9 đưa Tess vào không gian. Ảnh: Space X
Trước đó, nhờ vào những dữ liệu thu được của Kepler, các nhà thiên văn học đã phát hiện được rằng Dải Ngân hà có ít nhất 2 tỷ hành tinh có thể sinh sống được trong điều kiện không quá nóng hoặc quá lạnh, và có những yếu tố cơ bản cho sự sống. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế nên Kepler chỉ quan sát được một phần bầu trời và kết quả những ngôi sao do nó gửi về khá mờ nhạt và không rõ ràng.
Giờ đây, khi gử Tess vào không gian, Nasa đang đặt tham vọng lớn hơn. Mục tiêu của nó là chỉ trong hai năm sẽ quét được 200.000 ngôi sao sáng nhất cách xa chúng ta không quá 300 năm ánh sáng. Được trang bị 4 camera tân tiến, Tess sẽ quét một khu vực lớn gấp 350 lần, bao gồm 85% bầu trời chứ không phải là một phần nhỏ trước đây như Kepler.
"Trung bình, các ngôi sao mà Tess quan sát sáng hơn 30-100 lần và gần hơn 10 lần so với các ngôi sao mà Kepler theo dõi"-Jenn Burt từ Đại học Massachusetts cho biết.
Từ những dữ liệu do Tess gửi về, một nhóm nghiên cứu ở trái đất sẽ xác nhận khối lượng, mật độ, tuổi của các hành tinh, và thậm chí có thể là những khí nào trong bầu khí quyển của hành tinh mới mà họ tìm thấy. Từ đó, tạo dữ liệu để tập trung nghiên cứu những hành tinh có yếu tố khả quan và tiếp tục theo dõi chúng bằng các đài thiên văn trên mặt đất và thông qua kính viễn vọng không gian James Webbs dự kiến phóng năm 2020.
Cận cảnh kính viễn vọng Tess vừa được Nasa phóng lên vũ trụ. Ảnh: Nasa
Chưa kể, đến năm 2028 Cơ quan Vũ trụ Châu Âu dự định phóng Ariel nhằm nghiên cứu bầu khí quyển của hơn 1.000 hành tinh có kích thước lớn tương đương sao Mộc trở lên, và chắc chắn những dữ liệu mà Tess mang lại sẽ cung cấp rất nhiều thông tin đáng giá cho Ariel.
Tuy nhiên, trước mắt là Tess phải đạt được quỹ đạo như các nhà khoa học mong muốn đã. Nếu chiếc Falcon 9 thả kính viễn vọng không gian vào đúng quỹ đạo, các nhà khoa học sẽ dành 60 ngày để chạy các hệ thống cảm biến, hiệu chỉnh máy ảnh và chỉnh sửa bất kỳ lỗi nào. Các đợt dữ liệu đầu tiên dự kiến sẽ đổ bộ vào tháng Sáu, nhưng để đưa ra những kết quả đầu tiên do Tess gửi về, các nhà nghiên cứu sẽ phải mất thêm vài tháng để xử lý số dữ liệu trên.
Theo Jeff Volosin, người chỉ đạo dự án Tess từ Trung tâm Vũ trụ Goddard của Nasa, bằng cách tập trung vào các hành tinh cách Trái Đất hàng chục đến hàng trăm năm ánh sáng, Tess sẽ là bước đệm cho đột phá trong khám phá không gian.
"Hy vọng rằng một ngày nào đó, trong những thập kỷ tới, chúng ta có thể xác định được tiềm năng tồn tại của cuộc sống bên ngoài Hệ Mặt Trời", Volosin nói.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2141084