Về muộn nên mua toàn đồ ăn sẵn, chồng vừa nhìn thấy đã ném bát, tôi hất cả mâm khiến anh sửng sốt không nói nên lời
Xưa nay mọi người vẫn ra rả rằng phụ nữ phải tự chủ về kinh tế thì mới có tiếng nói trong gia đình, càng ngẫm tôi càng thấy đúng. Bởi cuộc hôn nhân của tôi đúng là vì vấn đề này mà trở nên rạn nứt...
Tôi yêu Vũ 2 năm, sau đó về chung một nhà. Phải nói một chút về tính cách của anh, dù hơi gia trưởng nhưng lại cực yêu chiều, chăm sóc người yêu và coi trọng gia đình. Dạo tôi mới yêu Vũ, anh không bao giờ quan tâm nửa đêm hay sáng sớm, chỉ cần tôi cần anh sẽ lập tức có mặt.
Mà lúc ấy anh còn đang đi làm rồi chứ không phải dạng thất nghiệp, lông bông đâu. Thu nhập cũng rất ổn. Đấy, là con gái, có một người vì mình mà hy sinh như thế tôi nào cần gì nhiều hơn? Tới khi bố mẹ 2 bên giục cưới tôi cũng ỏn ẻn nhìn ảnh cười cười, rồi chủ động bảo: "Mình cưới nhau đi anh!"
Khi về chung 1 nhà, tôi thấy Vũ có chiều hướng đi xuống 1 chút. Anh dành thời gian cho bạn bè và công việc nhiều hơn. Thành ra, việc cơm nước một tay tôi lo cả. May anh vẫn còn biết ăn xong rửa bát, tối vợ dọn nhà thì Vũ đi vào phòng tìm quần áo bẩn, vò qua và bỏ máy giặt. Dù không toàn màu hồng như khi yêu, nhưng tôi vẫn tạm hài lòng.
Nhưng tới khi sinh con gái đầu lòng, mối quan hệ giữa 2 vợ chồng lạnh nhạt thêm 1 chút. Cảm giác anh cũng không chăm sóc tôi nhiều như khi xưa. Nhìn lại bản thân mình trong gương, có lúc tôi buồn bã tự hỏi: "Có phải do mình xấu quá rồi không?"
Và đỉnh điểm là tới khi tôi sinh bé thứ 2, lúc đó là tròn 4 năm chung sống. Chả là thằng bé bị sinh non 2 tháng, lại thai yếu nên phải nuôi lồng kính mãi. Nhiều lúc tôi ngồi 1 mình mà nước mắt cứ rơi lã chã, tưởng con sẽ không qua khỏi được chứ! May mắn, trời phật phù hộ cho thằng bé được làm con của tôi.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nuôi cu Bi lại rất vất vả. Thằng bé thường xuyên đau ốm, quấy khóc. Dù đã hết 6 tháng nghỉ thai sản, tôi vẫn không đành lòng đi làm vì con quá nhỏ, quá yếu. Thế là nghe lời Vũ, tôi nghỉ việc ở nhà chăm con.
Kể từ khi tôi ở nhà, Vũ là trụ cột kinh tế của gia đình. Anh cũng không chuyển hết lương cho tôi như trước nữa mà chỉ đưa khoảng 50%. Thực ra, cầm 15 - 17 triệu tôi vẫn đủ chi tiêu, chỉ là cảm thấy buồn khi chồng không coi trọng nữa. Đặc biệt, tháng nào mà con bị ốm, phải đi viện, tôi hết tiền nên xin thêm thì Vũ chửi tôi không ra gì: "Cô đem tiền đi đâu, giấu giếm cho ngoại hay làm quỹ đen. Nhà này 1 mình tôi gánh vác, cô phải biết chi tiêu sao cho tiết kiệm chút chứ, 1 tháng bao nhiêu tiền cũng hết có mà vắt kiệt sức thằng này!"
Rồi anh đay nghiến tôi loại ăn bám, đẻ con, nuôi con không xong. Vũ còn dùng những từ thô bỉ hơn để mắng chửi tôi. Nhưng tôi cũng chỉ phản pháo vài câu, rồi tiếng nói bị những cơn nấc nghẹn nuốt chửng.
Suốt gần 2 năm trời như thế, hiếm hoi lắm Vũ mới ngọt ngào và nuông chiều tôi. Còn lại, cứ 3 ngày 1 trận nhẹ, 5 ngày 1 trận nặng, chúng tôi cãi vã vô hồi...
Cuộc sống như địa ngục ấy chỉ giảm bớt khi tôi kinh doanh online và phụ giúp Vũ 1 phần gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, tới khi con trai tròn 3 tuổi, cứng cáp hơn nhiều thì tôi quyết định sẽ quay trở lại với công việc hành chính. Bởi tôi quá là chán ghét cuộc sống quẩn quanh xó bếp.
Vũ chẳng đồng tình, chẳng phản đối. Anh chỉ bảo: "Em làm gì thì làm, đảm bảo cho 2 con và cơm nước là được!"
Nghe thật vô lý nhưng tôi chẳng buồn cãi. Nhưng may mắn, khi tôi quay trở lại công việc thì bắt nhịp khá nhanh, do đó mức thu nhập của tôi cũng ổn. Và tôi dần dần không còn cảm giác sợ hãi, càng không muốn nhịn nhục khi bị Vũ mắng chửi vô cớ nữa.
Một tối mọ, tôi được báo có việc cần phải xử lý. Tôi gọi cho Vũ nhờ anh đón con, nhưng anh vẫn khăng khăng tôi phải cố về sớm nấu nướng. Tôi ừ đại.
Mãi 8h tối, tôi mới tan làm nên mua tạm 1 con vịt quay, ít nộm sứa và thêm cả dưa góp. Định bụng sẽ về chuẩn bị thêm bát canh rau là tạm ổn. Ấy thế mà mâm cơm tối được bày ra lúc 9h, Vũ nhìn thấy đã đập bát xuống quát mắng tôi: "Cô đi làm được mấy đồng bạc mà đòi tăng ca? Rồi cho chồng ăn uống thất thường như thế này? Cô chỉ nấu được như vậy thì tôi cũng làm được, khỏi cần! Con thì không đón, lại hành chồng."
Thấy anh quá vô lý, tôi tức quá lập tức hất cả mâm xuống. Vũ sửng sốt, còn tôi cố bình tĩnh để nói: "Nghe đây, lương tôi cao hơn con số anh đưa mỗi tháng. Trước giờ không có anh, tôi vẫn đón con. Mới có 1 hôm, anh đã gào lên kể công. Còn cơm nước, nhà người ta vợ bận chồng làm thay chẳng sao, còn anh cứ cố tình làm khó rồi bây giờ còn đập bát đũa. Anh không ăn thì đừng."
Suốt vài năm trời, có lẽ chưa bao giờ Vũ chứng kiến tôi dám hành động táo bạo như thế. Anh ta không thốt lên lời, cứ ú ớ trong miệng. Còn tôi ra bế 2 con rồi đưa chúng ra ngoài ăn tiệm. Đây mới chỉ là bắt đầu, tôi sẽ cho anh ta thấy tôi không cần anh ta vẫn sống tốt, hoàn toàn không phải ăn bám.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/ve-muon-nen-mua-toan-do-an-san-cho-bua-toi-chong-vua-nhin-thay-da-nem-bat-toi-dap-ca-mam-khien-anh-ta-sung-sot-2019110419234734.chn