Về Chợ Gạo trải nghiệm một ngày tự tay làm chocolate

05:00' 29-09-2020
Nằm nép mình bên dòng Mekong, cách TP.HCM chừng 80 km, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thu hút du khách nhờ trải nghiệm thăm vườn cacao, tự tay hoàn thành công đoạn làm nên chocolate.

Cuối tuần, nhóm bạn rủ rê tôi về Chợ Gạo trải nghiệm quy trình làm chocolate từ cacao. Vốn yêu thích hương vị đặc biệt của món ăn này, tôi đồng ý ngay và tò mò không biết chocolate được tạo nên như thế nào.

Sau hơn 2 giờ lái xe máy từ TP.HCM, tôi cũng đến nơi. Con đường dẫn vào vườn một bên là đồng lúa xanh, một bên là hàng dừa rủ bóng nghiêng che.

Nhắc đến Tiền Giang, người ta hay nhớ về Chợ nổi Cái Bè nhộn nhịp hay bãi biển Tân Thành độc lạ, Chợ Gạo là cái tên còn khá xa lạ trên bản đồ du lịch Việt Nam. Không chỉ có lúa, có dừa hay thanh long, vùng đất này còn cất giấu vẻ đẹp tiềm ẩn của những vườn cacao gắn bó với người nông dân hàng thập kỷ.

Thăm vườn cacao gần 20 năm tuổi

Vườn cacao mà chúng tôi ghé thăm được trồng từ những năm 2000. Hương vị loại quả trên đất đai thổ nhưỡng sông Mekong, với nguồn phù sa dồi dào có phần độc đáo, khá lạ so với các vùng trên thế giới.

Thời gian đầu, hạt cacao Việt Nam thường được xuất khẩu làm nguyên liệu cho những thương hiệu chocolate nổi tiếng thế giới. Nhận thấy tiềm năng, một xưởng sản xuất chocolate được xây dựng trên chính mảnh đất trồng cacao.

Nhiều khách hàng tìm đến mua rồi thắc mắc quy trình làm ra thỏi chocolate, chị Ngọc Điệp chủ vườn nghĩ cách để các khâu sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng.

Du khách tham quan, chụp ảnh tại vườn cacao.

Anh Hoài Vũ, người hướng dẫn tham quan vườn cacao, đón chúng tôi ở cổng. Sau khi nhận nón lá, nhóm đến khu vực nghỉ ngơi và nghe giới thiệu về đặc điểm giống cây, quy trình sản xuất chocolate truyền thống.

Mùa thu hoạch cacao rơi vào khoảng tháng 4-5 và đầu tháng 10-12. Nếu may mắn đi đúng dịp này, du khách có thể tự mình cắt trái chín mọng từ cây. Chúng tôi được anh Vũ mời dùng thử cacao hiếm hoi chín trái mùa. Với vị chua nhẹ vốn có, người miền Tây thường dùng loại trái cây này làm sinh tố giải nhiệt ngày hè.

Chúng tôi đập trái cacao chín xuống đất để tách lớp vỏ.

Con đường đất nhỏ dẫn chúng tôi xuyên qua khu vườn cacao gần 20 năm tuổi và rộng 2 ha. Do cacao thích hợp với bóng râm nên việc trồng xen canh với dừa, chuối mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh cách phân loại theo giống, một số cây cacao ở đây được đặt tên Hạnh Phúc, May Mắn đến Tình Yêu...

Khi tôi thắc mắc về những chiếc bẫy dày đặc giăng trên cây, anh Vũ cho biết đây là cách người dân ngăn sóc, chuột phá hoại mùa màng. Gần thu hoạch, nhiều trái cacao sắp chín bị sóc cắn phá, đục khoét rụng la liệt dưới đất.

Cây cacao trồng xen chuối, dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trải nghiệm tự tay sản xuất chocolate

Tiếp đó, chúng tôi được anh Vũ đưa đi tham quan xưởng sản xuất chocolate. Việc tận mắt chứng kiến hành trình những hạt cacao thô cứng được sàn lọc, ép cẩn thận thành chocolate màu đen huyền óng ánh khiến tôi phấn khích.

Trong quy trình chế biến này, khâu rang hạt giữ vai trò quan trọng. Nhiệt độ và thời gian rang phải đạt tiêu chuẩn để thành phẩm có vị thơm, ngậy theo như mong muốn. Hạt cacao thường được rang ở nhiệt độ 140-150 độ C trong 15-20 phút. Sau đó, công nhân đập vỡ hạt cacao bằng máy tách vỏ và các dụng cụ chuyên dụng.

Thành phẩm sau khi tách vỏ, đập nhỏ hạt cacao.

Hệ thống máy móc bố trí trong xưởng phù hợp với các khâu chế biến khác nhau. Tùy theo từng loại mà cacao sẽ nghiền chung với đường, sữa hay hạt cà phê, bột quế, cốt dừa.

Phòng trưng bày là địa điểm tiếp theo chúng tôi đến. Nơi đây có nhiều loại chocolate từ nguyên chất 100%, pha sữa, matcha đến hương vị lạ lần đầu tôi được biết như ớt, tiêu. Người hướng dẫn nói, chocolate sản xuất từ vùng sông Mekong phải có vị chua nhẹ đặc trưng.

Sản phẩm được đựng trong hộp đủ màu sắc, du khách có thể mua với giá từ 100.000-500.000 đồng.

Loại chocolate có vị chua nhẹ, nhân sốt trái cây.

Lúc này đã là 12h, chúng tôi tranh thủ dùng bữa trưa tại vườn. Vé tham quan 250.000 đồng/người, đã bao gồm suất ăn. Bữa ăn gồm gỏi cuốn và bánh xèo tôm sông đặc trưng miền Tây. Là người miền Trung, tôi ít khi được thưởng thức bánh xèo với kích cỡ lớn như vậy, chấm với nước mắm chua ngọt ngon đúng vị nhưng dễ ngán.

Du khách có thể dùng bữa trong vườn cacao với mức giá 50.000 đồng/người.

Cái nắng oi bức giữa trưa không làm gián đoạn niềm vui được đến vùng đất lạ, với những trải nghiệm lần đầu. Khoảng một giờ nghỉ ngơi, trò chuyện, chúng tôi đến căn phòng sản xuất chocolate.

Khi bắt tay vào làm khâu rót chocolate, tôi nhận ra công việc này không đơn giản như những gì mình nghĩ. Tôi loay hoay và mất nhiều thời gian vì chất lỏng tràn ra ngoài quá nhiều. Dù trước đó, anh Vũ đã hướng dẫn cặn kẽ từng bước một, nhấp chân nhẹ trên bàn đạp và rót vừa đủ lượng chocolate vào khuôn.

Quy trình để chocolate lỏng thành khối đặc.

Sau khi đặt trong tủ mát chừng 20 phút để chocolate cứng lại, chính tay tôi đóng sản phẩm mình vừa làm. Giấy gói cứng và dễ nhăn nên đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ của người thực hiện. Du khách có thể mang thanh chocolate nhỏ này về làm quà.

Thời gian còn lại, tôi cùng nhóm bạn dạo chơi và check-in xung quanh. Các em nhỏ đi theo gia đình hào hứng với hoạt động bắt cá dưới ao. Chúng tôi rời vườn cacao lúc 16h và bắt đầu hành trình trở về TP.HCM.

Con đường quê bình yên, một bên ruộng lúa, bên kia hàng dừa tiễn chúng tôi ra về.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Catholic Regional College Sydenham Vùng: Sydenham. Phone: 9361 0000
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/mot-ngay-ve-mien-tay-hoc-lam-chocolate-post1127084.html