Văn hóa 'nhanh nhanh' thúc đẩy người Hàn chóng vánh luận tội Tổng thống
Đêm 3/12, ngay sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật trên truyền hình, hàng loạt nghị sĩ, trợ lý lập tức tìm cách đến quốc hội để bỏ phiếu thông qua nghị quyết bãi bỏ, bất chấp sự cản trở từ quân đội. Đêm hỗn loạn kết thúc trong khoảng 6 giờ.
Ngay sau khi binh lính rút đi, phe đối lập nhanh chóng khởi động nỗ lực trừng phạt ông Yoon, trình kiến nghị luận tội Tổng thống ngay hôm sau. Trên đường phố, hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra, kêu gọi ông Yoon từ chức. Sau 11 ngày, phe đối lập đã thành công trong lần bỏ phiếu luận tội thứ hai, khiến ông Yoon bị đình chỉ chức vụ và đối mặt nguy cơ bị phế truất.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu từ văn phòng ở Yongsan ngày 14/12. Ảnh: Yonhap
Theo giới quan sát, việc ông Yoon bị luận tội và tước bỏ quyền lực chỉ trong chưa đầy hai tuần phần nào phản ánh văn hóa palipali, tức "nhanh nhanh", trong mọi vấn đề ở Hàn Quốc.
Văn hóa "nhanh nhanh" bắt nguồn từ quá trình công nghiệp hóa gấp rút từ thập niên 1960, biến Hàn Quốc từ một nước nghèo, bình lặng thành nền kinh tế hàng đầu khu vực Đông Bắc Á. Nỗ lực thúc đẩy kinh tế đã hình thành nên văn hóa làm mọi việc một cách nhanh chóng, thậm chí là nóng vội, ở Hàn Quốc, khiến người dân nước này coi nó như một động lực để phát triển.
Trên đường phố, người dân thường xuyên hối hả lên xe buýt, tàu điện đi làm, đi học, các bữa ăn trưa cũng diễn ra vô cùng chóng vánh. Tài xế phương tiện công cộng thường trong trạng thái sẵn sàng đi tiếp, ngay cả khi xe buýt chưa đến điểm dừng.
Trong văn phòng, người Hàn có xu hướng làm mọi thứ một cách gấp rút, như bấm nút đóng cửa thang máy ngay khi bước vào, hoặc liên tục bấm nút tải lại một website bị chậm, Korea Herald mô tả. Ở công ty, cấp trên liên tục hối thúc cấp dưới đẩy nhanh tiến độ nhằm nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.
Ở mặt tích cực, văn hóa đã này giúp Hàn Quốc đẩy nhanh công nghiệp hóa, giành vị thế cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có sức ảnh hưởng về chính trị, văn hóa, kinh doanh trên thế giới.
Koo Jeong-woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, Seoul, cho rằng palipali phần nào mang hàm ý tiêu cực, nhưng cũng là "động lực thúc đẩy sự phối hợp một cách rất tinh tế".
Hàng nghìn người Hàn Quốc không chần chừ tập hợp biểu tình ngay đêm 3/12 để phản đối ông Yoon ban thiết quân luật. Họ đổ ra đường phố Seoul, mang lightstick, phụ kiện cổ vũ biểu diễn âm nhạc, và nhún nhảy theo các bài hát nổi tiếng phát ở điểm tập trung.
"Palipali là công cụ cực kỳ mạnh mẽ", bà Yoon Soo-yeon, 41 tuổi, thành viên một dàn hợp xướng ở Seoul tham gia biểu tình, nói. "Đó là một phần quan trọng giúp Hàn Quốc thực hiện được những điều mà nước khác không thể. Đó là cách chúng tôi có thể nhanh chóng tập hợp và bùng nổ".
Theo bà Yoon, những gì xảy ra trong tháng vừa qua còn phản ánh sự phẫn nộ nằm trong thuật ngữ phổ biến khác là naembi geunseung, còn gọi là hội chứng nồi nước sôi.
"Người Hàn Quốc rất dễ nóng giận, nhưng cũng nguôi giận nhanh như vậy", bà Yoon cho biết. "Tôi không thích bản chất dễ nóng giận này, nhưng khi có động lực, nó thực sự chuyển hóa thành nguồn năng lượng lớn".
Người Hàn Quốc biểu tình phản đối Tổng thống Yoon Suk-yeol bên ngoài nhà quốc hội ở Seoul ngày 7/12/2024. Ảnh: AFP
Ngày 14/12, gần hai tuần sau lệnh thiết quân luật, hơn 200.000 người Hàn Quốc đã không ngại giá lạnh tập trung trước tòa nhà quốc hội biểu tình nhằm đạt mục tiêu này, khi các nghị sĩ bỏ phiếu lần hai về kiến nghị luận tội ông Yoon.
Khi điện thoại hiện thông báo "204 phiếu ủng hộ luận tội ông Yoon, 85 phiếu phản đối", đám đông vỡ òa, bởi kết quả này đồng nghĩa quốc hội đã thông qua kiến nghị. Họ bật khóc và ôm lấy người bên cạnh.
"Chúng ta làm được rồi!", bà Kim Ye-bin, tham gia biểu tình cùng cha mẹ, hét lớn. "Mọi thứ diễn ra với tốc độ ánh sáng. Chúng tôi là 200.000 cá nhân riêng lẻ, nhưng cùng có mặt tại đây, đoàn kết vì một mục tiêu".
Cựu bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Park Yang-woo từng nhận định palipali là bí quyết giúp nước này ứng phó đại dịch Covid-19 thành công.
"Nhờ có văn hóa đó, chúng tôi nhanh chóng thiết lập các điểm xét nghiệm lưu động, giúp ngăn đại dịch lan rộng", ông Park nói hồi tháng 6/2020, khi còn đương chức.
Nhưng palipali cũng có mặt trái. Về chính trị, các lãnh đạo của Hàn Quốc thường xuyên bị chỉ trích vì có hành động thái quá. Ngay cả quyết định ban bố thiết quân luật của ông Yoon cũng có dấu hiệu vội vã.
Sau cuộc họp chỉ 5 phút với các cố vấn, Tổng thống đã tuyên bố áp thiết quân luật. Động thái này bất ngờ đến mức các đơn vị quân đội Hàn Quốc đã gặp nhiều bối rối khi điều động lực lượng, dẫn đến khoảng trống khiến các nghị sĩ có đủ thời gian tới nhà quốc hội để họp bãi bỏ thiết quân luật.
Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về tác động tiêu cực từ lối sống gấp rút của người Hàn, khi nhiều người không thể dừng lại trong một guồng quay liên tục vận hành. "Cách tư duy này sẽ gây ra những tác động bất lợi đến cả thể chất và tinh thần. Ví dụ, ăn uống vội vàng dẫn đến bệnh lý không đáng có", Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý tại Đại học Dankook, nói.
Người biểu tình Hàn Quốc cầm theo bóng bay có khẩu hiệu "Ông Yoon Suk-yeol hãy từ chức" bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Seoul ngày 14/12. Ảnh: AFP
Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ đối mặt nhiều thách thức. Sau khi cuộc khủng hoảng thiết quân luật, vốn hóa thị trường Hàn Quốc đã giảm hàng tỷ USD, đồng won mất giá nhiều nhất so với USD kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ngày 14/12 đã tuyên bố sẽ ổn định nền kinh tế.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ quyết định số phận Tổng thống Yoon trong vòng 180 ngày. Nếu cơ quan này ủng hộ kiến nghị luận tội, ông Yoon sẽ bị phế truất và Hàn Quốc có 60 ngày để tổ chức tổng tuyển cử.
Nhưng với nhiều người dân Hàn Quốc, loạt sự kiện trong tháng cùng văn hóa "nhanh nhanh" ăn sâu vào máu đã giúp đất nước đoàn kết, thể hiện sự kiên cường của những người không muốn quay lại thời kỳ đen tối của lịch sử.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/van-hoa-nhanh-nhanh-thuc-day-nguoi-han-chong-vanh-luan-toi-tong-thong-4829096.html