Vác ba lô chinh phục các cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam
1. Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang)
Mã Pì Lèng (còn có âm đọc là Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang, dài khoảng 20km vượt đỉnh Mã Pì Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc, nối liền thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc và được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2009. Đèo Mã Pì Lèng được xem là một trong những cung đường đèo hiểm trở và đẹp bậc nhất vùng núi phía Bắc. Chính vì thế mà con đèo này được ví như Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo.
Cung đường đèo này như một sợi chỉ vắt qua giữa lưng chừng đồi núi tạo nên một khung cảnh hùng vĩ của cao nguyên núi đá. Đèo Mã Pì Lèng đã được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Mã Pì Lèng được dịch theo nghĩa đen chỉ sống mũi con ngựa, còn theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự nguy hiểm của đỉnh núi, nơi những con ngựa leo lên dốc cao đến mức phải tắt thở. Lên đỉnh Mã Pì Lèng ngắm nhìn dòng sông Nho Quế xanh mướt quanh năm, những đỉnh núi cao vời vợi khiến những ai đến đây đều thấy như lạc vào tiên cảnh, ung dung, tự tại giữa đất trời.
2. Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai)
Đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là đèo Hoàng Liên, Hoàng Liên Sơn được đánh giá là con đèo dài, khúc khuỷu đầy thách thức đối với dân phượt. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo là ranh giới giữa hai tỉnh.
Tên gọi Ô Quy Hồ bắt nguồn từ tiếng kêu da diết của một loài chim, gắn liền với câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Con đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam này ở độ cao 2.073m so với mực nước biển, có độ dài lên tới gần 50km. Chính độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”.
Một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại thường là vách đá dựng đứng, Ô Quy Hồ là một thử thách không nhở đối với các tài xế cùng những tấm biển chỉ báo nguy hiểm được dựng lên khắp nơi. Tuy nhiên, khi đi qua đèo Ô Quy Hồ với mây vờn xung quanh núi, du khách cảm giác thư thái, quên hết những bộn bề của cuộc sống thường ngày.
3. Đèo Pha Đin (Điện Biên)
Dài 32km và nằm trên quốc lộ 6, đèo Pha Đin luôn là cung đường thử thách dân phượt bằng những đoạn khúc khuỷu và khúc ôm cua rất hiểm trở. Từ trên đỉnh đèo, nhìn xuống phía dưới bạn có thể thấy những chiếc xe nối tiếp đi sau chỉ nhỏ bằng con kiến.
Ngay từ cái tên, đèo Pha Đin đã gợi cho người nghe cảm giác bí hiểm, hùng tráng nhưng không kém phần ghê rợn. Trong tiếng Thái, Pha Đin có nghĩa là “trời” và “đất”, ý chỉ nơi đây là sự tiếp giáp của đất trời. Pha Đin là cung đường đèo gắn với những chiến tích anh hùng trong lịch sử.
Đèo Pha Đin là nơi tiếp giáp theo hướng Đông -Tây giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn Tây. Điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước biển. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Lưng chừng đèo Pha Đin lúc nào cũng có mây mờ bao phủ, dưới chân đèo là những bản làng của bà con dân tộc. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống là thung lũng Mường Quài trải dài với màu xanh ngút ngàn của núi đồi.
4. Đèo Khau Phạ (Yên Bái)
Đèo Khau Phạ là cung đường vượt qua ngọn núi cao nhất ở Mù Căng Chải (Yên Bái) - đỉnh Khau Phạ. Đèo Khau Phạ cũng là cung đường nổi tiếng quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.
Đèo có độ dài trên 30km, nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải. Trong tiếng Thái, Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), hay đôi khi còn được hiểu là Cổng Trời. Cung đường đèo Khau Phạ có đến hai phần ba là đường gập ghềnh đá sỏi, chỉ có đoạn đi qua Tú Lệ mới được làm đẹp hơn đôi chút. Trong suốt chiều dài của đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm cho các tay lái vì con đèo không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào.
Khung cảnh ở đèo Khau Phạ đẹp nhất vào tháng 9, tháng 10, khi những triền ruộng bậc thang của bà con dân tộc Mông chín vàng, rực rỡ một sắc màu. Đây cũng là thời điểm mà dân phượt thường đến nơi này để thưởng ngoạn.
5. Dốc Bắc Sum (Hà Giang)
Tuy gọi là dốc Bắc Sum nhưng nơi này cũng là một cung đường uốn lượn và ngoằn ngèo bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Điều đặc biệt của con dốc này đó là những đường cong của nó có nhiều nét mềm mại và quyến rũ, giống như một dải lụa trải dài bất tận đang đưa ra những đường múa uyển chuyển và nhẹ nhàng giữa bốn bề đất đá cao nguyên.
Nhìn từ trên đỉnh núi, dốc Bắc Sum mang hình ảnh của một chú rắn khổng lồ khẽ trườn dài trên vùng núi cao của Tây Bắc. Ngoài sự mềm mại, duyên dáng của một dải lụa, dốc Bắc Sum còn mang trong nó rất nhiều hiểm trở với nhiều điểm khúc cua tay áo - đây chính là một thử thách được các bạn trẻ yêu thích sự khám phá và ưa chinh phục thiên nhiên luôn luôn hào hứng.
Dốc Bắc Sum cũng là cung đường đưa du khách đến tham quan cổng trời Quản Bạ hùng vĩ. Đứng từ nơi đây nhìn xuống, chúng ta sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Hà Giang và không thể nào quên con dốc trải dải trong tầm mắt.
6. Đèo Hải Vân (Đà Nẵng)
Đèo Hải Vân nối liền hai thành phố lớn ở miền Trung là Huế và Đà Nẵng, đồng thời cũng là huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước. Men theo quốc lộ 1, bắt đầu vượt sông Nam Ô rồi đến một ngôi làng nho nhỏ, con dốc sẽ cao dần lên như tấm lụa trắng vắt ngang triền núi.
Lên đến đỉnh đèo, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh vịnh và thành phố Đà Nẵng bên dưới hiện ra đẹp đến sững sờ. Xa xa, dải cát trắng phau của bãi biển Non Nước trải rộng tới tận chân trời, vượt ra tận những tảng đá chênh vênh của Ngũ Hành Sơn.
Ở độ cao 492 mét, Hải Vân là thách thức không nhỏ đối với các bác tài khi ôm những khúc cua nguy hiểm, khuất lấp tầm nhìn trong sương mù. Nhiều am, miếu thờ đã được người dân lập nên suốt quãng đường đèo càng khiến không khí nơi này thêm phần ghê sợ.
7. Đèo Ngoạn Mục (Ninh Thuận)
Đèo Ngoạn Mục dài 18,5 km, chạy men sườn núi dựng đứng, nối thung lũng Ninh Sơn (Ninh Thuận) và cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng). Đây là con đường cửa ngõ giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
Nơi cao nhất ở đỉnh đèo là 980 m và là con đèo có độ dốc lớn nhất các tỉnh phía Nam. Đúng như tên gọi của mình, đèo Ngoạn Mục sẽ chinh phục mọi du khách với cảnh quan hùng vĩ, hiểm trở nhưng đầy thơ mộng và lãng mạn. Để vượt qua cung đường đèo hiểm trở này, các phượt thủ sẽ đi qua 4 khúc cua tay áo rất gấp, chinh phục những con đường uốn lượn mềm mại và đi bên những bờ vực dốc dựng đứng.
Đừng để mùa hè phía trước trôi đi một cách vô nghĩa bạn nhé! Hãy sẵn sàng lên lịch và chuẩn bị vác ba lô chinh phục các cung đường đèo như trên để cho hành trình tuổi trẻ của mình thêm thú vị bạn nha!
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/top-7-cung-duong-deo-hiem-tro-bac-nhat-viet-nam-nhung-dan-phuot-nao-cung-muon-mot-lan-chinh-phuc-qaHDm213Gb3Wg.html