"Đối phương đã mất thêm một chiếc Su-34 ở hướng đông", tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk ngày 27/2 thông báo trên Telegram. "Phi công Nga hôm qua tránh được tên lửa của chúng tôi, song không phải lúc nào họ cũng làm được như vậy".

Ông Oleshchuk sau đó tuyên bố Nga đã mất thêm một chiếc Su-34 "ở cùng hướng". Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận thông tin, thêm rằng đây là máy bay chiến đấu thứ 10 của Nga bị phá hủy trong 10 ngày qua.

Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận.

Giới chức Ukraine hôm 17/2 thông báo phòng không nước này đã bắn rơi hai tiêm kích bom Su-34 và một chiếc đấu cơ Su-35 của Nga. Kiev tuyên bố hạ một chiếc Su-34 khác vào ngày 18/2, cùng một chiếc Su-34 và Su-35S sau đó một ngày.

Tiêm kích bom Su-34 Nga trong bức ảnh đăng tháng 2/2020. Ảnh: TASS

Đến ngày 21/2, Ukraine thông báo bắn rơi thêm một tiêm kích bom Su-34 của đối phương. Hai ngày sau, nước này tiếp tục nói đã phá hủy một máy bay cảnh báo sớm A-50 trên biển Azov, khí tài được mệnh danh là "mắt thần trên không" của Nga.

Đây là phi cơ A-50 thứ hai mà Ukraine tuyên bố bắn hạ kể từ đầu xung đột, sau chiếc đầu tiên hồi giữa tháng 1. Truyền thông Ukraine dẫn nguồn tin từ tình báo nước này cho biết chiếc A-50 bị bắn rơi bởi tên lửa phòng không S-200, trong khi các tài khoản mạng xã hội thân Moskva nói nó bị lực lượng Nga bắn nhầm.

Chuyên gia quân sự David Axe nhận định việc để mất 10 máy bay trong hơn một tuần là tổn thất lớn với không quân Nga, do nước này chỉ có thể sản xuất khoảng vài chục chiến đấu cơ mỗi năm.

Theo Axe, Ukraine thông báo bắn hạ được nhiều chiến đấu cơ Nga như vậy có thể là do lực lượng nước này đang đưa các hệ thống phòng không như Patriot, NASAMS và S-200 tới gần tiền tuyến hơn.

Một khả năng khác là không quân Nga đang được triển khai nhiều hơn để yểm trợ lực lượng mặt đất, trong bối cảnh quân đội Nga đang tận dụng đà thắng ở Avdeevka để mở rộng chiến dịch trên bộ. Việc này khiến phòng không Ukraine có nhiều mục tiêu hơn để bắn hạ.

"Đối phương đã không còn ngần ngại triển khai chiến đấu cơ trực tiếp trên chiến trường", viện nghiên cứu Trung tâm Chiến lược Quốc phòng (CDS) của Ukraine nhận định. "Dù điều này khiến không quân Nga hứng chịu tổn thất về lực lượng, bộ binh của họ sẽ giành được lợi thế đáng kể về hỏa lực".

Axe cũng cho rằng lực lượng Nga đang gặp nhiều khó khăn hơn trong đối phó với tên lửa phòng không Ukraine, sau khi liên tục mất máy bay cảnh báo sớm A-50. Không quân nước này này chỉ sở hữu 9 phi cơ "mắt thần", trong đó có 3 chiếc đủ năng lực hoạt động, bao gồm hai chiếc bị bắn hạ trong năm nay. 6 chiếc A-50 còn lại đang được đại tu và chưa thể đưa vào tác chiến.

"Thiệt hại về máy bay A-50 đã tạo ra những 'điểm mù' trên chiến trường, khiến phi công Nga khó có thể phát hiện tên lửa phòng không bay tới gần", chuyên gia này nhận định.

Dù vậy, tình hình sắp tới có thể sẽ xấu đi với Ukraine do nước này sắp cạn tên lửa phòng không. Mỹ, quốc gia hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ nhất từ đầu xung đột, vẫn chưa chuyển giao thêm đạn dược cho Kiev kể từ tháng 12 năm ngoái, trong bối cảnh gói viện trợ quân sự mới của nước này cho Ukraine đang mắc kẹt tại quốc hội vì vấp phải phản đối của đảng Cộng hòa.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Glenroy West Primary School Vùng: Glenroy. Phone: 9306 8955
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ukraine-tuyen-bo-ha-10-chien-dau-co-nga-trong-hon-mot-tuan-4716325.html