Hồi đầu tháng 5, hai người cách ly trong hai phòng khách sạn liền kề ở thành phố Adelaide, Australia đã mở cửa cách nhau vài giây để lấy bữa ăn. Giới chức y tế tin rằng chỉ khoảnh khắc thoáng qua đó đã đủ để virus truyền từ một người đàn ông này sang một người khác qua không khí.

Người đàn ông được cho là nhiễm nCoV tại khách sạn sau đó đến Melbourne, dẫn đến bùng phát dịch bệnh và đóng cửa thành phố lớn thứ hai Australia.

Khách sạn được sử dụng để cách ly ở Australia. Ảnh: EPA.

Những trường hợp như vậy và sự lây lan của các chủng nCoV mới có khả năng lây nhiễm cao đang khiến các quan chức ở một số quốc gia phải suy nghĩ lại liệu khách sạn có phải là nơi tốt nhất để cách ly người nhập cảnh hay không, ngay cả khi Mỹ và châu Âu đang cân nhắc nới lỏng các hạn chế đi lại khi số người tiêm vaccine tăng lên.

Australia đang lên kế hoạch thiết lập các trung tâm cách ly mới được thiết kế đặc biệt mà các chuyên gia y tế công cộng cho rằng sẽ ngăn chặn virus lây lan hiệu quả hơn. Những nước khác như New Zealand cũng đang xem xét biện pháp tương tự.

Cả ba quốc gia đều đã sử dụng biện pháp cách ly tại khách sạn và đã giữ được số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, biến thể mới có khả năng lây lay mạnh đến mức các chuyên gia y tế lo lắng virus có thể phát tán dễ dàng hơn và đòi hỏi siết chặt các biện pháp hạn chế để kiểm soát, đặc biệt là ở những nơi chương trình tiêm chủng còn diễn ra tương đối chậm như Australia và New Zealand.

Australia đã tiêm 2 liều vaccine cho khoảng 9% dân số còn New Zealand khoảng 10%.

Tính đến 10/6, 16% dân số Trung Quốc đã tiêm phòng đầy đủ và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo nước này đã tiêm thêm nửa tỷ liều kể từ đó.

"Cuối cùng thì chúng ta đều hiểu ra virus vẫn sẽ lây lan trong một thời gian dài. Các biến thể mới có khả năng lây lan cao có thể khiến hệ thống cách ly kiểu khách sạn khó hoạt động an toàn", Amanda Kvalsvig, nhà dịch tễ học tại Đại học Otago ở Wellington, New Zealand, cho biết. "Thách thức ngăn chặn lây truyền trong môi trường khách sạn khiến cả nhân viên và khách có nguy cơ lây nhiễm".

Australia, có dân số 25,8 triệu người, đã ghi nhận khoảng 31.000 ca nhiễm nCoV. Một số quan chức địa phương ở Australia cho biết họ muốn giữ ca mới ở mức gần 0 ít nhất cho đến khi nhiều người dân được tiêm chủng.

Giới chức y tế Australia nói rằng biến thể lây lan tại khách sạn Adelaide hồi tháng 5 là Kappa, xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào năm ngoái. Một số chuyên gia tin rằng Kappa dễ lây lây lan hơn phiên bản virus trước đó. Người đàn ông nhiễm nCoV tại khách sạn đã không có kết quả dương tính cho đến một tuần sau khi anh ta rời đi do thời gian ủ bệnh của virus, dẫn đến bùng dịch ở Melbourne.

Biến thể Delta có khả năng lây lan cao đã thoát khỏi các khách sạn cách ly ở những nơi khác tại Australia. Giới chức cho biết một công nhân mỏ đã nhiễm nCoV tại một khách sạn ở bang Queensland và sau đó đến khu mỏ nơi anh làm việc ở Lãnh thổ Bắc Australia, làm bùng dịch ở đây.

Tại Melbourne, giới chức tin rằng một ổ dịch biến chủng Delta gần đây bắt nguồn từ một người ở trong khách sạn cách ly, nhưng ổ dịch không lây lan rộng rãi vì thành phố đã bị đóng cửa do đợt bùng phát Kappa trước đó.

Vấn đề của các khách sạn là luồng không khí. Điều kiện lý tưởng nhất là tất cả phòng là phòng áp suất âm, nghĩa là không khí chảy từ hành lang vào phòng chứ không thoát theo chiều ngược lại, Kate Cole, chủ tịch Viện Vệ sinh Tác nghiệp Australia, cho biết. Nhưng trong một số tòa nhà, không khí có thể tràn từ phòng ra hành lang, khiến nhân viên trong hành lang nhiễm nCoV nếu một người trong phòng mang virus.

"Chúng ta không muốn phòng áp suất dương, tức là không khí từ phòng khách thoát ra hành lang và có thể di chuyển đến các khu vực khác", Cole nói.

Bộ lọc không khí, đồ bảo hộ cá nhân cho nhân viên khách sạn và việc bố trí phòng trống ở giữa các phòng chứa khách có thể giảm rủi ro. Nhưng thiết kế tốt hơn là cấu trúc kiểu cabin, nơi mỗi phòng có nguồn cung cấp không khí riêng và mở ra lối đi ngoài trời, không phải hành lang kín.

Cơ sở cách ly theo kiểu cabin tại Australia. Ảnh: Shutterstock.

Australia có một cơ sở như vậy ở Lãnh thổ Bắc Australia, nơi ban đầu được xây dựng để làm nơi ở của các công nhân khai thác khí đốt tự nhiên và đang được sử dụng để cách ly. Các quan chức Australia cho biết họ sẽ mở rộng công suất đón người nhập cảnh từ 850 lên 2.000. Chính phủ Australia cũng thông báo họ sẽ xây dựng một cơ sở tương tự ở vùng ngoại ô phía bắc Melbourne, có thể mở cửa vào cuối năm nay. Họ cũng lên kế hoạch thiết lập các cơ sở ở các bang Queensland và Tây Australia.

Giai đoạn 500 giường đầu tiên của cơ sở gần Melbourne ước tính trị giá khoảng 150 triệu đô. Nhưng khoản đầu tư có thể "đáng đồng tiền bát gạo". Các nhà kinh tế ước tính rằng các đợt đóng cửa tại các thành phố lớn của Australia khiến nền kinh tế tiêu tốn hàng trăm triệu đô mỗi tuần. Các cơ sở này cũng có thể được sử dụng lâu dài với mục đích khác, như nhà ở khẩn cấp khi có thiên tai.

Cặp vợ chồng người Australia Neil và Karen Chappell bắt đầu cách ly tại một khách sạn ở Brisbane vào tuần trước sau khi trở về từ Thái Lan, nơi Chappell làm trưởng chi nhánh khu vực của một công ty phụ tùng ô tô. Ông cho biết ông sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu được cách ly tại cơ sở được thiết kế đặc biệt, vì lo ngại về hệ thống thông gió và virus lây truyền qua đường không khí.

"Tôi sợ nhất là tôi có thể chỉ ngồi trong phòng thôi nhưng cũng nhiễm nCoV", Chappell nói.

Một số bác sĩ đã kêu gọi chính quyền Australia đẩy nhanh xây dựng các cơ sở cách ly đặc biệt. Họ nói rằng phải mất một khoảng thời gian giới chức mới đánh giá đầy đủ rằng nCoV có thể lây lan qua các hạt nhỏ lơ lửng trong không khí, chứ không chỉ là các giọt hô hấp lớn thường rơi xuống đất nhanh hơn và không di chuyển xa. Họ nói rằng yếu tố lây lan qua không khí làm cho vấn đề thông gió trở nên quan trọng hơn.

Để giảm bớt áp lực đối với hệ thống cách ly, chính phủ gần đây cũng quyết định giảm lượng khách thương mại và thử nghiệm cho phép một số người đã tiêm vaccine cách ly tại nhà.

Sự xuất hiện của nhiều biến thể dễ lây lan hơn "khiến chúng ta vô cùng hối tiếc rằng chúng ta đã không xây dựng một loạt cơ sở vật chất từ 8 tháng trước", Tony Blakely, nhà dịch tễ học tại Trường Dân số và Y tế Toàn cầu Melbourne thuộc Đại học Melbourne, nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/bien-chung-moi-khien-cac-nuoc-thay-doi-cach-ly-covid-19-4308597.html