Úc sẽ hợp tác với nền kinh tế "tuần hoàn kép" của Trung Quốc?

12:33' 05-10-2020
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, do đó các số liệu và chính sách kinh tế quốc gia của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nhận được rất nhiều quan tâm.

Khai thác quặng sắt tại khu vực Pilbara, miền Tây Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài báo đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo Robert Guy cho hay Bộ trưởng Ngân khố Liên bang Josh Frydenberg và người đứng đầu phụ trách ngân khố bang Tây Australia Ben Wyatt hết sức quan tâm tới số liệu Chỉ số Nhà quản trị mua hàng - một chỉ số cho thấy thể trạng của nền kinh tế - trong tháng Chín mà Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố vào ngày 30/9. 

Hai vị "thuyền trưởng" của nền kinh tế quốc gia và bang có tỷ lệ xuất khẩu quặng sắt lớn nhất sang Trung Quốc đều mong muốn đưa ra được một đánh giá chính xác nhất về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Những đánh giá đó sẽ đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới bản cập nhật ngân sách quốc gia, với một khoản thâm hụt lớn nhất trong lịch sử Australia, mà ông Frydenberg có kế hoạch công bố vào ngày 6/10 tới đây và điều hướng quỹ đạo tài chính của bang Tây Australia, dự kiến sẽ được ông Wyatt công bố vào ngày 8/10.

Thực tế này cũng cho thấy sự phụ thuộc thương mại mạnh mẽ vào Trung Quốc của Australia, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang xấu đi và giá quặng sắt dường như đã chạm mức "đỉnh".

Thực tế, giá quặng sắt thế giới hiện đã giảm từ mức đỉnh 130 USD/tấn xuống 114 USD/tấn. Báo cáo tài nguyên và năng lượng hàng quý của Bộ Công nghiệp Australia dự báo giá quặng sắt sẽ tiếp tục giảm và giao dịch ở mức 100 USD/tấn (chưa tính giá vận chuyển) và tới cuối năm tài chính 2020-21 sẽ bị điều chỉnh về mức 85 USD/tấn.

Ngân sách liên bang Australia được cho là đã tính toán giá quặng sắt sẽ nằm ở mức 55 USD/tấn (chưa tính giá vận chuyển là 7,12 USD/tấn) và bang Tây Australia ước tính giá quặng sắt trong dài hạn ở ngưỡng 64 USD tấn (bao gồm cả giá vận chuyển). 

Việc giá quặng sắt thực tế cao hơn ước tính (theo báo cáo của Bộ Công nghiệp) sẽ là những tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Australia, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có thể xuất hiện nhiều yếu tố bất ngờ mới.

Nhu cầu tăng cao từ các nhà máy thép của Trung Quốc, cùng với việc nguồn cung của Brazil gặp vấn đề, mang đến một năm tăng trưởng bất ngờ cho ngành xuất khẩu quặng sắt Australia, kéo theo các tín hiệu tốt cho cả ngân sách quốc gia và ngân sách bang Tây Australia. 

Nhưng việc công bố số liệu và dự báo ngân sách của Australia nên chờ để tính toán thực tế liệu "xứ chuột túi" sẽ hưởng lợi như thế nào từ việc nền kinh tế Trung Quốc tái định hình trong những năm tới.

Ngành khai thác quặng sắt đã thắng lớn khi Bắc Kinh chú trọng thúc đẩy ngành sản xuất kim loại trong kế hoạch công nghiệp hóa và đô thị hóa nền kinh tế. Mặt hàng này cũng được coi là hưởng lợi lớn nhờ việc Trung Quốc tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng mỗi khi nền kinh tế tiến gặp khó khăn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng một nền kinh tế "tuần hoàn kép", nhằm mục đích duy trì xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Nền kinh tế "tuần hoàn kép" được giải thích là việc Trung Quốc sẽ nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và "tự cung tự cấp" trong lĩnh vực công nghệ, trong khi vẫn tiếp tục hưởng lợi tốt nhất có thể từ quá trình toàn cầu hóa.

Đó là một kế hoạch phản ánh sự thay đổi của thực tế địa chính trị và kế hoạch này đòi hỏi các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Australia phải suy nghĩ vượt ra khỏi tư duy chỉ tập trung vào "khai khoáng và nông nghiệp" đã chi phối mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị xem xét Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 14. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong vài tuần nữa, giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc sẽ tập trung tại Bắc Kinh để xem xét Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 14.

Kế hoạch này dự kiến đưa ra lộ trình tái thiết nền kinh tế Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào môi trường không chắc chắn bên ngoài và quay trở lại dựa nhiều hơn vào thị trường nội địa khổng lồ để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Điều đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới xuất khẩu của Australia và đây là một kết quả không thể tránh được.

Do vậy, tình hình này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Australia cần suy nghĩ nghiêm túc về cách mà họ có thể hưởng lợi từ một nền kinh tế sẽ chuyển đổi để tập trung vào người tiêu dùng và là nơi đầu tư được nhắm mục tiêu vào các khoản đầu tư chất lượng cao hơn như mạng viễn thông thế hệ mới 5G, phương tiện giao thông thông minh, năng lượng tái tạo và xây dựng khả năng công nghệ nội địa của Trung Quốc.

Mặc dù, điều này không có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ ngừng mua tài nguyên khoáng sản và năng lượng của Australia.

Nhưng sự tập trung của Bắc Kinh vào khả năng tự cung cấp và an ninh tài nguyên đã trở nên rõ nét hơn, nhất là khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây khó khăn về vấn đề công nghệ như chất bán dẫn. Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì để có thể giảm bớt - chứ không phải loại bỏ - các điểm yếu của mình.

Một điều nghịch lý là mong muốn của Bắc Kinh về một nền kinh tế thiên về nội địa nhiều hơn sẽ thúc đẩy việc mở cửa thị trường vốn cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Trái phiếu Trung Quốc tuần trước đứng thứ hạng ba trong số các chỉ số trái phiếu toàn cầu được quan tâm chặt chẽ. Đây là một yếu tố thúc đẩy dòng vốn phương Tây - bao gồm cả các quỹ đầu tư của Australia - chảy vào kho bạc thuộc các chính quyền trung ương và cấp tỉnh của Trung Quốc, cũng như là trở thành nguồn vốn đầu tư tiềm năng của các công ty Trung Quốc.

Các thị trường cổ phiếu của Trung Quốc cũng đã mở cửa rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua khu vực thị trường tự do Hong Kong (Trung Quốc).

Rõ ràng không có cách nào tốt hơn để định hình lại nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước phương Tây bằng việc sử dụng chính nguồn vốn của họ để làm điều đó.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng của Trung Quốc, một tham vọng dựa trên việc áp dụng công nghệ mới và có lẽ sẽ ít phụ thuộc hơn vào tài nguyên khoáng sản nhập khẩu từ Australia./.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from BNEWS.

Original source can be found here: https://bnews.vn/australia-da-san-sang-hop-tac-voi-nen-kinh-te-tuan-hoan-kep-cua-trung-quoc/171540.html