Úc mắc kẹt giữa dòng xoáy cạnh tranh Mỹ - Trung
Tôm hùm là một trong những mặt hàng của Australia bị Trung Quốc cấm nhập khẩu. Trong ảnh: Tôm hùm được nuôi ở Fremantle, Australia. (Nguồn:Getty) |
Australia mắc kẹt giữa các “ông lớn”
Trong bài viết được xuất bản ngày 20/6 trên NBC News, nhà báo Mahalia Dobson nhận định, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Australia nhiều khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo lẽ thường, đây hẳn phải là một tin tốt với Canberra. Tuy nhiên, cuộc chơi hiện nay xuất hiện một yếu tố mới: Australia mong muốn có thêm sức mạnh để đối phó Trung Quốc khi liên minh với Mỹ và phương Tây.
Khi Trung Quốc và Mỹ nhắm vào các tham vọng kinh tế và quân sự của nhau thông qua những lần đáp trả thuế quan và trừng phạt ngày càng căng thẳng, một số người ở Australia lo ngại Australia có thể phải trả giá vì bị kẹt giữa hai “ông lớn”.
Các chuyên gia cho rằng, những lợi ích cạnh tranh chiến lược và sự chuyển hướng gần đây của Canberra sang phương Tây một phần là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến thương mại kéo dài một năm với Bắc Kinh, lý do khiến giá tôm hùm, một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Australia, giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê gần đây, Trung Quốc chiếm khoảng 96% lượng tôm hùm xuất khẩu của các địa phương phía Nam Australia với giá trị thương mại lên tới hơn một nửa tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã đột ngột áp đặt lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm từ Canberra, sau khi cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia châu Á tuyên bố các mẫu tôm hùm này có chứa kim loại nặng.
Ông Andrew Ferguson, Giám đốc điều hành Tập đoàn Ferguson Australia Group, một doanh nghiệp thủy sản có trụ sở tại Adelaide, Nam Australia, cho chia sẻ: “Chúng tôi chỉ là một con tốt trong “ván cờ” cạnh tranh địa chính trị này”.
Việc mất thị trường xuất khẩu đã tàn phá doanh nghiệp của ông Ferguson.
Lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm chỉ là một động thái trong các tranh chấp thương mại kéo dài giữa hai nước, vốn đã ảnh hưởng lớn tới các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính khác của Australia sang Trung Quốc, như lúa mạch, rượu vang và thịt bò.
Căng thẳng thương mại leo thang đến mức Bắc Kinh, về cơ bản, đã đình chỉ tất cả các cuộc tiếp xúc, thảo luận thông thường nhất giữa hai nước và cáo buộc Canberra có “tư duy chiến tranh lạnh”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc và Bộ Ngoại giao nước này thường xuyên công kích Australia vì áp dụng các chính sách chống Trung Quốc mà Bắc Kinh cho rằng đó là theo lệnh của Mỹ.
Đáp lại, mới đây nhất, ngày 19/6, Canberra đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các mức thuế mà Bắc Kinh áp đặt vào năm ngoái, khiến việc xuất khẩu rượu vang của Australia vào thị trường Trung Quốc gần như bị chấm dứt hoàn toàn.
Ông John Blaxland, Giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Chúng tôi đang đối mặt với câu hỏi hóc búa về những vấn đề mà chúng tôi chưa từng thấy trong nhiều năm”.
Giáo sư Blaxland cũng khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay, Australia sẽ không hạ thấp mối quan hệ đồng minh với Mỹ và sẵn sàng chịu thiệt thòi về kinh tế.
Trả lời phỏng vấn NBC News qua điện thoại, ông Blaxland nói: “Trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Australia đã cố tìm cách cân bằng mối quan hệ với Mỹ, giữa các lợi ích thương mại với Trung Quốc. Nhưng thời gian gần đây, điều này ngày càng trở nên có vấn đề".
Cũng theo chuyên gia này, dường như Canberra sẽ “tăng gấp đôi quan hệ với Washington nhằm đẩy lùi các mối đe dọa và ép buộc từ Bắc Kinh".
Tìm kiếm thêm đồng minh…
Thủ tướng Australia Scott Morrison vừa dành một tuần công du châu Âu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 nhằm “lôi kéo” sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây, giúp đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đồng thời, chuyến đi của ông Morrison tất nhiên cũng nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao cho cuộc chiến thương mại đang ngày càng trở nên căng thẳng giữa Canberra với Bắc Kinh.
Tham dự cuộc họp của nhóm G7 với tư cách khách mời, Thủ tướng Morrison đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và ký kết một thỏa thuận thương mại tự do mới với nước chủ nhà Anh.
Sau các cuộc gặp riêng với ông Morrison ở London và Paris, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các quốc gia này sẽ “sánh vai” với Australia.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson cũng đã nhanh chóng “rào trước đón sau” rằng "không nước nào muốn rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc".
Thủ tướng Australia Morrison (bên phải) gặp Thủ tướng Anh Johnson bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh, tháng 6/2021. (Nguồn: Reuters) |
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, G7 cũng đưa ra tuyên bố chung nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì vấn đề nhân quyền, cũng như “các chính sách và hành động phi thị trường” làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc, hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không phải là thành viên G7, tất nhiên không thể ngồi yên trước những tuyên bố của G7. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Triệu Lập Kiên “phản pháo” rằng, tuyên bố của G-7 là cố ý vu khống và can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.
… nhưng vẫn chịu tổn thất
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đi xuống kể từ năm 2017 và trở nên tồi tệ hơn khi năm 2018, Canberra cấm tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc đầu tư vào mạng 5G ở xứ sở Kangaroo.
Quan hệ song phương thực sự giảm mạnh vào năm ngoái sau khi Thủ tướng Morrison dẫn đầu nhóm các quốc gia yêu cầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra về nguồn gốc của Covid-19 - một động thái được cho là nhắm vào Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng không hài lòng trước những lời chỉ trích về các động thái của họ ở Biển Đông, Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan. Nhưng một trong những điểm tranh cãi chính là các ưu tiên và chính sách đối ngoại của cả hai bên đều liên quan đến Mỹ.
Theo bà Jane Golley, Giám đốc Trung tâm Australia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, từ quan điểm của Bắc Kinh, chính sách đối ngoại của Canberra đối với Washington đã thay đổi “đáng kể”.
Bà Golley nói: “Họ (Australia và Mỹ) luôn duy trì mối quan hệ liên minh mạnh mẽ, nhưng họ đã lên tiếng nhiều hơn về liên minh đó và tạo thêm khoảng cách với Bắc Kinh trong vài ba năm qua”.
Các nhà kinh tế cho rằng, việc Australia sẵn sàng thay đổi để phù hợp với chính sách Trung Quốc của Mỹ đã có tác động trực tiếp đến mối quan hệ thương mại của Canberra với Bắc Kinh.
Ông James Laurenceson, Giám đốc Học viện Quan hệ Australia-Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nhận định: “Bắc Kinh không thấy vấn đề gì khi Australia là đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề trở nên đáng chú ý khi Canberra sử dụng liên minh này để tấn công Bắc Kinh.
Chuyên gia này nhận định, vướng mắc với Trung Quốc về các vấn đề chính sách sẽ là những yếu tố có tác động đến kim ngạch thương mại giữa Australia với quốc gia châu Á.
Xuất khẩu rượu vang là một trong những lĩnh vực phải chịu thiệt hại lớn nhất giữa cạnh tranh Trung Quốc-Australia. (Nguồn: Getty) |
Theo Cục Thống kê Australia, Bắc Kinh chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Canberra.
Trong 13 tháng qua, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu thịt bò và đánh thuế tổng cộng 80% đối với lúa mạch và hơn 200% đối với rượu vang có xuất xứ từ Australia.
Thiệt hại đối với Australia là có thật: Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm khoảng 2,3 tỷ USD vào năm 2020. Điểm sáng duy nhất trong quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nằm ở lượng quặng sắt mà Canberra xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lợi thế này cũng không thể kéo dài lâu bởi hiện Bắc Kinh đang tích cực mở rộng nguồn cung ở nhiều thị trường khác.
Article sourced from baoquocte.vn.