Úc đầu tư phát triển hệ thống sinh thái doanh nghiệp Úc-ASEAN
Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chuyên gia Robert Law, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đánh giá nước này nên tìm kiếm những lĩnh vực mới nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có đầu tư xây dựng hệ sinh tái Khởi nghiệp Australia-Đông Nam Á.
Bài phân tích "Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp để xây dựng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á" của ông đăng trên trang mạng the Interpreter ngày 18/1/2022 đánh giá như sau: Năm 2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khiến nhiều người bất ngờ khi bổ nhiệm ông Nadiem Makarim, 35 tuổi, làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa. Ông Makarim từng là nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đặt xe Gojek của Indonesia. Vào thời điểm đó, Gojek được định giá 9,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Tổng thống Widodo cũng bổ nhiệm một số nhà sáng lập công ty khởi nghiệp khác vào các vị trí lãnh đạo. Những điều này nhấn mạnh rằng các công ty khởi nghiệp ở Indonesia đã vượt ra ngoài thế giới kinh doanh để nắm giữ các ảnh hưởng về chính trị.
Ngày nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Đông Nam Á đang phát triển về quy mô và tầm ảnh hưởng. Trong nửa đầu năm 2021, có 393 khoản đầu tư với 4,4 tỷ USD được huy động chủ yếu từ vốn tư nhân. Khu vực có khoảng 40 unicorns - những công ty khởi nghiệp với mức định giá hơn 1 tỷ USD.
Mặc dù lĩnh vực này đã chịu ảnh hưởng bởi các xu hướng kinh tế rộng lớn hơn trong những năm gần đây, nhưng triển vọng dài hạn vẫn rất sáng nhờ các nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc tại các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, việc áp dụng ứng dụng kỹ thuật số nhanh chóng, tầng lớp trung lưu đang phát triển và nhân tài ngày càng tăng.
Các công ty khởi nghiệp sẽ trở thành những chủ thể ngày càng có ảnh hưởng trong cả giới kinh doanh và chính trị. Vì vậy, Australia đang xem xét cách thức có thể hỗ trợ và xây dựng ảnh hưởng với hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á.
Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã nhanh chóng thực hiện các cam kết nhằm tăng cường quan hệ với Đông Nam Á, bao gồm thành lập Văn phòng Đông Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại, bổ nhiệm cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Macquarie Nicholas Moore làm Đặc phái viên cho khu vực.
Một tài xế xe ôm công nghệ Gojek tại Jakarta, Indonesia ngày 14/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc xây dựng Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 cũng đã khởi động và dự kiến công bố trong năm 2023. Với việc tăng cường viện trợ nước ngoài nhằm cải thiện ảnh hưởng đang suy giảm của Australia trong khu vực, thách thức đặt ra là Chính phủ Công Đảng nên đặt cược chiến lược vào những lĩnh vực khác.
Triển vọng dài hạn cho hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực rất phù hợp với tầm nhìn thời gian đến năm 2040 của chiến lược kinh tế Đông Nam Á. Những quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đã có ảnh hưởng trong khu vực, vì vậy Chính phủ Australia cần phải hành động nhanh chóng.
Australia nên đưa ra một sáng kiến lớn để hỗ trợ đầu tư và xây dựng mối liên kết giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á và Australia. Những người sáng lập công ty khởi nghiệp thường bắt đầu với một ý tưởng hoặc công nghệ mà họ tìm kiếm nguồn vốn và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp này đã giúp phát triển các công ty trị giá hàng tỷ AUD như Atlassian và Canva.
Việc liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn chứ không là chỉ tạo ra lợi nhuận thương mại. Các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết các thách thức phát triển kinh tế trong nước. Các công ty này đang ngày càng chuyển trọng tâm từ lĩnh vực kỹ thuật số sang các vấn đề “thế giới thực” xung quanh chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực và tính bền vững của môi trường.
Trước đây, ông Robert Law đã đề xuất thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) tập trung vào Đông Nam Á bằng cách áp dụng mô hình Breakthrough Victoria. Trong chuyến thăm gần đây của ông Robert Law tới Jakarta và Singapore, các công ty khởi nghiệp đã bày tỏ mong muốn khai thác Australia như một nguồn tài trợ.
Ngoài các quỹ đã được triển khai, một quỹ đầu tư mạo hiểm do chính phủ hậu thuẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tiến hành thẩm định các cơ hội đầu tư. Điều này sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư khác bằng cách tạo cho họ niềm tin vào một khu vực mà họ thiếu kinh nghiệm và kiến thức.
Điều quan trọng là quỹ này nhanh chóng thu lại lợi nhuận cho chính phủ trong trung hạn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường hoạt động trong khung thời gian 6 -10 năm để tạo ra lợi nhuận.
Chính phủ có thể kết hợp quỹ này với một chương trình tăng tốc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của Australia thâm nhập vào Đông Nam Á và ngược lại. Và các địa điểm mới ở Indonesia và Việt Nam sẽ xây dựng kết nối với các thị trường năng động nhất trong khu vực.
Biện pháp này có thể được điều chỉnh để phù hợp với các ưu tiên phát triển quốc tế rộng lớn hơn của chính phủ. Ví dụ, lĩnh vực công nghệ nổi tiếng là do nam giới thống trị. Ở Đông Nam Á, chỉ có 23% quỹ đầu tư mạo hiểm có phụ nữ đóng vai trò ra quyết định đầu tư. Bức tranh ảm đạm tương tự đối với các công ty khởi nghiệp do phụ nữ thành lập khi chỉ thu hút được 0,6% vốn đầu tư. Chính phủ có thể đóng vai trò trong việc giải quyết sự mất cân bằng này.
Báo cáo về trao quyền cho các nữ lãnh đạo đổi mới ở Australia và Đông Nam Á đưa ra một kế hoạch hành động để giải quyết thách thức này. Các biện pháp thiết thực bao gồm các chương trình thực tập, công nhận thông qua các giải thưởng khu vực, cố vấn và huấn luyện, và trợ cấp cho các doanh nhân nữ.
Một sáng kiến chính trong lĩnh vực này là bước đi mới của Chính phủ Australia. Những ý tưởng táo bạo và sáng tạo là cần thiết nếu Australia muốn duy trì sự phù hợp và ảnh hưởng trong khu vực./.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/australia-dau-tu-phat-trien-he-thong-sinh-thai-doanh-nghiep-australia-dong-nam-a/278127.html