Úc có đủ cơ sở pháp lý để phát triển vũ khí hạt nhân
Là quốc gia thành viên NPT nhưng Australia được cho có đủ cơ sở pháp lý để phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân. (Nguồn: National Interest) |
Cách ly khỏi tấn công tên lửa tầm xa
Trong thế kỷ qua, Australia là đồng minh quân sự đáng tin cậy nhất của Mỹ. Trong mọi cuộc xung đột lớn, người Australia đã sát cánh chiến đấu với Mỹ.
Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nóng lên ở Tây Thái Bình Dương, Australia thận trọng không khiêu khích Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Khi nói đến một cuộc xung đột Mỹ-Trung tiềm tàng, Australia với lý do chính đáng đang làm tất cả những gì có thể để giữ cho các lựa chọn của mình luôn mở.
Australia rất dễ bị tấn công bằng tên lửa tầm xa, bao gồm cả những tàu chiến mang vũ khí hạt nhân. Mặc dù Australia là một cường quốc lục địa, nhưng hầu hết dân số của nước này đều tập trung ở các thành phố lớn - những mục tiêu dễ dàng cho số lượng đầu đạn nhỏ.
Trong một cuộc xung đột cường độ cao giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể hình dung rằng Trung Quốc có thể nhắm tên lửa hạt nhân tầm xa vào Australia như một bước leo thang, chứng tỏ cho Mỹ thấy năng lực và sự sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân trên phạm vi liên lục địa.
Trong trường hợp này, khả năng răn đe hạt nhân mở rộng của Mỹ khó có thể đáng tin cậy. Trả đũa thay mặt Australia rõ ràng có nghĩa là chấp nhận cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn của Trung Quốc vào lục địa Mỹ.
Vì thế, nhiều người Australia tin rằng xung đột với cường quốc hạt nhân đông dân nhất thế giới, với bất kỳ lý do gì và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, là điều không tưởng - mặc dù có sự ủng hộ rất mạnh mẽ đối với liên minh Australia-Mỹ tổng thể.
Phương tiện hiệu quả nhất để Australia có thể tự cách ly khỏi cuộc tấn công hạt nhân tầm xa là phát triển hoặc có được lực lượng răn đe hạt nhân tầm xa đáng tin cậy của riêng mình.
Quyền hợp pháp để sở hữu vũ khí hạt nhân
Nhiều người sẽ coi đây là một ý tưởng tồi. Nếu Australia - thành viên Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) quyết định hạt nhân hóa, thì về nguyên tắc, rất khó để thuyết phục Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước khác làm theo, đe dọa nghiêm trọng đến cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân nói chung.
Quan điểm này là sai lầm cơ bản. Trên thực tế, Australia có một vị thế pháp lý rất độc đáo đối với vũ khí hạt nhân. Hiện tại, có 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thuộc NPT (Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc). Theo Điều IX.3 của NPT, một quốc gia có thể gia nhập hiệp ước với tư cách là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nếu quốc gia đó “sản xuất và cho nổ thiết bị hạt nhân trước ngày 1/1/1967”. Australia thỏa mãn điều kiện này.
Trong những năm 1950-1960, Australia đã "đăng cai" một loạt vụ thử hạt nhân do Anh tiến hành. Các vụ nổ hạt nhân này được tiến hành trên lãnh thổ có chủ quyền của Australia với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học và quân nhân Australia. Các thử nghiệm này nhận được sự hỗ trợ tài chính trực tiếp từ chính phủ Australia, với ít nhất một số vụ nổ có thể đã sử dụng vật liệu phân hạch có nguồn gốc địa phương từ bên trong Australia. Không có quốc gia thành viên nào khác không sở hữu vũ khí hạt nhân thuộc NPT có vị thế tương tự.
Theo chuyên gia Rod Lyon thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, các nhà đàm phán Australia đã nhận thức rất rõ về cơ sở pháp lý này trước khi Australia tham gia NPT. Nói tóm lại, nếu Australia xác định rằng việc phát triển một biện pháp răn đe hạt nhân độc lập là một nhiệm vụ an ninh quốc gia, thì nước này có quyền hợp pháp để làm như vậy.
Vì quy chế pháp lý này không áp dụng cho các đồng minh khác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, nên việc Australia thay đổi quy chế hạt nhân theo NPT sẽ không làm suy yếu toàn bộ hiệp ước.
Một nước Australia được trang bị vũ khí hạt nhân có thể sẽ mang lại cho Mỹ một số lợi thế chiến lược: Củng cố quyết tâm của Australia trong việc hỗ trợ Mỹ trong một cuộc cạnh tranh chiến lược chưa ngã ngũ ở châu Á - Thái Bình Dương; hỗ trợ khả năng răn đe hạt nhân mở rộng bằng cách loại bỏ một yếu tố tiềm ẩn dễ bị tổn thương trong chính sách và các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ coi Australia là một đối tác chiến lược có năng lực hơn và tăng cường hợp tác.
Nâng vị thế trong đàm phán hạt nhân
Hơn nữa, một nước Australia được trang bị vũ khí hạt nhân khiến việc đưa nước này trở thành một tổ chức phòng thủ tập thể rộng lớn trở nên khả thi hơn nhiều. Việc có một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương với khả năng răn đe hạt nhân độc lập sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Australia đạt được những mục tiêu này mà không làm suy yếu nghiêm trọng các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi rộng.
Mỹ nên công nhận quyền sở hữu vũ khí hạt nhân của Australia theo NPT. Điều này không có nghĩa là Australia sẽ ngay lập tức tìm cách có được những loại vũ khí như vậy. Australia có thành tích không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ và một lịch sử lâu dài về hoạt động giải trừ vũ khí.
Trong ngắn hạn, Australia sẽ sử dụng sự công nhận này để thúc đẩy vị thế của mình trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân hiện nay, tiếp tục thuyết phục các nước trong khu vực thực hiện kiềm chế hạt nhân.
Bất kể lựa chọn hạt nhân trong tương lai của Australia như thế nào, việc thừa nhận thực tế pháp lý về vị thế độc nhất vô nhị của Australia theo NPT sẽ hỗ trợ chiến lược dài hạn của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương. Chính phủ Mỹ nên làm như vậy như một vấn đề ưu tiên.
Article sourced from baoquocte.vn.