Tỷ phú Mỹ tiêu tiền thế nào khi mới giàu
Năm 1990, Mark Cuban bán công ty phần mềm MicroSolutions với giá 6 triệu USD. Sau khi trừ thuế, ông nhận 2 triệu USD. Trong cuộc phỏng vấn với nhà sáng tạo nội dung Jules Terpak (Mỹ) đầu tuần này, Cuban cho biết ngay khi nhận tiền, ông đã gọi cho nhân viên môi giới chứng khoán.
"Tôi muốn anh đầu tư cho tôi như một người 60 tuổi. Tôi không muốn đầu tư như người trẻ, vì muốn giữ tài sản thật lâu", Cuban (66 tuổi) cho biết.
Mark Cuban trong một phiên thảo luận tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2024. Ảnh: Reuters
Cuban không lớn lên trong gia đình có điều kiện. Cha ông là thợ bọc đệm ôtô. Ông cũng biết tài sản có thể cạn kiệt nhanh chóng, vì từng phá sản năm 27 tuổi, sau khi thành lập MicroSolutions. Sau đó, ông luôn sống tằn tiện như sinh viên nghèo.
Khi mới khởi nghiệp, Cuban sống cùng 5 người khác, ngủ trên sàn nhà và lái một chiếc xe cũ. Sau khi trở thành triệu phú, ông vẫn duy trì lối sống tiết kiệm, dưới mức số tài sản đó mang lại.
"Khi bán MicroSolutions, tôi vừa mua căn nhà rẻ tiền nhất trong khu. Tôi không thích xe hơi. Tôi muốn sống như sinh viên và sống vui vẻ", ông nói.
Dù vậy, lối sống của ông cũng có ngoại lệ. Cuban từng mua thẻ bay trọn đời 125.000 USD của hãng hàng không American Airlines. "Tôi làm thế để có thể bay đến bất kỳ thành phố nào và tiệc tùng như một ngôi sao nhạc rock", ông giải thích.
Tuy nhiên, ông đã bỏ chiến lược đầu tư rủi ro thấp năm 1999, khi bán công ty thứ 2 là dịch vụ streaming Broadcast.com với giá 5,7 tỷ USD. Trở thành tỷ phú khiến ông cảm thấy yên tâm hơn nhiều. "Được rồi, thế là xong", Cuban nghĩ và bắt đầu đầu tư mạo hiểm.
Ông nổi tiếng với các thương vụ mạo hiểm khi tham gia chương trình gọi vốn Shark Tank của đài ABC. Ông nói rằng chấp nhận rủi ro một cách thông minh là điều cần thiết để trở nên giàu có.
Dù vậy, trên CNBC, ông cho biết đến nay vẫn giữ thói quen không chi tiêu quá đà. Ông không sở hữu du thuyền, thuê quản gia hay người vệ sinh nhà cửa. Hiện tại, ông dành phần lớn thời gian cho gia đình và điều hành startup dược phẩm Cost Plus Drugs. Mục tiêu của startup này là giúp thuốc kê đơn có giá cả phải chăng hơn.
"Tôi giờ không nghĩ nhiều đến việc kiếm tiền, mà muốn tìm cách nào đó làm lợi cho nhiều người Mỹ nhất có thể", ông nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ty-phu-my-tieu-tien-the-nao-khi-moi-giau-4830598.html