Tưới thứ này một chút, cây lớn nhanh như thổi, cành lá xanh mướt như bôi mỡ
Vậy tại sao bạn không sử dụng những nguyên liệu có sẵn trong nhà để ủ thành phân bón tưới cho cây? Cách này vừa tiết kiệm vừa mang lại hiệu quả cao, không chỉ giúp cây nhanh lớn mà còn giải quyết được các vấn đề về đất trồng.
Trong lĩnh vực trồng hoa, đậu tương được nhiều người yêu hoa gọi là “phân đạm tự nhiên”. Tuy nhiên không chỉ chứa lượng đạm lớn, trong đậu tương còn có cả phân lân, kali và các chất dinh dưỡng khác như đa-trung-vi lượng, muối khoáng, các axit amin,… có thể đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây cảnh về mọi mặt.
Không chỉ giúp cây phát triển tốt, bật nhiều lộc và mầm nụ, loại phân đạm tự nhiên này còn giúp tăng sức đề kháng cho cây trồng, hạn chế lá vàng, rụng lá trên cây. Đồng thời, đậu tương còn có khả năng phân hủy các chất khó tan và độc tố trong đất, tăng mật độ vi sinh vật có ích trong đất, làm cho đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.
Dưới đây là 2 cách dùng đậu tương cho hoa, cây cảnh:
Cách 1: Chôn trực tiếp xuống đất
Với cách này, bạn hãy luộc chín đậu tương rồi đào một vài lỗ nhỏ quanh mép chậu hoa, cho đậu tương vào rồi lấp đất lại. Đỗ tương sẽ từ từ phân hủy và trở thành phân hữu cơ, cho cây hấp thụ dần dần. Lưu ý, không nên chôn đậu tương sát gốc cây, nếu không trong quá trình phân hủy sẽ sinh nhiệt, có thể khiến rễ cây bị cháy.
Cách 2: Ủ phân đỗ tương
Ngoài cách trên còn có cách khác, tuy phức tạp hơn nhưng hiệu quả gấp đôi. Đó chính là ủ phân đỗ tương. Bởi nếu bón trực tiếp, phải mất từ 3-4 tháng cây mới có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng từ đỗ tương. Nếu ngâm ủ để tưới, cách này sẽ làm tăng mật độ vi sinh vật có ích trong đất, giúp đất tơi xốp, dinh dưỡng được giữ, hấp thu và sử dụng triệt để.
Với cách này, bạn hãy ngâm đậu nành qua đêm, nấu chín rồi để nguội. Sau đó, cho đậu nành và nước luộc vào thùng có nắp đậy. Nếu có vỏ cam, quýt, hãy cắt nhỏ và cho vào thùng để khử mùi hôi sau khi lên men.
Đổ đầy nước đến 8 phần, nếu nước nấu đậu nành không đủ thì bạn có thể thêm nước. Đậy kín nắp kín rồi đặt ở nơi ấm áp, thoáng gió. Khoảng 6 tháng là bạn có thể dùng được rồi nhưng lúc này đậu nành vẫn còn mùi hôi, nhưng nếu ủ trên 1 năm thì sẽ không có mùi đặc biệt vì nó đã phân hủy hoàn toàn.
Khi sử dụng, bạn hãy chắt lấy phần nước nổi phía trên pha thêm 8 phần nước. Mỗi tháng tưới 2 lần cho cây trong thời kỳ sinh trưởng. Khi cây ra hoa, chỉ nên tưới 1 tháng/lần và có thể bổ sung thêm kali dihydro photphat để thúc cây ra hoa.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/cay-canh-vuon/thu-nay-la-phan-dam-tu-nhien-tuoi-mot-chut-cay-lon-nhanh-nhu-thoi-la-xanh-muot-nhu-boi-mo-c283a549200.html