Từ nhà cung cấp đui bóng đèn, Panasonic thành đế chế thiết bị gia dụng nổi tiếng thế giới
Biểu tượng Panasonic tại trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP)
Trải qua nhiều sóng gió cũng như cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ trên thị trường, Panasonic tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và luôn kiên định với cam kết mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người tiêu dùng trên thế giới thông qua những sản phẩm chất lượng.
Được thành lập vào ngày 7/3/1918, sự ra đời và phát triển của Panasonic là một câu chuyện thành công của người sáng lập Konosuke Matsushita.
Sinh ra trong một gia đình nông dân có bảy anh chị em, Masushita bắt đầu làm việc từ sớm để kiếm sống và nuôi gia đình. Từ một người học việc tại công ty sản xuất xe đạp, Masushita sau đó xin vào làm cho công ty đèn điện Osaka Electric Light Company.
Năm 1918, ở tuổi 23, Masushita xin nghỉ việc ở Osaka để mở cửa hàng chuyên bán đồ điện với số vốn chỉ vỏn vẹn 97 yen.
Ông đã miệt mài nghiên cứu và thiết kế thành công chiếc đui bóng đèn mới. Tiếp đó, ông Matsushita mở rộng sản xuất các sản phẩm, bao gồm ổ điện cải tiến và đui bóng đèn hai chân - những sản phẩm do chính ông thiết kế. Các sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng trên thị trường vì chất lượng tốt và giá thành thấp. Ngày nay, Panasonic vẫn tiếp tục bán sản phẩm này với giá khoảng 140 yen (1,25 USD).
Trải qua Thế chiến thứ hai và nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, Panasonic vẫn “sống sót” và phát triển mạnh trong giai đoạn hậu chiến tranh.
Từ năm 1945 đến năm 1959, Panasonic bắt đầu sản xuất máy giặt, tivi đen trắng, tủ lạnh, radio, nồi cơm điện, máy ghi âm và máy điều hòa không khí gia dụng.
Doanh nghiệp này bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu trong những năm 1950. Xây dựng doanh nghiệp với chỉ 20 người vào cuối năm 1918, đến nay lực lượng lao động của Panasonic đã lên tới hơn 271.000 người.
Với "Sứ mệnh sản xuất các vật dụng chất lượng cao cho người dân Nhật Bản và toàn thế giới" và phương châm "Xây dựng sản nghiệp là yêu nước," ông Masushita đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên thương trường. Đối với người lao động, ông xác định "tuyệt đối không cắt giảm công nhân và tiền lương của họ," và sản phẩm thì "tuyệt đối không hạ giá bán."
Panasonic liên tục đổi mới, mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu cũng như tiếp tục hướng tới các công nghệ tương lai. Tháng 7/2014, Panasonic bắt tay với hãng sản xuất xe điện Tesla Motor hàng đầu của Mỹ khi thông báo sẽ đầu tư hơn 250 triệu USD vào nhà máy pin Gigafactory của Tesla.
Ngày nay, các “đại gia” công nghệ như Amazon và Apple mới bắt đầu nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhưng từ năm 1937, ông Matsushita đã thành lập một Hiệp hội bảo hiểm y tế cho nhân viên, sau đó là Bệnh viện Matsushita vào năm 1940.
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng như sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trên thị trường, Panasonic đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng cho con đường tăng trưởng của mình. Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này vẫn chưa vượt qua được con số kỷ lục 575 tỷ yen (tương đương 5,4 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) ghi nhận được trong năm tài chính 1984. Đó cũng là thời điểm doanh số bán đầu băng từ VHS bùng nổ. Năm 2012, khi Kazuhiro Tsuga trở thành vị Chủ tịch thứ tám của Panasonic, tình hình đã xấu đi một cách đáng kinh ngạc. Cuối năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2018, Panasonic ghi nhận mức lỗ ròng khổng lồ 772,2 tỷ yen.
Ngay lập tức, ông Tsuga đã đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu, ngăn chặn tình trạng chảy máu tài chính bằng các biện pháp quyết liệt, như cắt bỏ bộ phận kinh doanh tivi plasma. Tuy nhiên, con số 350 tỷ yen, mức lợi nhuận hoạt động dự kiến cho năm tài chính 2018 vẫn chỉ bằng 60% mức đỉnh điểm trước kia của Panasonic.
Trước bối cảnh đó, Panasonic nỗ lực đẩy nhanh tốc độ hợp nhất các văn phòng và nhà máy trên toàn cầu, với mục tiêu nâng lợi nhuận tài khóa 2021 lên 100 tỷ yen (920 triệu USD).
Nhà máy của Panasonic ở Inashiki, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. (Ảnh: AFP)
Gần đây, Panasonic thông báo sẽ ngừng sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) từ năm 2021, trong bối cảnh các nhà sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường này trên toàn cầu.
Các nguồn tin thân cận với Panasonic cho biết doanh nghiệp này sẽ bán mảng kinh doanh chip cho công ty Nuvoton của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), như một phần trong nỗ lực tái cấu trúc để loại bỏ những mảng kinh doanh thua lỗ và tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng.
Dự kiến, Panasonic sẽ bán cổ phần của mình tại hai công ty sản xuất chất bán dẫn là Panasonic Semiconductor Solutions và TowerJazz, một liên doanh với công ty Tower Semiconductor của Israel, cho Nuvoton.
Bên cạnh đó, ông Kazuhiro Tsuga tuyên bố Panasonic sẽ "xóa sổ" tất cả các mảng kinh doanh thua lỗ liên tục trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022. Dự kiến lần đầu tiên trong ba năm qua, Panasonic sẽ ghi nhận doanh số và lợi nhuận ròng sụt giảm trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3/2020. Theo đó, lợi nhuận ròng của tập đoàn trong năm tài chính hiện tại sẽ giảm 29,6% so với một năm trước, xuống còn 200 tỷ yen (1,8 tỷ USD), trong khi doanh thu giảm 3,8% xuống 7.700 tỷ yen (70,36 tỷ USD).
Vượt qua nhiều thăng trầm, nhưng Panasonic vẫn luôn kiên định với cam kết mang lại "một cuộc sống tốt đẹp hơn, một thế giới tươi đẹp hơn." Thương hiệu hơn 100 năm tuổi này xác định chiến lược trọng tâm trong kỷ nguyên mới là đồng sáng tạo cùng đối tác, khách hàng và người tiêu dùng để đem lại những giá trị mới. Panasonic cũng đặt mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm nhằm cập nhật phong cách sống cho tương lai.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/panasonic-de-che-do-gia-dung-phat-trien-tu-chiec-dui-bong-den/616293.vnp