Tử địa trong trận lụt lịch sử ở thủ đô Seoul

12:00' 12-08-2022
Với chiếc bát nhựa, Ha In-Sik múc từng gáo nước khỏi nhà bán hầm tại phường Silim ở Seoul, nơi trận mưa kỷ lục buộc gia đình ông phải ngủ tại công viên.

Người đàn ông 50 tuổi đã phải cùng vợ và con gái thu dọn đồ đạc, sách vở, và cả dao kéo ra ngoài. "Tôi không có tiền, không có gì cả. Gia đình tôi buộc phải sống trong căn nhà bán hầm này, vì đó là lựa chọn duy nhất", ông Ha nói với Reuters. "Mọi thứ biến mất, không có sự trợ giúp. Thực sự tuyệt vọng, tôi thậm chí không có thìa để ăn".

Tối 8/8, trận mưa lớn nhất trong 115 năm qua trút xuống Seoul và các khu vực lân cận, nhấn chìm thủ đô trong biển nước, khiến 16 người thiệt mạng, nhiều người mất tích. Cảnh sát thủ đô đã phát hiện ba thi thể trong một gia đình trong nhà bán hầm ở Silim, khi nước lũ từ lối lên xuống hầm ồ ạt trút vào nhà.

Hàng xóm nghe thấy tiếng kêu cứu đã chạy tới phá cửa sổ để cứu giúp, song bất thành do nước dâng qua nhanh, làm ngập căn nhà chỉ trong vài giây. Sự việc khiến nhiều người liên tưởng đến bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) được công chiếu năm 2019, gây tiếng vang lớn và đoạt giải Oscar năm 2020, do thành công trong việc lột tả khoảng cách giàu nghèo tại Hàn Quốc.

Cho đến ngày 10/8, nhiều khu nhà ở Silim vẫn ngập, tình trạng được ví như vũng lầy. Giống gia đình ông Ha, những cư dân khác ở Silim cũng phải múc nước khỏi căn hộ bằng những chiếc bát lớn.

Các căn hộ bán hầm được xây dựng thấp hơn so với đường phố, nằm dưới các tòa nhà chung cư thấp tầng. Do chi phí rẻ, các hộ gia đình thu nhập thấp, người ngoại tỉnh hay lao động nước ngoài thường chọn thuê trọ trong những căn hộ bán hầm để tiết kiệm tiền.

Binh sĩ Hàn Quốc dọn dẹp một căn hộ bán hầm bị nhấn chìm ở phường Silim, Seoul, thủ đô Hàn Quốc, ngày 10/8. Ảnh: Reuters.

"Hầu như nhà ở Hàn Quốc đều có bán hầm, trải dài ở các khu vực từ trũng thấp cho đến cao, đây là đặc điểm địa lý ở thủ đô", Tiến sĩ Nguyễn Khánh Vĩnh, giảng dạy môn Văn minh và Văn Hóa Thế giới tại Đại học Myongji, Seoul, nói với VnExpress.

Giữa căng thẳng Hàn-Triều, chính phủ Hàn Quốc năm 1970 cập nhật quy tắc xây dựng, yêu cầu tất cả các tòa nhà chung cư thấp tầng phải có tầng hầm để làm boongke trong trường hợp khẩn cấp, nhưng quy định cấm cho thuê.

"Ban đầu không gian này được sử dụng làm nhà kho, trước khi lực lượng lao động nhập cư xuất hiện, trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc bùng nổ những năm 1970-1980". ông Vĩnh nói. "Họ là biểu tượng của tầng lớp nghèo trong xã hội, chọn sử dụng nhà kho làm nơi ở, bất chấp môi trường ẩm mốc, thiếu ánh sáng và không khí".

Theo thời gian, nhà bán hầm được hợp pháp hóa và thừa nhận như một không gian sống và trang bị như một căn hộ thực thụ, chỉ khác ở chỗ không nằm bên trên mặt đất và không có lối thoát hiểm. Báo cáo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2020 của Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc cho biết thủ đô Seoul có khoảng 427.000 người sống trong các căn hộ bán hầm.

Năm 2018, Liên Hợp Quốc lưu ý dù kinh tế Hàn Quốc lớn thứ 11 thế giới, tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ là một vấn đề nổi bật, đặc biệt đối với nhóm trẻ và nhóm nghèo.

"Nhà bán hầm rất bí bách, nhưng nhiều người thu nhập thấp buộc phải sống ở đó, do chi phí sinh hoạt ở Seoul quá đắt đỏ", chị Mơ, người Việt định cư tại Hàn Quốc 6 năm qua và đang sống ở Seoul, nói.

Một phụ nữ Hàn Quốc ngồi làm việc trong căn hộ bán hầm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/2/2020. Ảnh: AP.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh năm 2020, Oh Kee-cheol, ngoài 30 tuổi, làm việc trong ngành hậu cần, mô tả căn hộ bán hầm mình thuê có độ ẩm "không thể chịu nổi" và phải chiến đấu với nấm mốc phát triển nhanh chóng. Căn hộ không có ánh sáng mặt trời, đến nỗi cây cảnh nhỏ không thể sống sót. Người qua đường có thể nhìn trọn vẹn khung cảnh bên trong từ cửa sổ.

Phòng tắm nhỏ không có bồn rửa, nâng cao hơn nửa mét so với sàn nhà. "Khi mới chuyển đến, tôi bầm dập vì va chạm trong không gian chật hẹp", Oh chia sẻ.

"Dù dạng nhà này tượng trưng cho sự nghèo khó, tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền. Tôi cảm thấy ổn", Oh nhấn mạnh. "Nhưng tôi không thể ngăn mọi người thương hại mình".

Park Young-jun, nhiếp ảnh gia gần 30 tuổi, lựa chọn ở nhà bán hầm cùng bạn gái vì chi phí rẻ. Anh liên tục sử dụng máy hút ẩm trong mùa hè, đồng thời sửa và trang trí căn hộ trông khang trang hơn. "Tôi không muốn mọi người thương hại chỉ vì sống ở đây", Park giải thích, bày tỏ sự hài lòng về nơi này.

Hạnh Nguyễn, sinh viên năm hai khoa Kinh tế thuộc Đại học Myongji cơ sở Seoul, cho biết nhiều du học sinh Việt thuê nhà bán hầm. "Tôi cũng sử dụng nhà bán hầm do chi phí rẻ, nhưng lựa chọn khu vực trên cao nên không ảnh hưởng bởi mưa lũ".

Diễn viên Song Kang-Ho nhìn lên cửa sổ từ căn nhà bán hầm trong một cảnh phim "Parasite (Ký sinh trùng)". Ảnh: One Day Korea.

Tuy nhiên, trận mưa lịch sử và sự việc gia đình thiệt mạng trong nhà bán hầm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn của những căn hộ này,

"Các nhà hoạch định đô thị không dự tính được biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội", tiến sĩ Vĩnh nhận định. "Thiệt hại về trận mưa chưa được thống kê đầy đủ, song tác động rất lớn. Các khu nhà bán hầm trũng thấp ở nội đô Seoul là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp".

Theo ông Vĩnh, nhà bán hầm thiếu an toàn do không có lối thoát hiểm, hệ thống thoát nước cũng không kiểm soát được lượng nước tràn vào nhà. Các đô thị mới thiết kế tại Hàn Quốc đã bắt đầu cấm sử sụng hầm làm nơi cư trú.

"Trong tương lai, nên trả lại những căn hộ bán hầm về vị trí của nó, là những kho hàng hóa, để tránh những thiệt hại không thể tránh khỏi do ảnh hưởng sức khỏe, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội liên quan".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Moira Deeming MLCParliament of Victoria Vùng: Caroline Springs. Phone: 8363 0288
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nha-ban-ham-tu-dia-trong-tran-lut-lich-su-o-seoul-4497755.html