Chuyến công du 6 nước Trung Đông tuần trước của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị diễn ra vào thời điểm Mỹ đang nỗ lực loại Bắc Kinh khỏi các dự án công nghệ trên khắp Đại Tây Dương. Thời gian chuyến công du cũng mang ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh Iran đang yêu cầu Đức, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc, các bên tham gia Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, đề xuất sáng kiến kinh tế thay thế để ứng phó với lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Bắc Kinh hy vọng những nỗ lực của họ trong khu vực và đặc biệt là cam kết với Iran sẽ khuyến khích các bên của JCPOA tìm ra cách giúp họ một lần nữa trở lại bàn đàm phán chương trình hạt nhân Tehran. Trung Quốc mong muốn mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế bằng cách tự coi mình như "người hòa giải" tiềm năng chuyên tháo gỡ bế tắc, theo Zaki Shaikh, nhà phân tích người Anh.

"Năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, quan hệ Trung Quốc - Iran đang ở một điểm khởi đầu mới", hãng thông tấn nhà nước Xinhua dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc gặp với người đồng cấp Mohammad Javad Zarif cuối tuần trước.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác ở Tehran hôm 27/3. Ảnh: AFP.

Trong thỏa thuận được Ngoại trưởng Vương Nghị và người đồng cấp Javad Zarif ký hôm 27/3, Trung Quốc đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong vòng 25 năm, trên các lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, cảng biển, đường sắt, y tế và công nghệ thông tin.

Đổi lại, Trung Quốc sẽ nhận được nguồn cung dầu mỏ ổn định và ưu đãi từ phía Iran, theo một quan chức cấp cao nước này. Theo thỏa thuận, hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác quân sự, gồm tổ chức các cuộc diễn tập và tập trận chung, cùng nghiên cứu, phát triển vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.

Khi các nước khác theo đuổi cách tiếp cận nhằm gây áp lực quân sự lên Iran, Bắc Kinh khuyến khích tiến hành con đường ngoại giao với Tehran và góp phần giảm căng thẳng ở khu vực này.

"Thỏa thuận và chuyến thăm của ông Vương Nghị đã đánh dấu thay đổi lớn trong quan hệ của Trung Quốc với Iran và khu vực", cựu đại sứ Trung Quốc tại Tehran Hua Liming cho hay.

Thay đổi này đến khi khu vực đang tìm kiếm một con đường phát triển mới. Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và đẩy mạnh hợp tác ở Vịnh Ba Tư. Bộ Thương mại Trung Quốc nói quốc gia này sẽ nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như lợi ích hợp pháp của mối quan hệ Bắc Kinh - Tehran.

Theo quan điểm của Trung Quốc, khu vực này phải bước ra khỏi bóng tối của cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc để theo đuổi chính sách của mình một cách độc lập, chống lại can thiệp và áp lực từ bên ngoài. Bắc Kinh cũng muốn các nước trong khu vực tuân theo cách tiếp cận hòa giải và hòa hợp để xây dựng kiến trúc an ninh đáp ứng mọi mối quan ngại chính đáng của tất cả các bên.

Ngoại trưởng Vương Nghị đã yêu cầu Mỹ đưa ra biện pháp cụ thể để giảm cấm vận đơn phương đối với Iran và ngừng theo đuổi chính sách trừng phạt bên thứ ba bị coi là vi phạm lệnh cấm vận với Tehran. Ông cũng kêu gọi Iran tiếp tục thực hiện cam kết về vấn đề hạt nhân, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế nên ủng hộ nỗ lực của các nước trong khu vực để xây dựng Trung Đông như một khu vực không có hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Ông Vương cho rằng với cách tiếp cận đồng thuận, tất cả các bên nên thảo luận và xây dựng lộ trình để thực hiện JCPOA. Nhà phân tích người Anh Zaki Shaikh cho rằng Trung Quốc đang tự xem mình là người bảo vệ, người xây dựng và đóng góp cho trật tự quốc tế hiện tại.

"Bất kỳ hợp tác nào trong tương lai nhằm giải quyết vấn đề như biến đổi khí hậu hay hạt nhân Iran đều nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc như người hòa giải. Khi Iran muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận, Trung Quốc rất có thể đóng vai trò quan trọng để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán như vậy", Shaikh viết.

Li Haidong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói không có bên nào có thể ngăn cản nỗ lực điều phối và tham gia của Trung Quốc. Ông nhận định Trung Quốc có thể đảm nhận vai trò "trung gian hòa bình" trong vấn đề hạt nhân Iran.

Nhà bình luận chính trị A. Chizhevski lưu ý những diễn biến mới đây có thể khiến Iran được xem như "căn cứ quân sự" cho Trung Quốc và Nga để đối trọng với sự hiện diện của Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Ông thậm chí hình dung kịch bản máy bay chiến đấu, oanh tạc cơ và vận tải cơ của Trung Quốc, Nga có thể sử dụng không hạn chế các căn cứ không quân của Iran.

Trong nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh vẫn khá thận trọng trong việc hợp tác với Iran. Nhưng lập trường cứng rắn của chính quyền Joe Biden dường như đã thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận chủ động hơn ở Trung Đông, theo Shaik. Bắc Kinh đang cố gắng tạo thêm không gian địa chính trị để thúc đẩy lợi ích địa kinh tế trong và xung quanh khu vực Tây Á.

Nhà phân tích Nga Dmitry Belyakov cho rằng việc Iran không thể tạo dựng quan hệ hợp tác quốc phòng gắn kết hơn với Nga và hợp tác kinh tế với Ấn Độ đã khiến Bắc Kinh trở thành đối tác chiến lược lý tưởng của họ. Tehran cũng nhận ra rằng các mục tiêu của Ấn Độ trong khu vực đang dần tập trung vào Mỹ.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, Tehran tham vọng giành được những khoản đầu tư cần thiết cũng như công nghệ của Trung Quốc để khôi phục nền công nghiệp già cỗi và mở ra con đường phát triển cho tương lai.

Theo Saeed Khatibzadeh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, văn kiện hợp tác Trung Quốc - Iran là lộ trình hoàn chỉnh với các điều khoản về kinh tế và chính trị chiến lược.

"Chúng tôi cảm ơn Trung Quốc vì những lập trường và hành động có giá trị của họ giữa lúc Iran chịu nhiều lệnh trừng phạt khắc nghiệt", Ngoại trưởng Zarif nói và gọi Bắc Kinh là "người bạn trong lúc hoạn nạn".

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Ngoại trưởng UAE Abdullah Bin Zayed Al Nahyan tại Abu Dhabi hôm 28/3. Ảnh: Reuters.

Chuyến công du 7 ngày của Ngoại trưởng Vương Nghị tại 6 nước Trung Đông, trong đó có Iran, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, đến giữa lúc Trung Quốc ngày càng đối đầu gay gắt với Mỹ và chính quyền Biden đang nỗ lực xây dựng mặt trận thống nhất chống Bắc Kinh ở châu Âu và châu Á. Đáp lại, Trung Quốc cũng tăng cường nỗ lực lôi kéo toàn cầu, bao gồm các nước từng được xem coi là trong vùng ảnh hưởng của Washington.

"Đã đến lúc nhìn nhận nghiêm túc hậu quả tồi tệ do sự can thiệp từ bên ngoài gây ra và hợp tác với nhau để tìm ra cách hiệu quả duy trì ổn định và an ninh lâu dài của khu vực", ông Vương nói với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?

Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-xoay-truc-ve-trung-dong-truoc-ap-luc-tu-my-4255483.html