Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 47,48 triệu ca mắc và hơn 777.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 32.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ đã mở cửa cho du khách quốc tế sau hơn 18 tháng hạn chế do tác động của đại dịch COVID-19. Động thái này được cho là nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngành du lịch cũng như tạo điều kiện cho các gia đình bị ly tán do các biện pháp hạn chế đi lại vì dịch bệnh được áp dụng trước đó.

CDC Mỹ cho biết, tính đến sáng 8/11, nước này đã tiêm chủng được 432.111.860 liều vaccine COVID-19 trên cả nước, tăng hơn 1 triệu liều so với ngày trước đó. Theo CDC Mỹ, hiện có 223.944.369 người tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 194.001.108 người đã tiêm đủ hai mũi. Trong số những người đã tiêm đủ liều, khoảng 24,8 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Mỹ hiện đang triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/11, nước này ghi nhận hơn 4.500 ca mắc mới COVID-19 và 64 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34,37 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 461.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ngày 9/11, hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn tin cho biết, Ấn Độ có thể nối lại việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX trong vài tuần tới, sau 7 tháng tạm dừng do sự bùng phát dịch ở trong nước. Các quan chức COVAX đã bắt đầu lập kế hoạch phân bổ vaccine Covishield, phiên bản vaccine của hãng AstraZeneca được Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, cho nhiều quốc gia. Tháng 10, Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết có thể cung cấp 20 - 30 triệu liều vaccine mỗi tháng cho COVAX trong hai tháng cuối năm này và sẽ tăng dần số lượng từ tháng 1 năm sau, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Sản lượng vaccine của Viện huyết thanh Ấn Độ đã tăng gần gấp 4 lần kể từ tháng 4, đến nay đạt 240 triệu liều/tháng.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 609.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,88 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Người dân Nga đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ 9 ngày bắt buộc nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Tuy nhiên, tình hình dịch tại nước này vẫn diễn ra rất phức tạp với số ca mắc mới và tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở mức cao. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 39.160 ca nhiễm mới và trên 1.200 người tử vong. Số liệu trên thấp hơn một chút so với con số kỷ lục hơn 41.000 ca mắc vào ngày 6/10.

Mặc dù đã cho người dân quay trở lại làm việc bình thường, Chính phủ Nga vẫn duy trì những hạn chế chống dịch như chế độ cách ly tại nhà với người lớn tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa nhiễm bệnh trong vòng 6 tháng, đảm bảo 30% nhân viên các doanh nghiệp làm việc từ xa và thắt chặt chế độ khẩu trang trên các phương tiện công cộng.

Hiện nước này đã có hơn 57 triệu người được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, mức độ miễn dịch cộng đồng ước tính đạt 48%.

Đức đã công bố một loạt đề xuất mới chống dịch COVID-19 trong bối cảnh nước này ghi nhận tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày qua tăng lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch hồi năm 2020. Theo thống kê, Đức đã ghi nhận tỷ lệ mắc mới là 201,1 ca/100.000 người trong 7 ngày qua, vượt kỷ lục 197,6 ca/100.000 người được ghi nhận vào ngày 22/12/2020.

Sau tuần nghỉ giãn cách, tình hình dịch bệnh tại Nga vẫn phức tạp. (Ảnh: AP)

Nguyên nhân gia tăng các ca mắc mới và số ca nhập viện được cho là do tỷ lệ tiêm chủng chững lại. Kế hoạch phòng chống dịch bệnh mới bao gồm khả năng cấm những người chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tham gia những sự kiện trong nhà, áp đặt các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn tại nơi làm việc và yêu cầu xét nghiệm PCR thay vì xét nghiệm nhanh. Mục tiêu của Chính phủ Đức là nhằm kiểm soát làn sóng thứ tư có nguy cơ bùng phát trong mùa đông này. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại quốc gia đông dân nhất EU này vẫn chỉ ở mức dưới 70%.

Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia thông báo sẽ nới lỏng các quy định phòng dịch sớm hơn dự kiến, sau khi địa phương này đạt được mốc tiêm chủng đặt ra là 95% dân số trên 12 tuổi được tiêm đầy đủ. Thủ hiến ATC Andrew Barr và Bộ trưởng Y tế của ACT Rachel Stephen-Smith cho biết, thủ đô Canberra sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo của việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 12/11 tới, thay vì ngày 26/11 như lộ trình đề ra trước đó. Dự kiến, bắt đầu từ 0h ngày 12/11, các hạn chế được áp dụng trong thời gian ATC áp đặt lệnh phong tỏa kể từ ngày 12/8 vừa qua sẽ được nới lỏng.

Ngày 9/11, Australia ghi nhận 1.292 ca nhiễm mới và 14 người tử vong trong bối cảnh nước này tiếp tục đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Hầu hết các ca mắc mới tập trung tại bang Victoria, bang đông dân thứ hai. Theo Bộ Y tế Australia, đến nay, khoảng 89,4% dân số Australia trên 16 tuổi đã được tiêm một mũi vaccine và 80,6% được tiêm chủng đầy đủ.

Ngày 9/11, Bulgaria đã báo cáo số ca tử vong do COVID-19/ngày cao kỷ lục khi nước có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất EU này đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch thứ 4. Theo số liệu chính thức, vào ngày 9/11, Bulgaria ghi nhận số ca nhiễm mới là 5.286 người, giảm so với mức cao nhất vào cuối tháng 10. Trong khi đó, 334 người đã thiệt mạng vì COVID-19 trong ngày 9/11, con số tử vong trong 24 giờ cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu diễn ra ở quốc gia này.

Hơn 8.500 người đã phải nhập viện điều trị COVID-19, trong đó có 734 người được điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Từ ngày 29/11 tới, Malaysia và Singapore sẽ chính thức khởi động hành lang du lịch giữa hai nước dành cho người đã hoàn thành tiêm phòng COVID-19. Theo đó, những du khách đã hoàn tất việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ có thể đi lại giữa sân bay quốc tế Changi của Singapore và sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia. Những du khách này chỉ phải xét nghiệm COVID-19 sau khi nhập cảnh, nếu âm tính sẽ không phải cách ly. Malaysia là quốc gia thứ 14 mà Singapore mở hành lang du lịch dành cho người đã hoàn thành tiêm chủng.

Trong khuôn khổ Chính sách du lịch quốc gia 2020-2030, Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia (MOTAC) sẽ thành lập các khu đầu tư đặc biệt nhằm hồi sinh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Singapore đã nới lỏng các yêu cầu cách ly với người nhập cảnh đến từ 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam bắt đầu từ ngày 12/11 tới đây. Theo đó, người nhập cảnh từ các quốc gia này sẽ chỉ phải xét nghiệm nhanh ATR trong vòng 48 giờ trước khi xuất cảnh, cách ly tại nơi cư trú 7 ngày và sau đó xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7.

Singapore cũng sẽ thiết lập thêm làn đi lại dành cho người đã tiêm đủ vaccine với 3 quốc gia gồm Malaysia, Phần Lan và Thụy Điển bắt đầu từ 29/11 tới đây. Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine di chuyển qua luồng du lịch này khi vào Singapore sẽ không phải cách ly.

Indonesia đang có kế hoạch hợp tác với các trường học để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Đối với trẻ em khuyết tật, Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ hợp tác với các trường chuyên biệt và cơ sở cộng đồng cho người khuyết tật. Với trẻ em không được đến trường, chính quyền nước này sẽ phối hợp với Văn phòng các vấn đề xã hội. Đối với trẻ em mắc các bệnh bẩm sinh như tim, bạch cầu không được tiêm chủng nếu không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Hội đồng khoa học Indonesia cũng đang xây dựng các phương án sàng lọc phù hợp cho từng đối tượng trẻ em khi tiến hành tiêm chủng. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 26 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi trên cả nước.

Bộ Y tế Singapore cho biết, bắt đầu từ ngày 8/12, tất cả những người đã lựa chọn không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện sức khỏe nếu bị mắc bệnh và nhập viện sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí điều trị.

Theo Bộ Y tế Singapore, hiện những người không tiêm vaccine chiếm phần lớn trong số các ca mắc COVID-19 chuyển nặng cần phải điều trị tích cực, làm gia tăng sức ép cho hệ thống y tế. Vì thế, Bộ này sẽ áp dụng quy tắc mới đối với những người kiên quyết nói không với vaccine ngừa COVID-19. Hiện Chính phủ Singapore đang hỗ trợ thanh toán phí điều trị COVID-19 cho tất cả người dân, những người có thẻ thường trú dài hạn và người Singapore có kết quả xét nghiệm dương tính ngay sau khi ở nước ngoài trở về.

Malaysia - Singapore sẽ chính thức khởi động hành lang du lịch giữa hai nước dành cho người đã hoàn thành tiêm phòng COVID-19. (Ảnh: AP)

Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã ra yêu cầu đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo trên cả nước cho đến khi có thông báo mới, vì trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Thông báo trên được đưa ra vài giờ sau khi Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen kêu gọi cần tiếp tục đóng cửa các trường mẫu giáo và có phương án từng bước mở cửa nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ em nhỏ.

Theo thống kê trong giai đoạn 2016-2020, Campuchia có 5.003 trường và 10.357 lớp mẫu giáo, trong đó có 132 lớp học trong chùa. Sau thông báo trên, dự kiến 289.136 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ tiếp tục ở nhà.

Tính từ ngày 1/11, Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 194.228 trẻ em 5 tuổi, đạt 63,82% trong tổng số 304.317 trẻ trong độ tuổi này. Tính đến ngày 8/11, 13,9 triệu người trên tổng số khoảng 16 triệu dân Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 9,6 triệu người đã tiêm đủ liều vaccine. Trong khi đó, gần 2 triệu người, bao gồm lực lượng y tế, an ninh và người dân sinh sống ở thủ đô Phnom Penh, đã được tiêm mũi vaccine tăng cường.

Bộ Y tế Lào cho biết sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho các nhân viên y tế nhằm đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch. Đợt tiêm tăng cường đầu tiên dự kiến được triển khai vào từ tháng 1 đến tháng 2/2022, tập trung vào số nhân viên y tế trực tiếp tham gia hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Các đợt tiếp theo sẽ dành cho nhóm người cao tuổi, người có bệnh lý nền, cán bộ công chức và lực lượng vũ trang.

Ngày 9/11, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 3 ca tử vong và 1.049 trường hợp mắc mới, trong đó có 1.045 ca cộng đồng, tăng hơn 263 bệnh nhân so với một ngày trước đó. Thủ đô Vientiane tiếp tục là tâm dịch với 512 trường hợp cộng đồng trong cùng ngày. Tính đến nay, số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 48.892 người, trong đó có 89 cư dân thiệt mạng.

Bộ Y tế Thái Lan đang xúc tiến mua 2 loại thuốc uống kháng virus để điều trị COVID-19, cùng các phương pháp điều trị và vaccine khác. Dự kiến, Bộ Y tế Thái Lan sẽ trình Nội các nước này kế hoạch mua sắm thuốc Molnupiravir do các công ty dược phẩm của Mỹ là Merck và Ridgeback Biotherapeutics sản xuất để phê duyệt trong ngày 9/11.

Theo ông Atthasit Srisubat, Cố vấn Bộ Y tế, nếu được thông qua, loại thuốc này sẽ được giao vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1/2022. Ngoài ra, Bộ Y tế Thái Lan cũng sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán thêm với Pfizer về việc mua loại thuốc điều trị COVID-19 là Paxlovid.

Trong 24 giờ qua số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này đã giảm xuống dưới ngưỡng 7.000. Cụ thể, Thái Lan ghi nhận thêm 6.904 ca nhiễm cùng 61 trường hợp tử vong. Đến nay, tổng số ca nhiễm từ đầu dịch ở Thái Lan là trên 1,98 triệu ca, trong đó có 19.764 người không qua khỏi.

Thái Lan đã có kế mở lại biên giới cho lao động từ các nước láng giềng Myanmar, Campuchia, Lào nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lao động. Thông tin được giới chức Thái Lan đưa ra trong ngày 9/11. Bộ Lao Động Thái Lan cho biết, các quy định liên quan để tình trạng tiêm chủng cho lao động nhập cư, thủ tục kiểm dịch, xét nghiệm COVID-19 sẽ được đưa ra trong hôm nay. Hiện Thái Lan cần khoảng 420.000 lao động nước ngoài trong ngành xây dựng, sản xuất cao su, thủy sản, thực phẩm. Trước đó, nhiều lao động nước ngoài đã rời Thái Lan do dịch bệnh và chưa thể quay trở lại.

Nhà chức trách tại thành phố Hắc Hà, Trung Quốc đã thông báo thưởng 100.000 Nhân dân tệ (gần 350 triệu đồng) để có được thông tin truy ra nguồn gốc của đợt bùng dịch hiện nay. Hiện đợt dịch mới do biến thể Delta gây ra đã xuất hiện ở hơn 40 thành phố thuộc 20 tỉnh và khu vực ở Trung Quốc. Tuy đợt dịch này dai dẳng, nhà chức trách Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược "Không COVID" bằng cách đóng cửa biên giới, áp dụng phong tỏa cục bộ và chế độ cách ly nghiêm ngặt.

Ngày 9/11, Trung Quốc ghi nhận 62 ca mắc mới. Đến nay, tổng cộng 97.885 người tại quốc gia này đã nhiễm bệnh, bao gồm 4.636 người không qua khỏi.

Ngày 9/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, chính quyền của ông sẽ làm mọi việc có thể để đưa đất nước hoàn toàn quay trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế.

Hàn Quốc trong tháng 11 đã bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế trong bước đầu tiên của chính sách "sống chung với COVID-19", sau khi hơn 70% dân số của nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, các cơ quan y tế vẫn cảnh giác cao độ vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể trở lại xu hướng gia tăng.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Katie Hall MP Parliament of Victoria Vùng: Footscray. Phone: 9689 4283
Xem thêm

Katie Hall - ứng cử viên đảng Lao động mới cho vùng Footscray


Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: https://kenh14.vn/hang-loat-quoc-gia-mo-cua-va-noi-long-yeu-cau-cach-ly-trung-quoc-dong-cua-bien-gioi-phong-toa-cuc-bo-20211110084143678.chn