Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay tiếp tục luận điệu cũ, khi bác bỏ cáo buộc của Philippines rằng đội tàu hàng trăm chiếc đang neo đậu tại bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là do dân quân biển vận hành.

"Tôi không hiểu tại sao một số bên liên quan lại gọi các ngư dân Trung Quốc là dân quân biển", Triệu Lập Kiên nói, thậm chí cho rằng cách gọi này có "ý đồ thù địch". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục nói rằng đây là các ngư dân và ngang nhiên tuyên bố họ có quyền "đánh bắt và trú ẩn trong khu vực suốt hàng nghìn năm".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 4/2020. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố được ông Triệu đưa ra trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.

Philippines công bố thông tin từ hôm 21/3, cáo buộc các tàu này thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila sau đó bao biện rằng các tàu này chỉ "đang trú tránh thời tiết xấu".

"Những người đi biển chuyên nghiệp sẽ biết Trung Quốc đang nói dối", Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nhận định về cách giải thích của đại sứ quán Trung Quốc.

"Không ai để tàu 'trú ẩn' trong vùng bão vài tuần trước một cơn bão. Nếu đó thực sự là tàu đánh bắt thương mại, việc thả neo ở một chỗ như vậy sẽ gây tổn thất hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn USD mỗi ngày", ông nói, thêm rằng mưu đồ "chiếm đoạt biển đảo không cần tiếng súng" này của Trung Quốc là "chiến thuật bất lương".

Giới chức Philippines đã phản ứng mạnh mẽ, bao gồm tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này rằng Manila sẽ lên tiếng phản đối mỗi ngày cho đến khi Bắc Kinh rút hết tàu. Tới ngày 3/4, phía Philippines cho biết vẫn còn hơn 40 tàu Trung Quốc hiện diện trong khu vực.

Họ cũng lưu ý về chiến thắng hồi năm 2016 của Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, với phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc với phần lớn Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Triệu hôm nay lại nói rằng phán quyết của PCA "bất hợp pháp và không có hiệu lực", tiếp tục cho rằng ngư dân Trung Quốc "có lịch sử đánh bắt hàng nghìn năm" trong khu vực để biện hộ cho việc không tuân thủ luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi kêu gọi phía Philippines nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và hợp lý, ngừng thổi phồng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.

Khác với những tuyên bố gay gắt từ giới chức quốc phòng và ngoại giao cấp cao Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte "dịu giọng" hơn rất nhiều. "Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề thông qua kênh ngoại giao và các biện pháp hòa bình", người phát ngôn Harry Roque hôm nay đọc tuyên bố của Duterte.

Giới quan sát nhận định nhu cầu bảo đảm nguồn cung vaccine Covid-19 có thể là yếu tố ngăn Duterte đưa ra lập trường cứng rắn hơn, trong bối cảnh Philippines đang trải qua đợt bùng phát tồi tệ nhất. Hầu hết nguồn vaccine hiện nay của Philippines là từ hãng công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc. Duterte vốn cũng từng nhiều lần thể hiện lập trường nghiêng về Bắc Kinh nhằm đổi lấy lợi ích kinh tế.

 
Ba tuần hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-lai-bao-bien-ve-doi-tau-tren-bien-dong-4259050.html