Kể từ khi các đại học mở cửa lại vào cuối tháng 8, khoảng 37 triệu sinh viên Trung Quốc đã được đặt dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong khuôn viên trường.

Tại Đại học Sơn Tây, miền trung nước này, sinh viên bị cấm ra ngoài và luôn có bảo vệ túc trực ở cổng để đảm bảo không ai được phép rời đi khi chưa được ban quản lý phê duyệt, theo nữ sinh Zhang Li. Zhang kể rằng cô chưa hề đặt chân ra ngoài từ khi học kỳ bắt đầu, dù suốt nhiều tháng nay không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận trong cộng đồng.

Sinh viên dự lễ khai giảng năm học 2020-2021 tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 20/9. Ảnh: Xinhua.

Đại dịch đã được kiểm soát ở hầu khắp Trung Quốc và tại hầu hết thành phố, chỉ có một số ca nhiễm ngoại nhập. Theo Bộ Y tế Trung Quốc, nước này ghi nhận 7 ca Covid-19 mới hôm 23/9, tất cả đều ngoại nhập. Hiện còn 167 ca đang điều trị ở Trung Quốc. Các nhà hàng và rạp phim đã mở cửa nhưng vẫn áp dụng quy tắc giữ vệ sinh và giãn cách.

Điều này gây nên sự bất bình rộng rãi trong sinh viên và giảng viên. Trên mạng xã hội Weibo, có những bài đăng cho thấy sinh viên la hét trong ký túc xá hơn 30 phút. Một từ khóa liên quan đến chủ đề này đã thu hút hơn 150 triệu lượt đọc.

Việc kiểm soát ra vào chặt chẽ đồng nghĩa với giá thực phẩm trong trường tăng vọt, còn giờ tắm rửa và sử dụng Internet bị cắt giảm. Hơn nữa, quy định dường như chỉ nhắm đến sinh viên, còn các cán bộ giảng viên thì được ngoại lệ.

Zhang đã nhìn thấy các giảng viên, công nhân xây dựng và nhân viên căng tin ra vào tự do, không cần giấy phép.

"Nhiều kế hoạch của chúng tôi đã tan vỡ do lệnh phong tỏa, chúng tôi không thể đi làm thêm, tham gia các khóa huấn luyện hay học lái xe, thi lấy bằng chứng nhận", Zhang nói.

Đối với Chen Chen, một sinh viên năm hai ở đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc, thành phố Quảng Châu, các quy định trên dường như mang tính hình thức. Khi quay lại trường hôm 28/8, Chen trải qua nhiều lớp đăng ký và đo thân nhiệt. Nhưng tuần này, tân sinh viên học quân sự trong trường và không cần tuân thủ các quy định giãn cách.

Sinh viên đi qua cổng kiểm tra thân nhiệt ở Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, hôm 13/9. Ảnh: Xinhua.

Đây không phải là lần đầu tiên phong cách quản lý cứng nhắc ở Trung Quốc gây tranh cãi trên mạng xã hội. Hồi tháng 8, chính quyền Tân Cương ở phía tây Trung Quốc từng phải nới lỏng các quy định phong tỏa sau khi người dân phàn nàn trên Weibo rằng họ bị kẹt trong nhà hơn một tháng.

Phản ứng trước sự bức xúc của sinh viên, giới chức của ban kiểm soát và ngăn ngừa đại dịch thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chỉ đạo các sở giáo dục địa phương thanh tra việc quản lý ở các trường. Trường đại học cũng được yêu cầu cân nhắc ý kiến của sinh viên và giảng viên, theo một thông báo được Bộ Giáo dục Trung Quốc đăng tải tuần trước.

Ban quản lý các trường đại học được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục với những sinh viên muốn rời khỏi trường vì lý do y tế, đi thực tập, xin việc hoặc thăm gia đình. Nhưng đối với những sinh viên như Zhang, sự chờ đợi dường như vô tận.

"Tôi chắc phải viết hơn 10 lá thư, nhưng ban quản lý chưa bao giờ hồi đáp. Họ bỏ qua tất cả các khiếu nại của sinh viên", cô nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/sinh-vien-trung-quoc-buc-xuc-vi-bi-giam-long-trong-truong-4166720.html