Trung Quốc mang virus dịch tả heo châu Phi đến nước Mỹ?
Giới quan chức Mỹ đang siết chặt các biện pháp giám sát và đề phòng bệnh dịch tả heo châu Phi. Ảnh minh họa
Các nông dân, quan chức Mỹ siết chặt các biện pháp an toàn kiểm tra chặt chẽ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ Trung Quốc để cách ly dịch tả heo châu Phi đã lây lan tại châu Á và châu Âu.
Các quan chức Mỹ trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, sẽ tăng cường khả năng giám sát bệnh tả heo châu Phi và thiết lập kế hoạch phản ứng nhanh nếu một khi có trường hợp bệnh được xác định.
Các nông dân Mỹ cũng đang tăng cường thực thi các thủ tục đảm bảo an toàn cho trang trại nuôi heo, đồng thời loại bỏ các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ Trung Quốc đang tồn kho dự trữ.
Sự cẩn trọng của Hoa Kỳ là không thừa vì chỉ cần virus mang mầm bệnh xuất hiện trên đàn heo là ngành công nghiệp xuất khẩu heo có trị giá 6,5 tỉ USD của nước này lún sâu vào khủng hoảng, trong khi đang vất vả chống đỡ với các đòn trả đũa thuế từ Trung Quốc và Mexico.
Trung Quốc, nhà sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới, vừa tiêu hủy 200 ngàn con heo sau đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi đang lây lan khắp các thành phố Trung Quốc. Trong khi đó, Pháp xây dựng hàng rào cách ly nước Bỉ sau khi tìm thấy virus mang mầm bệnh tả heo châu Phi trên đàn heo rừng ờ nước láng giềng.
Mặc dù không gây hại cho người, nhưng tả heo châu Phi chưa có vắc xin ngừa bệnh, và sự truyền nhiễm dịch bệnh này lại lây lan rất nhanh, theo nhiều cách, như tiếp xúc giữa động vật, người mang mầm bệnh thông qua con đường du lịch.
Ông Greg Ibach, chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, đây là căn bệnh có thể gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế Mỹ.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng ra lệnh cho các bác sỹ thú y, các nông dân phải báo cáo ngay cho chính quyền nếu phát hiện bất kỳ heo bệnh nào để kiểm tra nhanh có nhiễm virus dịch tả heo châu Phi hay không. Cơ quan này cũng đã lên kế hoạch ứng phó căn bệnh tiềm năng này, và tăng khả năng xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh kịp thời.
“Chúng tôi đang xem xét xem có lỗ hổng nào trong quy trình giám sát bệnh cần điều chỉnh. Để một khi nếu phát hiện ra bệnh lập túc có kế hoạch dập tắt dịch ngay”, ông Jack Shere, Giám đốc Thú y của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết.
Công ty Smithfield Foods, nhà chế biến thịt heo lớn nhất thế giới, đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt việc ra vào trang trại . Những nhân viên của hãng gần đây đi du lịch thì bị cấm xuất hiện tại các trang trại nuôi heo của công ty.
Ông Randy Spronk, một chủ trang trại nuôi heo tại bang Minnesota cho biết, ông phải đi hỏi các nhà môi giới, các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, vitamin về nguồn gốc của chúng mới quyết định mua hàng. Nếu các sản phẩm này đến từ Trung Quốc thì ông muốn chúng phải cho vào kho trữ với thời gian đủ lâu vì virus dịch tả heo châu Phi sẽ chết trong điều kiện khô ráo.
Trong khi đó, ông Hugh Welsh, Chủ tịch Công ty DSM khu vực Bắc Mỹ, chuyên bán thức ăn chăn nuôi nói không cần phải kiểm dịch nguồn gốc hàng đến từ Trung Quốc, vì thời gian vận chuyển hàng từ Trung Quốc đến Mỹ mất đến 120 ngày. Thời gian đó đủ lâu để virus trở nên không còn hiệu lực.
Công ty New Fashion Pork, nhà cung cấp 1,4 triệu con heo cho 7 bang nước Mỹ đã yêu cầu các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi nhập hàng từ Trung Quốc phải giữ lô hàng đó trong kho 30 ngày mới chuyển đến New Fashion Pork. Sau đó, New Fashion Pork tiếp tục lưu trữ thêm 45 ngày mới đem ra sử dụng.
“Về cơ bản, chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp phải thực hiện kiểm dịch để phát hiện bệnh nếu có”, ông Brad Freking, người đứng đầu Công ty New Fashion Pork nói.
Tuy nhiên, giải pháp New Fashion Pork xem ra lại gia tăng chi phí cho nông dân nếu áp dụng theo, vì yêu cầu có nhiều nguồn cung hàng hóa hơn so với thông thường, cũng như đòi hỏi tăng thêm diện tích kho bãi để lưu trữ.
Phát ngôn viên Tony Graetzer của Công ty BASF SE, chuyên bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, khẳng định mạnh mẽ: “Chúng tôi rất quan ngại về vấn đề lây lan của virus mang mầm bệnh tả heo châu Phi. Do đó, thời điểm này, công ty sẽ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lẫn các nước châu Âu”.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2375147