Hai tiêm kích J-20 ngày 28/9 trình diễn trên bầu trời tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc tại thành phố Chu Hải. Phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thẩm Kim Khoa xác nhận một trong những chiếc J-20 được gắn động cơ nội địa do Trung Quốc phát triển, song không tiết lộ tên gọi.

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết mẫu động cơ trên chiếc J-20 này là WS-10C, biến thể của động cơ nội địa WS-10 được phát triển nhằm thay thế cho AL-31F của Nga. WS-10 được nhận định là giải pháp tình thế cho J-20, trong khi chờ các kỹ sư nước này hoàn thiện động cơ WS-15 mạnh hơn, có thể giúp tiêm kích tàng hình phát huy hết tiềm năng của nó.

Tiêm kích J-20 ban đầu dự kiến trang bị động cơ WS-15 được các kỹ sư thiết kế riêng cho dòng máy bay tàng hình này. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào thử nghiệm, động cơ WS-15 thể hiện độ tin cậy thấp khi liên tục gặp sự cố, thậm chí phát nổ năm 2015.

Trung Quốc nhiều năm qua nỗ lực phát triển động cơ WS-15 để cải thiện năng lực tác chiến của J-20, nhưng tới nay vẫn chưa thể khắc phục các vấn đề phức tạp với mẫu động cơ này và vẫn phải sử dụng mẫu WS-10 cũ hơn.

 
Trung Quốc khoe tiêm kích J-20 được sửa 'quả tim lỗi'

Tiêm kích J-20 cất cánh lần đầu năm 2011 và ra mắt công chúng tại triển lãm hàng không Chu Hải tháng 11/2016. Trung Quốc tuyên bố J-20 đạt tình trạng sẵn sàng chiến đấu năm 2018.

Vương Hải Đào, phó thiết kế trưởng dự án tiêm kích J-20, ngày 29/9 cho biết Trung Quốc dự kiến đẩy nhanh nâng cấp J-20 và đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất mẫu tiêm kích tàng hình này.

Giới chuyên gia nhận định J-20 là câu trả lời cho F-22 và F-35, hai mẫu tiêm kích tàng hình hàng đầu của Mỹ. Trong báo cáo năm 2017 của Chương trình Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, các chuyên gia đánh giá động cơ WS-10 mang lại cho J-20 khả năng bay với tốc độ vượt âm trong thời gian dài.

Tuy nhiên, việc các động cơ nội địa thường xuyên gặp trục trặc và bị ví như "quả tim lỗi" trên tiêm kích Trung Quốc khiến giới quan sát cho rằng J-20 vẫn thua kém nhiều so với máy bay tàng hình F-22 và F-35 Mỹ.

David Goldfein, từng giữ chức tham mưu trưởng không quân Mỹ, năm 2016 nhận định công nghệ của J-20 mới chỉ sánh được với F-117A, máy bay tàng hình được Mỹ biên chế năm 1983 và loại biên 25 năm sau đó.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-khoe-tiem-kich-tang-hinh-khac-phuc-trai-tim-loi-4364625.html