Trung Quốc kêu gọi dân chúng 'móc hầu bao'
Vào giờ ăn trưa một ngày trong tuần gần đây, nhà hàng vịt cuốn của Gu Zekun tiếp tục vắng khách. Anh quyết định tháo biển hiệu. Sau hơn một năm vật lộn với những tác động từ đại dịch Covid-19, Gu không còn lựa chọn nào khác là đóng cửa nhà hàng nhỏ của mình trong một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh.
"Ngày càng ít người đến ăn. Nhiều cơ sở kinh doanh đã ngừng hoạt động từ năm ngoái", Gu nói, chỉ tay vào những cánh cửa đóng kín trong trung tâm thương mại nơi anh thuê. "Chúng tôi bán một suất cuốn giá 30 tệ (4,6 USD). Không ít khách hàng cau mày trước mức giá đó. Họ ngần ngại rút hầu bao".
Bên trong một trung tâm thương mại ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Nhà hàng của Gu nằm trong vô số doanh nghiệp Trung Quốc sụp đổ do mức chi tiêu dùng sụt giảm mạnh vào năm ngoái. Theo Banyuetan, tạp chí do hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua quản lý, ít nhất 3 triệu cửa hàng và nhà hàng ở đại lục đã buộc phải đóng cửa hoặc bị thu hồi giấy phép từ tháng một đến hết tháng 11/2020.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc năm ngoái giảm 3,9% so với năm 2019, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 1978. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,3%, biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm 2020, chủ yếu được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng và xuất khẩu.
Không ít nhà kinh tế từng kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc sẽ phục hồi sau đại dịch, nhưng có nhiều lo ngại rằng việc tăng tỷ trọng tiêu dùng khu vực tư nhân sẽ là bài toán khó với Bắc Kinh trong dài hạn, khi khoảng cách giàu nghèo đã tăng lên đáng kể do Covid-19.
Trong báo cáo công tác chính phủ được Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố vào tuần trước, Trung Quốc thừa nhận "nền tảng phục hồi kinh tế đang bị lung lay" và "tiêu dùng của người dân vẫn hạn chế". Chính phủ đồng thời cam kết ổn định và tăng sức tiêu dùng.
"Chúng tôi sẽ tăng thu nhập của người dân thông qua nhiều kênh", Thủ tướng Lý nói. "Chúng tôi sẽ tăng đều đặn sức tiêu dùng và cải thiện môi trường tiêu dùng, giúp mọi người có thể và sẵn sàng chi tiền".
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một ưu tiên kinh tế trong kế hoạch 5 năm của Trung Quốc đến năm 2025, cũng như tầm nhìn dài hạn đến năm 2035, theo bản dự thảo kế hoạch phát triển chi tiết dự kiến được quốc hội thông qua tuần này.
"Tiêu dùng sẽ trở thành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, theo yêu cầu trong tầm nhìn mới về 'lưu thông kép'", Liu Qiao, chuyên gia kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định. "Vì vậy, cần giải quyết vấn đề cấp bách: Làm thế nào để chi tiêu tiêu dùng trở thành động lực của nền kinh tế".
Theo Cục Thống kê Quốc gia, thu nhập khả dụng của người dân Trung Quốc đạt khoảng 4.935 USD vào năm ngoái, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước đó sau khi điều chỉnh lạm phát. Tuy nhiên, tổng chi tiêu tiêu dùng lại giảm 4% so với năm 2019, xuống còn gần 3.264 USD.
Cùng lúc, nợ hộ gia đình tăng nhanh chóng lên mức tương đương 60% GDP trong quý ba năm ngoái, từ mức dưới 40% của 5 năm trước đó, do ngày càng nhiều người tiêu dùng đi vay để xoay xở cuộc sống, theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc cảnh báo nợ hộ gia đình là một "mối quan ngại lớn" đối với chính quyền trong nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng.
Tổng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần, lên 8.000 tỷ USD trong một thập kỷ qua, chiếm 12% tiêu dùng toàn cầu vào năm 2018. Tổng chi tiêu tiêu dùng tính theo tỷ trọng GDP tăng đều đặn từ năm 2010, lên khoảng 55% vào năm 2020, song vẫn thấp hơn mức của hầu hết các nền kinh tế phát triển, nơi tiêu dùng cá nhân chiếm 70% giá trị nền kinh tế.
Kế hoạch lưu thông kép, được công bố hồi tháng 5 năm ngoái, đặt mục tiêu tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa và là cách tiếp cận chiến lược của Trung Quốc để thích ứng với môi trường bên ngoài ngày càng bất ổn và đối địch. Bắc Kinh được dự đoán sẽ bớt phụ thuộc vào chiến lược phát triển hướng xuất khẩu, hay "lưu thông bên ngoài", song không từ bỏ hoàn toàn nó.
Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, để thực hiện kế hoạch lưu thông kép, chính phủ sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ việc làm, cải thiện dịch vụ công, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và giảm bất bình đẳng thu nhập. Tất cả đều là những trở ngại kinh niên đang kìm hãm người tiêu dùng "móc hầu bao".
Gan Li, nhà kinh tế học tại Đại học Tài chính Kinh tế Tây Nam, cho rằng điều đáng lo ngại nhất lúc này là tình trạng bất bình đẳng thu nhập, tức khoảng cách giàu nghèo, đang trở nên tồi tệ hơn do Covid-19.
"Trung Quốc nên đưa ra những chính sách cải thiện sinh kế của người dân và hỗ trợ những người có thu nhập thấp, người làm nghề tự do và chủ doanh nghiệp nhỏ tự doanh", Gan nói. "Nếu không, chúng sẽ là điểm trì trệ trong hệ thống lưu thông kép".
Theo một cuộc khảo sát toàn quốc trên hơn 70.000 hộ gia đình do Đại học Tài chính Kinh tế Tây Nam và Ant Group Research thực hiện, tốc độ tăng thu nhập của các hộ gia đình có thu nhập hàng năm dưới 50.000 nhân dân tệ (gần 7.694 USD) là chậm nhất trong tất cả các nhóm.
Những người có thu nhập hàng năm trên 300.000 tệ (46.126 USD), có tốc độ gia tăng nhanh nhất, nhờ công việc ổn định và lợi nhuận đầu tư tốt trên thị trường chứng khoán.
Trung Quốc có 600 triệu dân sống với thu nhập hàng tháng từ 1.000 tệ (140 USD) trở xuống, Thủ tướng Lý hồi năm ngoái cho biết. Điều này có nghĩa hơn 40% trong 1,4 tỷ dân Trung Quốc sống với thu nhập dưới 5 USD/ngày.
"Mức đó chỉ đủ trả tiền thuê nhà hàng tháng ở một thành phố cỡ trung của Trung Quốc", Thủ tướng Lý cho hay.
Trong khi đó, thị phần của Trung Quốc trên thị trường xa xỉ phẩm toàn cầu tăng gần gấp đôi, lên 20%, vào năm 2020, cho thấy sức chi tiêu khổng lồ trong tầng lớp giàu có ở nước này. Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập, tuy nhiên tiến bộ đạt được còn hạn chế.
"Chỉ khi nào người dân bình thường sẵn sàng chi tiêu, chúng ta mới có thể nói rằng họ đang được hưởng lợi từ thịnh vượng kinh tế của đất nước", nhà kinh tế chính trị độc lập Hu Xingdou bình luận. "Chính phủ còn rất nhiều việc phải làm để khiến người dân có thể và sẵn sàng chi tiêu".
Giới phân tích đánh giá việc chính phủ thiếu các chương trình hưu trí và y tế phù hợp khiến các hộ dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và cắt giảm chi tiêu.
Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc sẽ cải cách hệ thống hộ khẩu nhằm cho phép những người đến từ vùng nông thôn đăng ký thường trú tại các thành phố, nơi thường có dịch vụ xã hội tốt hơn.
"Vai trò của tiêu dùng trong nền kinh tế ở mức độ nào còn phụ thuộc vào cách thức chính phủ theo đuổi các biện pháp kích thích", Louis Kuijs, lãnh đạo bộ phận kinh tế châu Á tại công ty phân tích thị trường Oxford Economics, nhận định. "Dù Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ khi gia tăng vai trò của khu vực dịch vụ, nỗ lực nâng cao vai trò của tiêu dùng trong 5 năm qua chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân không nhỏ là do mỗi khi có áp lực giảm đối với tăng trưởng, cách thức mà chính phủ Trung Quốc ưa dùng là tăng cường đầu tư".
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế từ UBS Securities lại vẽ ra một bức tranh màu hồng về tiêu dùng của Trung Quốc trong tương lai. Họ kỳ vọng tổng chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng nhanh hơn GDP trong thập kỷ tới "khi tầng lớp trung lưu tăng lên và tỷ lệ tiết kiệm giảm" do những cải thiện về an sinh xã hội.
Họ dự đoán tổng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc có thể tăng 8.000 đến 9.000 tỷ USD trong thập kỷ tới và đạt 17.000 tỷ USD vào năm 2030.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-hoi-thuc-dan-moc-hau-bao-hau-covid-19-4246667.html