Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức cuối tuần qua, ông Vương Nghị, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương và là nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, gây bất ngờ khi tuyên bố Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sớm công bố một "đề xuất hòa bình" để giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Trung Quốc không can dự trực tiếp vào xung đột, song sẽ không khoanh tay đứng nhìn", ông Vương nói, giải thích về lý do Bắc Kinh muốn đưa ra đề xuất này. Ông nhấn mạnh các bên cần duy trì đối thoại thay vì đơn phương trừng phạt và các nước châu Âu cần bình tĩnh suy nghĩ về tương lai Ukraine.

Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani tiết lộ Bắc Kinh muốn đưa ra đề xuất hòa bình vào ngày 24/2, tròn một năm chiến sự Nga - Ukraine bùng phát.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Đức vào ngày 18/2. Ảnh: AFP.

Theo ông Vương, đề xuất của Bắc Kinh sẽ dựa trên các nguyên tắc cốt lõi mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra trong quan hệ quốc tế, trong đó có toàn vẹn lãnh thổ và "chủ quyền của mọi quốc gia".

Tuy nhiên, các lãnh đạo phương Tây tham dự Hội nghị An ninh Munich đã lập tức đặt câu hỏi liệu đề xuất của Trung Quốc có triển vọng tiến xa hơn các nỗ lực đối thoại trước đây hay không. Bắc Kinh không phải là bên đầu tiên đề cập đến "giải pháp chính trị" cho xung đột Nga - Ukraine và quan hệ giữa nước này với Moskva gây nhiều hoài nghi ở phương Tây.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành nỗ lực ngoại giao con thoi với Moskva lẫn Kiev và Washington để tìm kiếm tiếng nói chung và ngăn xung đột xảy ra.

Nỗ lực này được ông Macron duy trì nhiều tuần sau khi chiến sự bùng phát vào tháng 2/2022, song cuối cùng không mang lại kết quả nào. Pháp sau đó tham gia liên minh phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước có quan hệ tốt với cả Nga lẫn Ukraine, trong một năm qua cũng nhiều lần giữ vai trò trung gian đối thoại nhằm giúp Moskva và Kiev tìm tiếng nói chung giải quyết xung đột.

Lần đầu tiên ngoại trưởng Nga và Ukraine chấp nhận trao đổi trực tiếp sau khi chiến sự bùng phát là tại Antalya, bên lề một hội thảo an ninh khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phái đoàn Nga - Ukraine cũng đã ngồi vào bàn thương lượng tại thành phố Istanbul, song đàm phán đổ vỡ khi chiến sự tăng nhiệt. Thành quả lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ đạt được trong vai trò trung gian hòa giải là thỏa thuận đảm bảo an toàn cho tàu chở ngũ cốc đi qua Biển Đen.

Bởi vậy, sau khi thông tin được ông Vương Nghị công bố, nhiều người đã tự hỏi liệu ý tưởng "kiến tạo hòa bình" của Trung Quốc có hiệu quả hơn nỗ lực của châu Âu hay không.

"Trung Quốc còn chưa lên án chiến dịch quân sự này", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói. "Kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh cũng khá mơ hồ. Hòa bình chỉ đạt được khi Nga tôn trọng chủ quyền của Ukraine".

Giới chức Trung Quốc trong một năm qua nhiều lần khẳng định Bắc Kinh giữ lập trường trung lập trong khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, họ cũng liên tục khẳng định quan hệ hữu nghị "không giới hạn" Bắc Kinh - Moskva sẽ không thay đổi bất chấp sức ép từ phương Tây.

Các quan chức Mỹ lập tức lên tiếng về mức độ chân thành trong đề xuất hòa bình của Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nói Washington đặc biệt lo ngại về mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Moskva từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.

Washington cùng các đồng minh đã nhiều lần đề nghị Bắc Kinh lên tiếng phản đối Nga tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, tận dụng vị thế của mình trong quan hệ song phương để thuyết phục Moskva kết thúc chiến sự, nhưng Trung Quốc đều cự tuyệt.

Bà Harris còn cảnh báo rằng bất cứ sự hỗ trợ nào về vũ khí sát thương của Trung Quốc cho Nga cũng sẽ khiến xung đột tiếp tục leo thang và "phá hoại trật tự dựa trên luật lệ".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó tuyên bố Trung Quốc có thể đang xem xét cung cấp vũ khí nhằm hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông đồng thời cảnh báo Bắc Kinh rằng mọi động thái cung cấp vũ khí cho Moskva đều sẽ "gây ra vấn đề nghiêm trọng".

Ông thậm chí nhận định đề xuất hòa bình của Trung Quốc có thể chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức nhằm "đóng băng cuộc xung đột" và mang lại lợi thế cho Tổng thống Nga Vladimir Putin sau những bước lùi gần đây của lực lượng Nga trên chiến trường.

"Ai mà chẳng muốn im tiếng súng ở Ukraine? Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức đề phòng những cái bẫy được giăng sẵn", ông Blinken phát biểu tại Munich. "Ông Putin sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán về phần lãnh thổ Nga vừa kiểm soát. Ông ấy muốn câu giờ để dưỡng binh, tái tổ chức lực lượng rồi mở đợt tấn công mới".

Binh sĩ Ukraine trên xe tăng gần thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk, ngày 20/1. Ảnh: Reuters.

Nhiều quan chức phương Tây cũng bày tỏ lo ngại tương tự Mỹ. Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng phương Tây không thể "lặp lại sai lầm" với Trung Quốc như họ từng phạm phải với Nga, khi sự phụ thuộc quá sâu sắc về kinh tế và năng lượng dẫn đến phản ứng thiếu quyết đoán trong các vấn đề địa chiến lược, trong đó có xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Pháp Macron cũng bác bỏ phương án thuyết phục Kiev hòa đàm bằng mọi giá với Moskva, trong khi Thủ tướng Đức Olaff Scholz kêu gọi châu Âu chuyển thêm xe tăng hiện đại đến Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hoan nghênh Trung Quốc, với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lên tiếng kêu gọi hòa bình. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh chính phủ Đức sẽ không chấp thuận đề xuất hòa bình của Trung Quốc nếu nó bao gồm yêu cầu phương Tây ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.

"Chỉ cần Nga ngừng tấn công là chiến tranh kết thúc, nhưng nếu Ukraine ngừng tự vệ, quốc gia này sẽ biến mất. Chúng tôi không chấp nhận viễn cảnh đó", bà nói, đồng thời tái khẳng định lập trường của Berlin rằng mọi thỏa thuận hòa bình phải dựa trên "thừa nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine.

"Hòa bình công bằng chỉ có thể đạt được khi bên xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ rút quân khỏi nước mà họ đang chiếm đóng", Ngoại trưởng Đức tuyên bố.

Trái với thái độ hoài nghi của phương Tây, Ukraine lại chào đón Trung Quốc chủ động phát huy trách nhiệm trong vấn đề quốc tế. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba sau cuộc gặp với ông Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich xác nhận chính phủ hai nước vẫn duy trì liên lạc trong một năm qua.

Theo CGTN, ông Kuleba đã hoan nghênh Bắc Kinh nêu lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, chia sẻ kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong tìm kiếm giải pháp cho xung đột. Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố nước ông muốn hiện thực hóa nguyện vọng hòa bình càng sớm càng tốt, đánh giá cao vị thế cũng như sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính trường quốc tế.

Zhang Hong, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định mọi bên liên quan trực tiếp trong xung đột Nga - Ukraine đang trong tình thế khó tìm được tiếng nói chung, song Trung Quốc không thể làm ngơ trước những tác động toàn cầu của cuộc xung đột. Ông cho rằng tuyên bố của ông Vương Nghị tại Munich gửi đi thông điệp Trung Quốc đang tích cực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

"Trung Quốc chọn không khoanh tay đứng nhìn, mà đang nỗ lực đưa các bên liên quan trở lại bàn đàm phán", ông nói.

Wang Hiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, dự báo đề xuất hòa bình được công bố vào ngày 24/2 sẽ thể hiện rõ lập trường của Trung Quốc trong khủng hoảng Ukraine là thúc đẩy các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình và chấm dứt xung đột dai dẳng. Điểm quan trọng trong đề xuất này sẽ là lập trường phản đối chiến tranh hạt nhân vì không bên nào thật sự chiến thắng trong kịch bản đó.

Wang Huiyao đánh giá hội nghị tại Munich đã phản ánh nỗi lo chung ở châu Âu rằng chiến sự sẽ tiếp tục kéo dài và kết thúc xung đột là nguyện vọng chung của khu vực.

"Một vài nước châu Âu lại không muốn đàm phán, còn Mỹ đang tìm cách khiến cuộc chiến tiếp diễn", chuyên gia Trung Quốc nói, đề cập đến hàm ý trong phát ngôn của ông Vương Nghị rằng "có một số thế lực" cản trở hòa đàm. "Trong tình hình này, đề xuất đàm phán hòa bình từ Trung Quốc mang tầm quan trọng to lớn", Wang nhấn mạnh.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Lyndale Secondary College Vùng: Dandenong North. Phone: 9795 2366
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/phuong-tay-hoai-nghi-vai-tro-trung-quoc-trong-khung-hoang-ukraine-4572574.html